• Tìm chúng tôi trên

Nông nghiệp chuyển đổi xanh cần tạo sức hút nguồn lực từ doanh nghiệp

10/04/2024 14:33:02 GMT+7

Sản xuất nông nghiệp quý I/2024 của nước ta tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 13,5 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn, do vậy cần phải có thêm cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh.

Ngày 9/4, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 với chủ đề “Doanh nghiệp vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Diễn đàn “Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững”

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn

Trích dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam cho biết, sản xuất nông nghiệp quý I/2024 của nước ta tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 13,5 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả đó, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành NN&PTNT.

Tuy nhiên theo ông Hùng, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn. Tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động là con số khá khiêm tốn.

“Phải chăng do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh; cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp”, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam đặt câu hỏi.

Tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.(Ảnh minh họa)

Tại Diễn đàn, đông đảo các doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, qua đó đề xuất, kiến nghị với Chính phủ các giải pháp để chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.

Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nghiệp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và tạo môi trường cho liên kết đầu tư với các doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng kinh doanh Mỹ - Việt kết nối.

Theo đó, các đại biểu đã tập trung chia sẻ các nội dung về Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Ngành phân bón với biến đổi khí hậu và nông nghiệp xanh; Thực trạng sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sinh học;

Công tác nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp; Những đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu máy bay nông nghiệp; Tích tụ đất đai và những bất cập trong hàng rào kỹ thuật của nông sản xuất khẩu; Kiến nghị cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn hoàn thành các thủ tục đủ điều kiện xuất khẩu; Tín dụng, thị trường và cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học và nông nghiệp xanh

Một trong những đầu vào trong sản xuất nông nghiệp xanh là thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội Sản xuất Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam – cho hay, năm 2016, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về số lượng cũng như chủng loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã đăng ký và sử dụng.

Năm 2019, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học Việt Nam ước tính đạt giá trị 30,7 triệu USD, năm 2024 dự tính sẽ đạt 65,7 triệu USD, mức tăng trưởng trên 16,4%/năm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, hiện, sản phẩm hóa sinh có tính chất sinh học được đăng ký chưa nhiều. Một số chế phẩm chứa các hoạt chất azadirachtin, matrine, rotenone dùng để phòng trừ bọ trĩ và một số sâu hại khác trên lúa, rau, cây ăn quả, chè và nhiều cây trồng khác đã được đăng ký.

Các chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học được ban hành, là chương trình trọng điểm phát triển công nghệ sinh học. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt hiệu quả, bước đầu đổi mới tư duy của người dân;…

Nói về những khó khăn trong phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ông Nguyễn Văn Sơn cho hay, nhà nước chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thủ tục còn cồng kềnh, rườm rà, còn thiếu quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật riêng cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học chuyên tính cao.

Về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ông Nguyễn Văn Sơn đưa ra một số khuyến nghị: Cần học tập các nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ các nước có nền sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn, tiên tiến và hiện đại như: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu học hỏi các chính sách về quản lý, đăng ký, kinh doanh đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học của các nước trên thế giới.

Cần có sự hỗ trợ về chính sách và vốn cho các khu vực sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Cần có dự án nghiên cứu về thị trường và hiện trạng sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam.

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học có vai trò quan trọng để thực hiện thành công lộ trình phát triển nông nghiệp xanh. (Ảnh minh họa)

Theo TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định: Nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Mặt khác, ngành nông nghiệp cũng phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai sau ngành năng lượng sinh ra từ các quá trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý đất, trồng lúa nước…

Do vậy, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và sử dụng phân bón.

Đề xuất một số giải pháp, TS, Phùng Hà cho rằng, cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển ammoniac xanh, hóa học xanh; tập trung vào phương thức quản lý, điều chỉnh thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng nhằm giảm thất thoát ra môi trường, đặc biệt đối với phân đạm; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân bón hiệu quả cao, phân bón lá và sử dụng phụ gia ức chế các quá trình phát thải N2O, phụ gia chống mặn, chống ngập lụt, ưu tiên sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên từ khoáng chất, thực vật…/.

TT. Y Lý Hwing

Nguồn: doanhnghiepkinhtexanh.vn

 

TIN NỔI BẬT