• Tìm chúng tôi trên

Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ đầy triển vọng

15/11/2019 07:52:53 GMT+7

Nhìn vườn cà phê xanh tốt với đa dạng sinh học trong một hệ thống canh tác, ba tầng cây trồng và các sinh vật khác đang tồn tại phát triển hổ tương lẫn nhau, tạo điều kiện cho vườn cà phê ổn định năng suất và mang lại chất lượng sản phẩm đặc sắc, đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần, khó ai nghĩ rằng đây là mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ từ ba năm nay.

Đó là mô hình sản xuất cà phê của gia đình anh Phạm Văn Đồng, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột. Anh cho biết, gia đình có tổng diện tích là 2,5 ha cà phê, trong đó 1,3 ha cà phê đang cho thu hoạch, diện tích còn lại già cỗi, vừa ghép cải tạo bằng giống TR4 và TR9 do Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên sản xuất. Niên vụ 2018-2019, chỉ với 1,3 ha cà phê, gia đình anh thu hoạch được 19 tấn quả tươi, tổng doanh thu 266 triệu đồng (giá cà phê tươi 14 nghìn/kg), trừ tất cả chi phí, lãi thuần được hơn 180 triệu/1,3 ha. Cũng với dện tích cà phê ấy, nếu trước kia sản xuất theo truyền thống chỉ thu được 3,9 tấn cà phê nhân, lãi thuần chỉ còn hơn 80 triệu đồng. Với hình thức sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ qua 3 năm, gia đình đã gia tăng thu nhập gấp 2,2 lần so với phương thức sản xuất truyền thống. Ngoài ra không phải lo lắng về công đoạn sau thu hoạch phải phơi, hoặc sấy và xay xát khi thời tiết mưa gió thất thường.

Vườn cà phê sản xuất hướng hữu cơ với 3 tầng cây trồng tại Ea Kao, TP.BMT

Để được một mô hình cà phê như ngày hôm nay, từ năm 2016, gia đình anh Đồng đã mạnh dạn liên kết với Công ty TNHH MTV Minudo Farm Care, được các chuyên gia khoa học của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao và gia đình thay đổi tập quán canh tác ngay trên vườn cà phê của mình, chuyển từ hình thức sản xuất chỉ dựa vào hóa học sang hình thức tác động theo hướng hữu cơ. Anh Đồng cho biết, thời gian đầu gia đình cũng lo lắng vì chưa có mô hình nào tại địa phương sản xuất cà phê hướng hữu cơ để học hỏi, nhưng rồi qua thời gian được Công ty cùng cán bộ chuyên môn hướng dẫn thực hiện trực tiếp trên vườn nhà và đã có hiệu quả trông thấy. Điều mà anh tâm đắc nhất là hiện nay gia đình đã chủ động nguồn dinh dưỡng hữu cơ chất lượng (có nguồn gốc từ Nhật Bản) để cung cấp cho cà phê đúng lúc theo nhu cầu sinh lý của cây, lượng phân này được Công ty TNHH MTV Minudo Farm Care đầu tư (đến cuối vụ mới thu tiền) và bao tiêu sản phẩm đầu ra nên không phải lo lắng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như trước kia. Công ty TNHH MTV Minudo Farm Care đã luôn đồng hành cùng nông dân trong mỗi biện pháp tác động vào sản xuất cà phê tại vườn, để tạo sản phẩm cà phê đặc trưng theo định hướng của Công ty đã được các nhà khoa học tư vấn. Từ đó gia đình đã yên tâm áp dụng các qui trình sản xuất theo hướng hữu cơ và tin tưởng vào sự phát triển bền vững của mô hình này. Ngoài ra, gia đình còn bổ sung thêm nguồn phân hoai mục được tạo ra từ vỏ cà phê cùng xác bã thực vật đã xử lý bằng chế phẩm Trichoderma cho cà phê, đây cũng là một biện pháp dùng vi sinh vật đối kháng trong canh tác và quản lý dịch hại. Nếu như trước đây, mỗi năm gia đình phun các loại thuốc trừ sâu bệnh hại, thuốc trừ cỏ… ít nhất từ 3 đến 5 lần, thì từ năm 2017 đến nay, vườn cà phê nhà anh Đông không sử dụng một loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học nào cả. Thay vào đó, là bảo vệ sự cân bằng của hệ sinh thái vườn cà phê, bằng cách tạo đa dạng sinh học trong vườn cà phê, khuyến khích các sinh vật có ích sống cùng nhau, tạo thành mạng lưới chu chuyển năng lượng với nhau trong hệ sinh thái, tạo điều kiện cho cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, kháng được sâu bệnh hại. Hiện tại vườn cà phê của anh Đồng, ngoài cây trồng chính (tầng giữa) là cây cà phê thì tầng trên cùng là cây che bóng (gồm các loại cây ăn quả giá trị, cây keo) vừa có thu nhập thêm, vừa tạo ánh sáng tán xạ để cây cà phê quang hợp. Tầng dưới cùng là thảm cỏ được duy trì độ cao hợp lý để thực hiện các chức năng có lợi cho vườn cà cà phê, như tạo độ tơi xốp đất, làm cho hệ rễ cây cà phê hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, hạn chế xói mòn rửa trôi đất, hạn chế bốc hơi nước trong đất vào mùa khô, cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Anh Đồng cho biết thêm, xung quanh diện tích cà phê của anh, còn có diện tích cà phê của các hộ cũng đang liên kết thực hiện sản xuất hướng hữu cơ nên tạo lợi thế “vùng đệm” ngăn cách với những vườn không sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng về ô nhiễm hóa học.

Theo ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Farm Care, để hình thành tính đa dạng sinh học, giúp cho vườn cà phê của nông dân tạo ra những sản phẩm cà phê nhân chất lượng, hàng ngày bản thân ông cùng lội vườn với nông dân, kiểm tra tác động từng yếu tố cần thiết để cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt trên cơ sở nền hữu cơ. Theo đó, còn phải kể đến quá trình thu hoạch (tỷ lệ chín trên cây lớn hơn 95%), sử dụng hệ thống chế biến ướt, phơi cà phê nhân khô theo tiêu chuẩn, bảo quản cà phê đảm bảo được độ an toàn, tránh những biến đổi về chất trong quá trình bảo quản sản phẩm, mới hình thành được loại cà phê bột đặc trưng khác biệt, cùng thương hiệu “Aeroco Coffee” của Công ty bước đầu đã đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn chất lượng mà khách hàng đang hướng tới, kể cả khách hàng khó tính.

Quy trình chế biến, phơi khô và bảo quản

Được biết, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và hữu cơ trên cà phê nói riêng ở Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Bộ NN & PTNT tại “Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách nông nghiệp hữu cơ Việt Nam” vừa qua tại Đăk Lăk, thì thị trường cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ không ổn định, kể cả sản phẩm cà phê hướng hữu cơ nên sản lượng cà phê hữu cơ tại Việt Nam chưa nhiều. Bỡi thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện chưa phát triển, thị trường xuất khẩu sản phẩm hữu cơ cũng không có sẵn. Theo đó, các Công ty đột phá, đón đầu và tiên phong áp dụng công nghệ mới, vận động nông dân tham gia sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu sản phẩm, góp phần vào phát triển sản xuất cà phê bền vững như Công ty TNHH MTV Farm Care cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, thậm chí cũng có thể rủi ro. Tuy nhiên với trách nhiệm và tâm huyết của Công ty theo xu hướng phát triển cà phê bền vững, vừa giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác để gia tăng hiệu quả kinh tế cao, vừa dò dẫm tìm kiếm thị trường đầu ra trong và ngoài nước, công ty đã không ngại đồng hành cùng các nhà khoa học và nông dân.

Thiết nghĩ, để phát triển nhân rộng mô hình sản xuất cà phê hướng hữu cơ tại Đăk Lăk, ngoài việc tự lực tự cường của các công ty, doanh nghiệp, hộ sản xuất… Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam quan tâm hơn đến các doanh nghiệp có mô hình sản xuất cà phê hướng hữu cơ đã thành công, giúp các công ty, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đạt chất lượng tiếp cận được người tiêu dùng trong nước và các nước có nhu cầu. Nhà nước quan tâm về đào tạo, hợp tác quốc tế về nông nghiệp hữu cơ; nâng cao năng lực và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng. Tạo điều kiện hỗ trợ cho các công ty liên kết với nông dân duy trì phát triển sản phẩm cà phê hữu cơ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ trên cơ sở các chính sách đã đề ra.

Cẩm Lai - Trạm BMT

 

                                  

 

 

 

 

 

 

TIN NỔI BẬT