• Tìm chúng tôi trên

Đắk Lắk: Mô hình “Nuôi dê lai Bách Thảo sinh sản” đạt kết quả cao

22/01/2016 09:58:09 GMT+7

Dê là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh, sinh sản nhiều, vốn đầu tư ít, bản tính hiền lành nên được nhiều bà con chăn nuôi lựa chọn như là ở thành phố Buôn Ma Thuột đàn dê có số lượng hơn 6.700 con cao nhất so với các địa phương trong toàn tỉnh (nguồn niên giám thống kê tỉnh Đắk Lắk năm 2014). Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi dê chủ yếu là tự phát, ít được quan tâm đầu tư nên năng suất thấp, mặt khác với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng gây khó khăn trong việc tìm bãi chăn thả đàn dê. Vì vậy, phát triển chăn nuôi dê theo phương thức thâm canh hoặc bán chăn thả được xem là lựa chọn phù hợp với thực tế sản xuất.

Dê là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh, sinh sản nhiều, vốn đầu tư ít, bản tính hiền lành nên được nhiều bà con chăn nuôi lựa chọn. Ở thành phố Buôn Ma Thuột, đàn dê có số lượng hơn 6.700 con, cao nhất so với các địa phương trong toàn tỉnh (nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Đắk Lắk năm 2014).

Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi dê chủ yếu là tự phát, ít được quan tâm đầu tư nên năng suất thấp, mặt khác với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng gây khó khăn trong việc tìm bãi chăn thả đàn dê. Vì vậy, phát triển chăn nuôi dê theo phương thức thâm canh hoặc bán chăn thả được xem là lựa chọn phù hợp với thực tế sản xuất. Trên cơ sở đó, năm 2015, Trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột triển khai mô hình “Nuôi dê lai Bách Thảo sinh sản” nhằm mục tiêu thúc đẩy ngành chăn nuôi dê phát triển theo hướng thâm canh hàng hóa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Quy mô của mô hình là 49 con dê lai Bách Thảo được thực hiện tại 5 xã, phường: Ea Tu, Ea Tam, Tân Lập, Tự An và Tân Thành với 07 hộ tham gia, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 01 con dê đực và 06 con dê cái, trọng lượng trung bình 17kg/con, 50% chi phí vật tư (thức ăn, thuốc thú y). Đồng thời, các hộ tham gia được Trạm Khuyến nông TP BMT hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê như: cách làm chuồng nuôi đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát; cách bổ sung thức ăn tinh, lựa chọn thức ăn thô xanh theo mùa và các biện pháp vệ sinh phòng bệnh để đàn dê luôn được khỏe mạnh và có khả năng sinh sản tốt.

Nhờ thực hiện tốt các khâu kỹ thuật trong quy trình nuôi, sau 4 tháng nuôi, đàn dê sinh trưởng phát triển, sinh sản tốt. Đến nay, từ đàn dê ban đầu có một số dê lai đã đẻ, trọng lượng dê sơ sinh con trung bình 2,2 kg/con, bình quân mỗi hộ ban đầu nuôi từ 7 con thì tổng đàn nay đã tăng lên hơn 10 con/hộ. Như vậy, bước đầu mô hình đã chuyển giao thành công kỹ thuật nuôi dê lai Bách Thảo sinh sản, từ đàn giống này sẽ là nguồn thu nhập đáng kể trong tương lai cho các hộ gia đình tham gia mô hình và tạo ra một nghề chăn nuôi dê bền vững hơn. 

Đàn dê của gia đình ông Nguyễn Văn Sinh ở phường Tân Lập – Tp BMT

Theo ông Vương Văn Hùng (Trưởng Trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết: “Dê là loài dễ nuôi, sức đề kháng cao, sinh sản nhanh. Chăn nuôi dê quan trọng nhất là khâu chọn giống. Dê con khi sinh ra chọn lọc những con giống tốt để nhân giống. Vì vậy, bà con chăn nuôi cần phải chú ý tránh cho dê giao phối cận huyết cần phải thay đổi dê đực giống để tạo đời con lai có chất lượng tốt, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm”.

Mô hình “Nuôi dê lai Bách Thảo sinh sản” được xem là cách làm cho hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn đầu tư ít, ít công chăm sóc, khai thác được tiềm năng và thế mạnh của địa phương phù hợp với bà con nông dân nên cần được nhân rộng để phát triển kinh tế hộ gia đình.

                                                                Cao Phúc

                                                                   TTKN Đắk Lắk

TIN NỔI BẬT