• Tìm chúng tôi trên

Đắk Lắk: Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Hỗ trợ đồng bào DTTS thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế

23/06/2023 09:52:29 GMT+7

Nhận định vấn đề dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị; thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, tương trợ nhau cùng phát triển theo Đề án 07-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số mang tính đặc thù của từng vùng, từng địa phương bằng những cách làm hay, cụ thể, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thường có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao; thu nhập, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; thiếu đất sản xuất; cơ sở hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư song vẫn còn nhiều yếu kém và hiện mới chỉ phục vụ nhu cầu dân sinh thiết yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế thị trường dẫn đến bà con khó tiếp cận được các khoa học và công nghệ mới, kết nối với các vùng nguyên liệu, công nghệ thông tin, các dịch vụ phi nông nghiệp… Đồng bào DTTS có tư tưởng bảo thủ, tâm lý ngại thay đổi, tự ti, hay trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; chịu sự tác động, chi phối rất mạnh của tôn giáo, tín ngưỡng, dễ bị mê tín, dị doan nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xu hướng phát triển của xã hội và phát triển kinh tế.

Ngày 25/3/2022, Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022-2026” nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025.

Sau 01 năm triển khai thực hiện Đề án trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện (Kế hoạch số 1049/KH-SNN ngày 18/4/2022) triển khai đầy đủ kịp thời các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đến cấp ủy, chi bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án vào nhiệm vụ chung của ngành ở từng lĩnh vực; nhiều chương trình, dự án được thực hiện đến với đồng bào DTTS mang tính đặc thù của từng vùng, từng địa phương bằng những cách làm hay, cụ thể, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, như:

Một là: Giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất lạc hậu; chuyển từ nhận thức cũ không còn phù hợp sang nhận thức mới tích cực hơn theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là vấn đề luôn được Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện. Kết quả: Đã tổ chức 124 lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt… cho 3.700 lượt người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó đồng bào DTTS chiếm 45%, in ấn và cấp phát các tờ rơi, áp phích, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đăng tải các tin, bài về tình hình sản xuất nông nghiệp trên các trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT (hơn 5 ngàn lượt truy cập) và các đơn vị chuyên ngành trực thuộc Sở (như: Trung tâm Khuyến nông - GCTVN tỉnh: hơn 4 triệu lượt truy cập; Chi cục TT&BVTV: hơn 8 trăm ngàn lượt truy cập…) để đưa thông tin đến với người dân luôn đảm bảo kịp thời, chính xác, bổ ích, nâng cao trình độ nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.

Tiếp tục duy trì “Quỹ bò sinh sản luân phiên” trao tặng cho buôn kết nghĩa để giúp cho hộ nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế tại huyện CưMGar (Quỹ bò sinh sản luân chuyển thành lập từ năm 2015, ban đầu quỹ có 05 con bò cái sinh sản luân phiên cho bà con hộ nghèo và cận nghèo, đến nay, đã sản sinh ra 15 con bê). Thả hơn 51 ngàn con cá giống các loại nhằm bổ sung tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản vào các thủy vực tự nhiên tại địa phương để hỗ trợ sinh kế cho người dân sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản xung quanh các thủy vực tự nhiên.

Ngoài ra, đã bố trí các cán bộ khuyến nông (hiện có 15 Trạm Khuyến nông cấp huyện có 67 cán bộ, mạng lưới khuyến nông viên cấp xã có 208 người và cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn có 2.096 người) và thú y ở cơ sở đã qua đào tạo thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn, hướng dẫn đồng bào DTTS áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Một trong những đơn vị đi đầu của Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học và kỹ thuật đến với người dân bằng những mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo đó là Trung tâm Khuyến nông  - Giống cây trồng vật nuôi và Thủy sản, đơn vị đã được chủ động phối hợp với các địa phương luôn thực hiện với tinh thần gần dân, sát dân, nắm bắt được tâm lý, phong tục tập quán của đồng bào DTTS, coi trọng nói đi đôi với làm, giữ đúng lời hứa, làm mẫu, người thật, việc thật, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện công tác chuyển giao kỹ thuật mang lại hiệu quả thiết thực. Không còn hỗ trợ theo cơ chế cấp phát mà thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện (người dân có tham gia đối ứng) trong việc triển khai các mô hình, dự án. Năm 2022, Trung tâm đã triển khai 14 mô hình, dự án với 223 hộ tham gia, trong đó đồng bào DTTS chiếm 6,7% với mục đích hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế như: Mô hình lúa thuần, trồng thâm canh cây Mắc ca, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, trồng thâm canh điều ghép, mô hình cam - quýt xen ổi, trồng thâm canh và ủ chua cỏ làm thức ăn gia súc, chăn nuôi gà an toàn sinh học, nuôi cá lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm, mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên...

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ môi trường

Bà H’Yăn Byă ở buôn Kroa B (xã Cuôr Đăng - huyện CưMgar) cho biết: “Trước đây mình chưa biết nuôi gà nhưng nhờ có cán bộ khuyến nông chỉ cho cách nuôi gà này mình thấy gà dễ nuôi, mau lớn, phân gà thì bón cho gốc tiêu, cà phê, mình muốn nuôi tiếp gà này để lại đẻ lấy trứng. Từ khi Nhà nước cho gia đình mình nuôi được mấy con gà thấy rất phấn khởi, hết lo lắng cho cuộc sống của mình như trước đây, bây giờ hàng ngày không cảm thấy đói như lúc trước nữa, gia đình tràn đầy niềm vui vì ước mơ của mình đã thành hiện thực rồi”.

Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn người dân chăn nuôi chuyển từ chăn thả tự do sang chăn nuôi tập trung, có chuồng trại gắn với phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường theo hướng an toàn sinh học; biết cách chủ động trồng, chế biến và bảo quản, dự trữ thức ăn thô xanh cho gia súc… Với phương châm “không nóng vội, không làm ồ ạt, dễ làm trước, khó làm sau, lấy ngắn nuôi dài”, mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, thay đổi phong tục, tập quán canh tác, cải tạo vườn tạp theo hướng chuyên canh, thâm canh, chuyển đổi canh tác từ cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, chọn tạo các giống tốt, bố trí lại cơ cấu vườn theo hướng nông nghiệp sinh thái tổng hợp, theo quy hoạch của từng vùng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động nước tưới hợp lý với các công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tổ chức sản xuất những loại sản phẩm có giá trị cao cung cấp cho thị trường. Nhờ vậy, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã được chuyển giao thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhân rộng sản xuất trong cộng đồng giúp cho đồng bào DTTS cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Tp huấn kỹ thuật: Hướng dẫn bà con DTTS cách chọn tạo giống tốt, cải tạo vườn tạp theo hướng chuyên canh, thâm canh và chủ động nước tưới cho cây trồng

Hai là: Khích lệ, động viên đồng bào DTTS nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, không trông chờ, ý lại vào Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng; chủ động, tích cực vươn lên trong lao động sản xuất. Sở đã tổ chức 13 hội thảo với hơn 500 nông dân tham dự trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức 01 diễn đàn khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững ở Tây Nguyên” với hơn 200 đại biểu tham dự, bên cạnh đó còn giới thiệu cho bà con các gương điển hình tiên tiến, nông dân sản xuất giỏi, những việc làm thiết thực để tham quan học tập, qua đó, các hộ nghèo khác phấn đấu và thấy được việc thoát nghèo là đáng tự hào, góp phần nâng cao ý thức của người dân và tạo động lực cả về vật chất và tinh thần để họ phấn đấu đi lên.

Ba là: Công tác trồng rừng và phát triển rừng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời như: chú trọng trồng mới rừng sản xuất; đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng phát triển; Công tác quản lý, bảo vệ, rừng được tập trung thực hiện, đặc biệt tăng cường bảo vệ rừng, PCCC rừng vào mùa khô. Tổ chức tuyên truyền đến người dân thông qua phương tiện truyền thanh, truyền hình của cấp huyện, cấp xã và phát thanh lưu động bằng xe ô tô hơn 300 lượt; tổ chức 49 cuộc họp dân để tuyên truyền và ký 2.500 bản cam kết bảo vệ rừng và PCCC rừng, đặc biệt là ký cam kết với các hộ dân sống gần rừng; Đóng trên 1.500 bảng tuyên truyền, bảng cấm chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, bảng cấm lửa; xây dựng tài liệu tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý là hơn 41 ngàn ha; cộng đồng dân cư thôn quản lý là hơn 15 ngàn ha; diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao hiện do UBND cấp xã, tổ chức khác quản lý là hơn 61ngàn ha.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức thành công cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng” với kết quả gồm có 01 giải nhì, 03 giải ba và 05 giải khuyến khích. Qua đó, nhằm mục đích cổ vũ, động viên tinh thần đổi mới, sáng tạo, nhiệt huyết của người làm nghề rừng; thu hút hơn nữa sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội đối với công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân đặc biệt là đồng bào DTTS về giá trị, vai trò của rừng đối với xã hội, kinh tế, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Bốn là: Đầu tư các công trình thủy lợi có vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi phục vụ tưới tiêu trên địa bàn tỉnh có 78 dự án thủy lợi với tổng mức đầu tư là hơn 1 ngàn tỷ đồng (bao gồm các dự án/hạng mục công trình triển khai từ năm 2021 và các năm trước được chuyển tiếp sang năm 2022); kinh phí được giao thực hiện năm 2022 khoảng 413 tỷ đồng. Những công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng ở vùng đồng bào DTTS đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sản xuất góp phần đáng kể phục vụ đồng bào dân tộc tại chỗ. Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (bao gồm cả nước sạch) đạt 92,79% (124.206/133.859 hộ), (trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sạch đạt 12,07%; Số hộ đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80,71%).

Năm là: Vận động đồng bào DTTS tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp và hiểu được giá trị, lợi ích và tham gia THT, HTX theo nguyên tắc tự nguyện, công bằng, dân chủ, minh bạch sẽ là cầu nối giúp hộ cá thể và người dân huy động các nguồn lực về tài chính, đất đai, nhân lực, khoa học công nghệ, thông tin kinh tế, khả năng tiếp thị, nghiên cứu thị trường…,  là tiền đề và cầu nối quan trọng để thúc đẩy liên kết nông dân với doanh nghiệp, hình thành, phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho phát triển để người dân dần loại bỏ những phong tục lạc hậu, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, để tập trung sản xuất ở quy mô lớn hơn, theo tiêu chuẩn cao hơn, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Lũy kế đến cuối năm 2022, có 453 HTX nông nghiệp, tổng số thành viên của HTX nông nghiệp là hơn 11 ngàn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 12%; 04 LHHTX nông nghiệp; 228 tổ hợp tác với hơn 4 ngàn thành viên, trong đó đồng bào DTTS chiếm 10%; 834 trang trại theo tiêu chí kinh tế trang trại, tổng số lao động thường xuyên của các trang trại là hơn 2 ngàn lao động, trong đó đồng bào DTTS chiếm 8,7%.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh xác định là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Chính bởi vậy, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tích cực vận động truyên truyền, hướng dẫn đồng bào DTTS tổ chức sản xuất thực hiện với phương châm: hành động tạo thói quen, thói quen hình thành nếp nghĩ, thay đổi cách làm, cách triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách kiên trì, kiên quyết với phương pháp: mưa dầm thấm lâu (tăng cường tuyên truyền, vận động); tạo được kết quả (từ dễ đến khó, từ cầm tay chỉ việc đến hội thảo đầu bờ…) được đông đảo đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng và hiểu được các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, mạnh dạn xóa bỏ những tập quán lạc hậu để tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, tạo sự chuyển biến tích cực, lan toả rộng khắp làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế ở các vùng DTTS để từ đó hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước./.

                                                                                                            Cao Phúc

 

TIN NỔI BẬT