• Tìm chúng tôi trên

Những ấn tượng qua lớp tập huấn về “Phương pháp, kỹ năng chuyển giao, tư vấn tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất”

22/12/2020 15:48:11 GMT+7

Vừa qua, tôi rất vinh dự được tham gia lớp tập huấn về “Phương pháp, kỹ năng chuyển giao, tư vấn tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất” từ ngày 07 đến ngày 12/12/2020 do Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia tổ chức tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Khánh Hòa. 06 ngày học tập nhưng thật sự đã để lại cho tôi và các đồng nghiệp rất nhiều cảm xúc, tích lũy được những kiến thức quý báu để vận dụng trong lĩnh vực công tác

Các giảng viên là những chuyên gia đã truyền tải cho chúng tôi những kiến thức thực tế có chiều sâu từ  đó đánh thức niềm đam mê, sự nhiệt huyết, am hiểu sâu sắc trong chuyên môn nghiệp vụ về công tác chuyển giao, tư vấn và tổ chức sản xuất. Lớp học cập nhật mang tính thời đại của nền “sản xuất nông nghiệp thông minh” ứng phó với biến đổi khí hậu và canh tranh với thị trường khốc liệt trên toàn thế giới.

Quang cảnh lớp tập huấn tại Tp Đà Lạt

Chúng tôi cùng nhau được chia sẻ, trao đổi về nhu cầu thị trường thế giới, các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại đối với hàng hóa nông sản Việt Nam.Càng tìm hiểu rõ hơn về những thuận lợi và khó khăn trong việc hội nhập quốc tế trong đó hàng rào kỹ thuật lớn nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Đây cũng là hàng rào đang được các quốc gia nhập khẩu nâng lên ở mức rất cao nhưng hầu như trong sản xuất nông nghiệp của nước ta lại đang xem nhẹ. Muốn hội nhập quốc tế, nông sản Viêt Nam bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn thì mới đứng vững và tồn tại trên thị trường.

Nhiều tranh luận về các tiêu chuẩn chứng nhận diễn ra trong lớp học lại gây thêm bầu không khí sôi nổi và hào hứng đến với các học viên. Vấn đề này không phải là khó nhưng để thực hiện được cần một quá trình. Muốn đạt được những tiêu chuẩn chứng nhận bền vững phải phụ thuộc vào nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân, coi trọng tiêu chuẩn trong sản phẩm của mình - điều mà người nông dân Việt Nam vẫn chưa thật sự quan tâm. Lúc này, mọi người đều đang xôn xao bàn luận và chia sẻ “đấy cũng là một phần là trách nhiệm của cán bộ Khuyến nông, chúng tôi sẽ cố gắng làm thay đổi nhận thứcvà giúp những người sản xuất hiểu được tầm quan trọng của tiêu chuẩn chứng nhận để bà con tự nhận thức và tuân thủ tự nguyện, vì lợi ích của chính bản thân mình. Nhất là đối với người tiêu dùng, họ có thể tin tưởng sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn và thân thiện với môi trường”.

Đến từng tỉnh chúng tôi được thăm quan các mô hình sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu, lại một vấn đề nóng làm các học viên tranh luận không ngừng nghỉ. Để duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, nhiều thực hành nông nghiệp đã được xác định là có khả năng thích ứng tốt với BĐKH. Các thực hành này bao gồm: quản lý nguồn nước và thủy lợi thông minh; áp dụng các giống cây trồng cải tiến; sản xuất nông lâm kết hợp; xen canh cây trồng; quản lý đất đai bền vững; xử lý chất thải nông nghiệp (tích hợp công nghệ khí sinh học vào chăn nuôi); và cải tiến các dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp thích ứng BĐKH và giảm phát thải là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Thăm quan mô hình trồng thâm canh cây bưởi tại huyện  Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa

Trách nhiệm và tầm quan trọng của cán bộ Khuyến nông lại thể hiện rõ hơn ở phần tiếp theo “Liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi và yêu cầu của thị trường nông sản xuất khẩu”. Khuyến nông không những giữ vai trò “hỗ trợ” mà còn phải giữ vai trò “kết nối” (kết nối giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kết nối giữa sản xuất và thị trường). Trong sản xuất nông sản, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi; làm tăng hiệu quả trong sản xuất nông sản; nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.

Hình kỉ niệm với các Giảng viên và học viên

Khóa tập huấn không những giúp chúng tôi nâng cao về nhận thức, kiến thức trong công tác chuyên môn mà còn có sự lan tỏa trong chính mỗi bản thân cán bộ khuyến nông, chắc chắn một ngày không xa chúng tôi sẽ cùng nhau và cùng bà con nông dân hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, phát triển vượt trội vươn xa ra thị trường Quốc Tế./.

                                                                                                                                       Trà My

 

TIN NỔI BẬT