• Tìm chúng tôi trên

Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành NN tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030"

29/01/2024 14:42:50 GMT+7

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đắk lắk giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” (Cuộc thi) để tìm kiếm những ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Mặc dù đây là lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo các công chức, viên chức, doanh nghiệp, HTX, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Kể từ khi phát động, Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 23 đơn vị, trong đó chia làm 03 nhóm: Các Sở, ngành, doanh nghiệp, HTX có 03 đơn vị chiếm 13,04% so với tổng số đơn vị dự thi, có 03 bài thi (chiếm 3,03% so với tổng số bài dự thi); Các đơn vị trực thuộc Sở có 17 đơn vị chiếm 73,91% so với tổng số đơn vị dự thi và có 93 bài dự thi (chiếm 93,93% so với tổng số bài dự thi); Thí sinh tự do có 03 người chiếm 13,04% và có 03 bài thi (chiếm 3,03% so với tổng số bài dự thi), bên cạnh đó, còn có 07 thí sinh tự do tham gia với vai trò là đồng tác giả của 07 bài dự thi. Theo đó, đã có 98 giải pháp, sáng kiến (chiếm 81% so với tổng số đăng ký) tập trung chủ yếu ở 04 nhóm vấn đề gồm: (1) Tổng quan tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tổ chức cán bộ có 22 bài thi, chiếm 22,45%; (2) Phát triển nông thôn, thủy lợi, phòng chống thiên tai và cải cách hành chính có 25 bài thi, chiếm 25,51%; (3) Chăn nuôi thú y, khuyến nông, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có 09 bài thi, chiếm 9,18%; (4) Lâm nghiệp, trồng trọt và bảo vệ thực vật có 42 bài thi, chiếm 42,86%.

Để có được kết quả đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chú trọng công tác tuyên truyền nhằm lan tỏa, phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, nội dung… của Cuộc thi, tạo sức lan toả và nâng cao nhận thức và tư duy đầy đủ, sâu sắc về kinh tế nông nghiệp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân. Xây dựng các phóng sự, tin bài tuyền truyền về cuộc thi và đăng tải trên các nền tảng công nghệ như: Facebook, Youtube, đặc biệt là phát sóng trên kênh Đài Phát thanh và Truyền tỉnh Đắk Lắk (drt.vn) đạt từ 5-15 nghìn lượt xem, như: Thực hiện được 01 trailer về Cuộc thi giải pháp, sáng kiến cơ cấu ngành nông nghiệp Đắk Lắk - 05 nghìn lượt xem, 02 tin bài (Đắk Lắk tổ chức cuộc thi giải pháp, sáng kiến cơ cấu ngành nông nghiệp Đắk Lắk - 11 nghìn lượt xem; Chuyển đổi số trong liên kết, tiêu thụ nông sản - 15 nghìn lượt xem), 04 phóng sự ngắn (Phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị - 8,2 nghìn lượt xem; Thực hiện hiệu quả tiêu chí lao động trong xây dựng nông thôn mới - 12,4 nghìn lượt xem; Đắk Lắk phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững - 8,1 nghìn lượt xem; Nghị quyết 98 - Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp bền vững - 9,6 nghìn lượt xem) và 01 chuyên đề Tọa đàm Đắk Lắk nâng cao giá trị cà phê - 15,2 nghìn lượt xem. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng 01 chuyên mục về tuyên truyền Cuộc thi trên Cổng thông tin điện tử của Sở và đã đăng tải 04 tin/bài, đồng thời, các đơn vị trực thuộc Sở cũng đăng tải các nội dung tuyên truyền hưởng ứng cuộc thi trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Trải qua 02 vòng chấm thi (sơ khảo và chung khảo) Ban giám khảo đã tìm ra 17 giải pháp, sáng kiến có chất lượng xuất sắc nhất và đều đạt được mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của Cuộc thi đặt ra. Ban Giám khảo là những người am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, có kiến thức xã hội, công nghệ thông tin để chấm các bài dự thi theo nguyên tắc: chính xác, trung thực, khách quan, công bằng, theo đúng Thể lệ cuộc thi, định hướng các giải pháp, sáng kiến và thang điểm do Ban Tổ chức công bố, đồng thời, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, tính độc lập trong chấm thi của các thành viên Ban Giám khảo đảm bảo việc bảo mật thông tin bài thi, kết quả thi trước khi công bố kết quả chấm thi.

Các thành viên Ban Giám khảo chấm thi vòng chung khảo

Đa số các bài dự thi được các tác giả đầu tư rất nhiều tâm huyết, chuẩn bị công phu, có hình thức thể hiện chuyên nghiệp, nội dung mới, sáng tạo, đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các giải pháp có ứng dụng công nghệ thông tin, có hình ảnh/số liệu minh chứng cụ thể, phù hợp và có khả năng áp dụng vào thực tiễn cao đã để lại ấn tượng sâu sắc với Ban Giám khảo. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số giải pháp, sáng kiến còn sơ sài, tác giả chưa thật sự đầu tư cả về hình thức và nội dung bài thi nên kết quả chấm thi các bài thi này đem lại số điểm không cao.

Các giải pháp, sáng kiến tập trung vào các chủ đề như:

- Một là: Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và tư duy đầy đủ, sâu sắc về kinh tế nông nghiệp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân để cụ thể hóa vào thực tế, thực tiễn nhằm thay đổi nhận thức từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao giá sản phẩm đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững trong sản xuất;

- Hai là: Về cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp của địa phương để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh;

- Ba là: Về rà soát, đánh giá và đề xuất sắp xếp lại các yếu tố trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương từ: quy hoạch, kết cấu hạ tầng, quy mô, giống mới, dây chuyền công nghệ sản xuất, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, các loại dịch vụ đầu vào, đầu ra và thị trường tiêu thụ sản phẩm, các thành tố phải tăng cường bổ sung phối hợp chặt chẽ để tạo sự liên kết, đồng bộ, tạo hiệu quả cao nhất;

Bốn là: Về đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể: Mô hình tổ chức liên kết hợp tác phù hợp của người nông dân (nhất là Hợp tác xã) để đem lại hiệu quả cao;

Năm là: Về chính sách, giải pháp, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, thu hút Doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến Nông lâm thủy sản, liên kết hợp tác với nông dân, HTX có hiệu quả;

Sáu là: Về ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế;

Bảy là: Về giải pháp trong đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp có hiệu quả;

Tám là: Về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lãnh đạo, tổ chức và triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới;

Chín là: Về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đề xuất các mô hình canh tác, chế biến, bảo quản, nông lâm kết hợp, nông nghiệp kết hợp du lịch; các mô hình nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn có tính thực tiễn và hiệu quả cao…

Trên cơ sở kết quả chấm thi của Ban Giám khảo, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lựa chọn được 17 giải pháp, sáng kiến có chất lượng tốt, ý nghĩa thiết thực, phù hợp và có khả năng áp dụng thực tiễn trong thời gian đến trên địa bàn tỉnh của 17 tác giả/đồng tác giả (trong đó có 04 cá nhân ngoài ngành), điển hình như:

- Giải pháp, sáng kiến về “Xây dựng ứng dụng hỗ trợ nông hộ tham gia mô hình cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”. Trong đó đã đề xuất áp dụng chương trình hoạt động trực tuyến (website) qua đó hỗ trợ, tạo mối liên kết, chia sẻ kịp thời giữa các chủ thể trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê có chứng nhận ở trong và ngoài nước, là nền tảng ứng dụng có sự tham gia cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị thu mua, nông hộ, các hiệp hội, đơn vị cấp giấy chứng nhận, đây sẽ là công cụ, phương tiện để chứng minh diện tích sản xuất cà phê không gây mất rừng theo quy định của Liên minh Châu Âu…

- Giải pháp, sáng kiến về “Tích tụ tập trung đất nông nghiệp giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk”. Trong đó đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy hơn nữa các giải pháp về tích tụ, tập trung đất đai của các hộ nông dân, HTX liên kết với doanh nghiệp để hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, chất lượng cao, từ đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả, bền vững…

- Giải pháp, sáng kiến về “Tháo gỡ nút thắt thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk hiệu quả, bền vững”. Trong đó đã đề xuất giải pháp về phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, đồng nhất chất lượng, truy xuất nguồn gốc; tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường; thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo các tiêu chuẩn chứng nhận, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, gắn nông nghiệp với du lịch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường. Các giải pháp trên nhằm tháo gỡ một trong các tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay là kinh tế nông hộ, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị chưa hiệu quả; sản xuất chất lượng an toàn, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng thấp.

- Giải pháp, sáng kiến về “Khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk”. Trong đó, đề xuất các giải pháp như xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể về du lịch nông nghiệp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch nông nghiệp; hỗ trợ khuyến khích, thúc đẩy thành lập các hợp tác xã nông nghiệp du lịch, tăng cường chuyển đổi số trong du lịch nông nghiệp… nhằm giúp phát triển, quảng bá du lịch địa phương, hình ảnh nông thôn Đắk Lắk giàu bản sắc văn hóa qua đó định vị hình ảnh nền nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk sinh thái, đa dạng, phong phú, thúc đẩy phát triển thương mại nông nghiệp của tỉnh trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, còn có các ý tưởng hay, sáng tạo, đột phá, phù hợp với thực tiễn như: Giải pháp, sáng kiến cập nhật, theo dõi MXH để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi mua bán động vật hoang dã, các bộ phận dẫn xuất của động vật hoang dã trên không gian mạng và khai thác sử dụng ứng dụng Zalo để kịp thời cảnh báo cháy rừng và kịp thời xác minh, xử lý bằng thiết bị máy bay không người lái (flycam); Giải pháp, sáng kiến đánh giá hiệu quả một số mô hình canh tác chuỗi sản xuất nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn gắn chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ và kết hợp du lịch sinh thái; Giải pháp, sáng kiến ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất cây ăn quả hữu cơ; Giải pháp, sáng kiến nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho người dân, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ thành quả phát triển kinh thế - xã hội địa phương…

Tôn vinh các tác giả có ý tưởng mới, sáng tạo, đột phá

Từ kết quả các giải pháp, sáng kiến đạt điểm cao, xuất sắc nhất, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân đã đóng góp những ý tưởng mới, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong thời gian đến, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố và trao thưởng với 17 giải thưởng, trong đó: 01 giải Nhất - 20 triệu đồng/giải, 02 giải Nhì - 10 triệu đồng/giải, 03 giải Ba - 05 triệu đồng/giải, 11 giải khuyến khích - 02 triệu đồng/giải, tổng giá trị giải thưởng là 77 triệu đồng.

Nhóm tác giả: Hoàng Bảo Hưng, Dương Thanh Tân đạt Giải Nhất Cuộc thi

 

Ông Nguyễn Đình Tương - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương bình và Xã hội đại diện cho tác giả đạt giải chia sẻ cảm xúc khi tham gia Cuộc thi

Đại diện cho tác giả đạt giải thưởng, Ông Nguyễn Đình Tương - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương bình và Xã hội chia sẻ “Bản thân tôi luôn nhận thức rõ được sự cần thiết và hiệu quả của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó lựa chọn hình thức, nội dung và giải pháp phù hợp để áp dụng vào thực tế sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mặc dù thời gian ngắn, nhiều luận cứ của bản thân chưa nêu hết trong bài dự thi của mình, nhưng cũng đã cố gắng đưa ra một giải pháp tổng thể làm tiền đề để cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học nghiên cứu, tiếp tục cụ thể hóa bằng chương trình, Nghị quyết đề án hoặc đề tài để đánh giá một cách toàn diện những khó khăn, vướng mắc trong tích tụ, tập trung đất đai để tháo gỡ những khó khăn cho ngành nông nghiệp, thực hiện thành công tái cơ cấu trong giai đoạn tới. Giải pháp, sáng kiến của tôi cũng như những giải pháp, sáng kiến đạt giải trong cuộc thi này được Ban tổ chức công nhận đó là niềm vinh dự của bản thân tôi cũng như các tác giả khác. Đây chính là động lực để bản thân tôi cũng như các tác giả khác cùng đồng lòng, hiệp sức nỗ lực góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới”.

Đồng chí Nguyễn Hoài Dương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị tổng kết Cuộc thi, đồng chí Nguyễn Hoài Dương - Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu chỉ đạo định hướng cụ thể hóa triển khai các giải sáng kiến vào thực tiễn trong thời gian đến “Vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là vấn đề có tính cốt lõi xuyên suốt trong quá trình phát triển nông nghiệp, đổi mới sáng tạo để tạo ra đột phá nhằm tận dụng phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Năm 2023, một trong những nội dung thành công của ngành nông nghiệp là phát động Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đắk lắk giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Cuộc thi này đã được Đảng ủy Sở, Ban Giám đốc Sở bàn thảo và quán triệt đến các đơn vị trực thuộc Sở. Qua Cuộc thi tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, sự tham gia của các tác giả/nhóm tác giả đã có nhiều nghiên cứu, nhiệt tình, đầu tư tâm huyết để đề xuất những ý tưởng hay. Từ kết quả Cuộc thi, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phân loại các ý tưởng, giải pháp sáng kiến đổi mới thiết thực nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách, đề xuất các kế hoạch để ứng dụng vào thực tiễn trong thời gian đến. Tôi hy vọng và mong muốn từ thành công Cuộc thi này sẽ tạo sự lan tỏa, tiếp tục khơi dậy ý thức, tinh thần đổi mới sáng tạo của mỗi công chức, viên chức cũng như các tác giả ngoài ngành luôn có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp mới để đưa ngành nông nghiệp của tỉnh nhà phát triển bền vững nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Trích nguồn: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk

 

 

TIN NỔI BẬT