• Tìm chúng tôi trên

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Sách cho người nông dân - cần lan toả để mang đến sự hạnh phúc

03/04/2024 14:33:10 GMT+7

Nhân dịp ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) gắn với hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của sách, xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy nhận thức, phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, sáng ngày 02/4/2024, tại Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Toạ đàm chủ đề “Sách, Xanh và Số”.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, lan toả đối với việc đọc và học, xây dựng tủ sách cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, dịp này cũng bàn thêm phương pháp, cách thức để “Tri thức hoá người nông dân” thông qua khuyến đọc và khuyến học.

Mở đầu cuộc trao đổi là câu chuyện thực tế rất thú vị của ông Cao Văn Hà, Chủ tịch danh dự Hội khuyến học xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đó là thành công của chương trình sách hoá nông thôn, bắt nguồn từ việc xây dựng tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình nhằm phát triển văn hoá đọc cho người nông dân trong xã, đồng thời gắn kết được họ với nhau. Các tủ sách dòng họ được triển khai hoạt động như một thư viện nhỏ, với khoảng 1.000 đầu sách, trên 1 vạn bản in, phát hành trên 1.000 thẻ bạn đọc, trung bình có 30- 50 người đến đọc sách vào mỗi ngày cuối tuần. Được thành lập từ tháng 11/2022, đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 3 tủ sách dòng họ, 264 tủ sách gia đình (đạt trên 10% số hộ trong xã), phấn đấu 5 năm tới sẽ có 800 tủ sách gia đình (trung bình 3 gia đình có 1 tủ sách). Ông Hà cũng chia sẻ kinh nghiệm, để duy trì tủ sách gia đình thì vai trò của Hội Phụ nữ làm nòng cốt. Cần đưa văn hoá đọc sách đi từ gia đình, mỗi gia đình sẽ là một tủ sách và mỗi người đọc sách sẽ là người truyền cảm hứng. Đây cũng là “cú hích” để lan toả phong trào đọc sách cho người dân nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu nói rất tâm đắc tại toạ đàm: Đọc sách để thấy mình nhỏ bé hơn, khi biết mình nhỏ mình sẽ lớn, biết mình nghèo khó để trở nên giàu có, thấy mình chậm để đi nhanh hơn. Điều quan trọng là đọc sách gì? không gian đọc sách, thái độ đọc sách như thế nào để thấy được giá trị đọc của sách, độ lan toả của sách càng rộng thì giá trị sách càng lớn.

Đọc sách để thay đổi, tiến bộ, để người nông dân bớt khổ hơn. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn sẽ có nhiều sách hữu ích, phù hợp cho người nông dân hơn. Các tác giả, nhà xuất bản khi viết sách cho người nông dân thì cần diễn đạt ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi để bà con nông dân có thể đọc và áp dụng nhanh vào thực tế nhằm cải thiện sinh kế, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Giải pháp viết sách cho người nông dân của các nhà khoa học cần chuyển thể từ ngôn ngữ khoa học thành ngôn ngữ của người dân để những câu chữ hàn lâm không còn là rào cản giữa nông dân và những trang sách. Một trong những mục tiêu hướng đến “Tri thức hoá người nông dân” là người nông dân đọc sách nên cần có sự tương tác giữa người viết và người đọc thông qua chương trình “Sách hoá nông thôn” hay “Thư viện làng”… Chúng ta cần nhân rộng văn hóa đọc sách trong phong trào nông thôn mới để người dân nông thôn được đọc sách, được đến với nhau và được hạnh phúc bên nhau.

Một số hình ảnh của tọa đàm:

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

 

 

TIN NỔI BẬT