• Tìm chúng tôi trên

Đắk Lắk: Dự án Khuyến nông Trung ương – Một năm nhìn lại

26/06/2023 10:55:15 GMT+7

Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk đã và đang thực hiện Dự án KNTW "Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên", thuộc khuôn khổ Dự án là 02 mô hình: Mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và Mô hình thâm canh mít theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện: Buôn Đôn, Krông Pắk và Tx. Buôn Hồ

Nhằm phát triển nông nghiệp tăng trưởng bền vững, chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên phát triển chuỗi giá trị theo nhu cầu của thị trường là vấn đề cần được thực hiện trong thời gian tới. Với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk đã bảo vệ thành công Dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên”. Dự án được thực hiện trong 03 năm (2022 -2024) tại 03 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai.

Đến nay, Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên" đã thực hiện những nội dung sau: Xây dựng được 95/95 ha mô hình trồng cây ăn quả theo VietGAP cho 92 hộ tham gia trên địa bàn 3 tỉnh: Đắk Lắk (40 ha), Đắk Nông (35 ha), Gia Lai (20 ha). Trong đó: Mô hình thâm canh cây Sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP (50 ha); Mô hình thâm canh cây Bơ theo tiêu chuẩn VietGAP (10 ha); Mô hình thâm canh cây mít theo tiêu chuẩn VietGAP (10 ha); Mô hình trồng thâm canh chanh leo theo VietGAP (25 ha); Cấp hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình tổng cộng 217,5 tấn phân hữu cơ vi sinh; cấp 192.000 tem truy xuất nguồn gốc; tổ chức 03 tọa đàm liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 90 lượt người tham gia; tổ chức 02 lớp tập huấn ngoài mô hình cho 60 lượt người; tổ chức 08 lớp tập huấn trong mô hình cho 120 lượt người tham gia.

Năm 2023, tại Đắk Lắk dự án đã và đang triển khai thực hiện 40 ha mô hình trình diễn, gồm: Mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và Mô hình thâm canh mít theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Buôn Đôn và Krông Pắk với 36 hộ tham gia. Từ nguồn kinh phí Khuyến nông Quốc gia, các hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 50% chi phí phân bón hữu cơ vi sinh từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, người dân còn được tập huấn kỹ thuật thâm canh sầu riêng và mít theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới nông nghiệp bền vững dựa trên cơ sở tận dụng điểm mạnh về điều kiện tự nhiên thuận lợi và kinh nghiệm sản xuất của các hộ trồng.

Tập huấn trong mô hình: Kỹ thuật thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tại Tx. Buôn Hồ

Ngày 20-22/6/2023,Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trạm Khuyến nông Tx. Buôn Hồ và Trạm Khuyến nông các huyện Buôn Đôn, Krông Pắk cùng chính quyền địa phương tổ chức lấy mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng và cấp phát hỗ trợ 60 tấn phân bón hữu cơ vi sinh cho 36 hộ tham gia thực hiện mô hình của Dự án (Trong đó: 08 hộ tham gia Mô hình thâm canh mít theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 10 ha; 28 hộ tham gia Mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 30 ha).

Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản cùng chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan lấy mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng và giao phân bón cho hộ tham gia mô hình.

Năm 2022 – 2023, thông qua việc thực hiện Dự án, các hộ tham gia mô hình đã tiếp cận và thực hiện chăm sóc cây ăn quả (sầu riêng, mít, bơ, chanh leo) đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường. Không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mô hình đã có những hiệu quả thiết thực về mặt môi trường và xã hội. Người sản xuất có trách nhiệm với chính mình, môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không còn tình trạng lạm dụng thuốc Bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học để thâm canh mà tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp phân bón hóa học một cách cân đối, hợp lý.

Việc triển khai dự án đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của bà con nông dân, nâng cao kiến thức kỹ thuật thâm canh cây ăn quả theo VietGAP. Thúc đẩy phát triển xây dựng vùng nguyên liệu góp phần xây dựng ngành hàng cây ăn trái bền vững tại Đắk Lắk. Mô hình được người dân hưởng ứng nhiệt tình và được lan tỏa, nhân rộng. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại của dự án, theo dõi các mô hình trình diễn và đánh giá kết quả của dự án để có thể áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây ăn quả theo VietGAP và phổ biến nhân rộng mô hình ra các hộ và địa phương khác../.

          Nguyễn Chung – Nguyễn Nữ

TIN NỔI BẬT