• Tìm chúng tôi trên

Đắk Lắk: Trồng thâm canh vải – mở rộng vùng chuyên canh cây ăn quả

27/12/2023 08:56:49 GMT+7

Những năm qua, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng và đa dạng về chủng loại. Trước tiên là điều kiện về khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả, mùa vụ thu hoạch khác nhau đó là điều kiện cạnh tranh giá cả thị trường, các sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, không thua kém các vùng trồng cây ăn quả truyền thống ở vùng miền Tây và Đông Nam bộ.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế năm 2023 từ nguồn ngân sách tỉnh, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thuỷ sản Đắk Lắk đã phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện triển khai thực hiện “Mô hình trồng thâm canh vải theo GAP năm thứ nhất”.

Mô hình được triển khai tại 2 huyện Ea Kar và Krông Năng với quy mô 07 ha, gồm 14 hộ tham gia. Với sự hỗ trợ kinh phí 70% về cây giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV, hộ dân được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật, các cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình theo hướng GAP. Ngoài ra, các hộ dân phải tuân thủ đầy đủ quy trình trong suốt quá trình tham gia mô hình.

Giao cây  giống, vật tư cho hộ nông dân tham gia mô hình

Sau 7 tháng triển khai, bước đầu mô hình đem lại kết quả khả quan: vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, đồng đều, bộ lá xanh, tỷ lệ cây sống  đạt 95%, chiều cao cây từ 0,7 - 0,9 m, cành cấp 1 từ 4 - 5 cành, không có sâu bệnh hại. Các hộ tham gia mô hình và cán bộ kỹ thuật thường xuyên trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm về một số biện pháp kỹ thuật mới để nâng cao tỷ lệ sống cây vải trong giai đoạn trồng mới như: xử lý hố trồng, kỹ thuật trồng, che chắn và giữ ẩm, chống ngập úng, phòng trừ sâu bệnh hại.... giai đoạn trồng mới và kiến thiết cơ bản.

Đại biểu tham quan mô hình sau 7 tháng triển khai thực hiện

Từ kết quả triển khai mô hình đã đem lại tín hiệu tích cực, tạo niềm tin, cơ hội cho nông dân trồng vải, giúp người nông dân nâng cao nhận thức, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất cây ăn quả theo GAP, tạo vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung cho các cơ sở, doanh nghiệp, nhà máy chế biến,…góp phần ổn định giá cả thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm cải thiện đời sống cho người dân.

Toàn cảnh buổi Hội nghị

Ông Đỗ Danh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và  Thủy sản chia sẻ tại buổi sơ kết: Việc xây dựng triển khai mô hình trình diễn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của khuyến nông nhằm tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho người sản xuất, đặc biệt ưu tiên vào vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp người dân nâng cao kiến thức canh tác, thay đổi nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Tạo sự đa dạng các sản phẩm nông nghiệp từng vùng chuyên canh tập trung, tiến tới xây dựng thương hiệu cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

Khánh Lý

 

 

TIN NỔI BẬT