• Tìm chúng tôi trên

Sản xuất cà phê hữu cơ - Hướng đi mang lại giá trị bền vững, lâu dài cho người sản xuất

29/11/2023 10:39:52 GMT+7

Tỉnh Đắk Lắk, trong những năm vừa qua, quy mô sản xuất cà phê đã tương đối ổn định. Nhu cầu thị trường một số sản phẩm cà phê có chất lượng cao như cà phê đặc sản, cà phê hữu có có xu hướng tăng; ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được nhiều khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến; sự phát triển các sản phẩm cà phê chất lượng cao hiện nay đang được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn của Đảng và nhà nước; trình độ người sản xuất cà phê trong tỉnh Đắk Lắk ngày càng được cải thiện, người dân đang từng bước chuyển đổi hướng canh tác theo hướng an toàn và bền vững hơn….

Bên cạnh những thuận lợi trên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như do tập quán sản xuất lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, bệnh hoá học, dẫn đến tồn dư hoá chất đã làm tổn hại đến uy tín của thương hiệu hạt cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất sinh trưởng phi hữu cơ còn phổ biến và không đúng kỹ thuật dẫn đến tồn dư một số chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông sản, điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm nông sản cũng như không đáp ứng được một số yêu cầu của một số thị trường khó tính trên thế giới.

Hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới khi áp lực về lương thực giảm đi, trong khi đó áp lực về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng lên. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ nên việc sớm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng xu hướng chung của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nông sản tạo động lực trong tổ chức lại và thúc đẩy sản xuất. Ngày 21/10/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 3079/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phát triển Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Quyết định số 2725/QĐ-UBND ngày 01/10/2021 về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Tiếp đến ngày 03/11/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2481/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là những mục tiêu hết sức thiết thực cho thấy tỉnh đang hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao của nông sản hàng hóa bền vững, thân thiện với môi trường.

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2023 từ nguồn kinh phí tỉnh, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật và Thủy sản phối hợp Trạm Khuyến nông các huyện triển khai mô hình” Sản xuất cà phê hữu cơ thời kỳ kinh doanh từ năm thứ 5 trở đi ”.

Khảo sát chọn điểm thực hiện mô hình

Mô hình được triển khai tại 3 huyện Krông Păk, huyện Krông Buk và huyện Krông Năng, với quy mô 9,5 ha, gồm 20 hộ tham gia. Khi tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 70% vật tư phân bón, thuốc BVTV để triển khai mô hình, được tham gia lớp tập huấn về sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ và được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình. Đây là mô hình yêu cầu rất cao về vật tư, đặc biệt là quản lý việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, do vậy các hộ tham gia phải có nguồn lực tài chính, tâm huyết, tự nguyện đóng góp vật tư đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của mô hình. Ngoài ra, các hộ dân phải tuân thủ đầy đủ quy trình trong suốt quá trình chăm sóc như sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hợp lí, vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.

Giao vật tư cho hộ nông dân

Tính đến nay, sau gần 1 năm triển khai thực hiện, các hộ dân tham gia đều tỏ ra phấn khởi vì những kết quả bước đầu mà mô hình đem lại. Với hiện trạng vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, cùng lượng quả trên cây cho thấy năng suất không bị sụt giảm so với khi chưa áp dụng qui trình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ (Năng suất ước đạt 3,3 - 3,5 tấn nhân/ha tại huyện Krông Păk và Krông Búk và từ 3,8 - 4,0 tấn nhân/ha tại huyện Krông Năng). Đa số các hộ tham gia đều cho biết, năng suất bước đầu như vậy là điều đáng mừng, và quan trọng hơn nữa là hiện tại vườn cây đang phát triển xanh tốt, cành dự trữ phát triển mạnh, nền đất mặt vườn tơi xốp, màu mỡ hứa hẹn một mùa cà phê năng suất, chất lượng.

CBKT kiểm tra mô hình 

Với mục tiêu chuyển giao và nâng cao năng lực tiếp nhận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới về kiến thức kỹ thuật sản xuất cà phê hữu cơ, hạn chế sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, làm tăng năng suất, chất lượng cà phê, tạo vùng sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê tại địa phương. Việc sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc BVTV sinh học đúng quy trình và định mức kỹ thuật sẽ giảm tác động xấu đến môi trường và tạo an toàn thực phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất. Tạo sản phẩm cà phê có chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi liên kết với các đơn vị thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi làm tăng hiệu quả kinh tế cho hộ nông dân, làm tiền đề thuận lợi phát triển sản xuất cà phê hữu cơ tại địa phương./.

                                 Thái Bảo

 

 

TIN NỔI BẬT