• Tìm chúng tôi trên

Áp dụng chuyển đổi số, sản xuất hiệu quả

01/03/2024 09:56:48 GMT+7

Huyện Tam Nông (Đồng Tháp) xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là nền móng, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất.

 

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV trong vụ đông xuân 2023 - 2024.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết: Việc chuyển đổi số giúp quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất, giúp theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả. Nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi tạo ra các loại nông sản chất lượng cao.

Ngoài ra, còn giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới. Trong đó tự động hóa và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV, sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV, hình thành mạng lưới cơ sở cung ứng dịch vụ sạ lúa, phun phân, thuốc BVTV ở địa bàn các xã, thị trấn và diện tích được phun xịt ngày càng tăng qua từng vụ. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 24.000ha, chiếm trên 30% tổng diện tích sản xuất nông dân đều ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV, phân và sạ lúa giống.

Hiện nay, toàn huyện có khoảng 24.000ha, chiếm trên 30% tổng diện tích sản xuất nông dân đều ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV, phân và sạ lúa giống.

Mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 đều sử dụng hệ thống cảm biến để quản lý tưới ngập khô xen kẽ, đầu tư kinh phí lắp đặt 5 trạm giám sát côn trùng thông minh được ứng dụng phần mềm Rynan-Mekong ở các xã Hòa Bình, An Long, Phú Đức, Phú Thọ và Phú Thành B… phục vụ công tác dự tính, dự báo tình hình và chủ động phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Từ đó góp phần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân theo hướng mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, huyện Tam Nông được nhiều người dân ở ĐBSCL biết đến, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 trong canh tác nông nghiệp và xây dựng “Cánh đồng thông minh” đã giúp nhiều vụ lúa vừa qua của bà con nông dân và HTX giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận. Trong đó, phải kể đến đầu tư 12 hệ thống thiết bị bơm tưới tiết kiệm nước bằng phần mềm ứng dụng qua thiết bị điện thoại di động để điều khiển từ xa cho việc lấy nước ra vào đồng ruộng với diện tích phục vụ 4.116/5.000ha.

Bên cạnh đó, huyện còn được Sở NN-PTNT Đồng Tháp đầu tư hệ thống thông tin địa lý (GIS) theo dõi, giám sát hệ thống đê điều, sạt lở bờ sông. Lắp đặt trạm cảnh báo sớm giông sét ở địa bàn xã Phú Cường và xây dựng trạm đo mực nước tự động ở địa thị trấn Tràm Chim.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ tạo nền móng vững chắc, giúp thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đồng, nông dân canh tác 4ha lúa ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết: Cũng nhờ hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn do nhà nước đầu tư mà nhà nông rất thuận lợi để ứng dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm trong canh tác lúa bằng phương pháp ngập khô xen kẽ. Đây là tiến bộ kỹ thuật đang được ngành nông nghiệp khuyến khích áp dụng và nhân rộng.

“Canh tác lúa bằng kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ đã giúp nhà nông giảm từ 25 - 30% lượng phân bón, hạn chế tối đa sâu bệnh và đặc biệt là giảm số lần bơm tưới để giảm chi phí và tiết kiệm nguồn nước quý giá trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Đồng phấn khởi nói.

Canh tác lúa bằng kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ đã giúp nhà nông giảm từ 25 - 30% lượng phân bón, hạn chế tối đa sâu bệnh.

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết: Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ tạo nền móng vững chắc, giúp thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp mục đích là phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Hiện quá trình tổ chức triển khai việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đã nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người sản xuất trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ 4.0 đang được các cấp, các ngành quan tâm khuyến khích ứng dụng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

TT.Y Lý PĐT&TT

Nguồn: nongnghiep.vn

 

TIN NỔI BẬT