Thành quả trong “cuộc chiến” chống rác thải nhựa
Cập nhật lúc: 01/04/2019
Cập nhật lúc: 01/04/2019
Rác thải nhựa đại dương đang trở thành thách thức toàn cầu đòi hỏi sự phối hợp giải quyết của nhiều bên liên quan, trong đó, có chính quyền, người dân và các tổ chức xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Bộ TN&MT đã đưa ra nhiều sáng kiến cũng như triển khai các hành động cụ thể, thiết thực, từ đó, bước đầu thay đổi nhận thức của người dân.
Việt Nam cùng các nước “tuyên chiến” với rác thải nhựa
Năm 2018, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới “tuyên chiến” với rác thải nhựa. Liên Hợp Quốc đã phát động Chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người. Hội nghị bàn tròn về “Định hướng hình thành quan hệ đối tác hành động khu vực ASEAN về rác thải nhựa” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018, cũng khẳng định ô nhiễm rác thải nhựa là mối quan tâm lớn của khu vực ASEAN nói riêng và cả thế giới nói chung.
Để góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa, nilon trên phạm vi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, tại Kỳ họp lần thứ sáu Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF6) Bộ TN&MT đã đề xuất các nước cùng xây dựng, phê duyệt và thực thi chiến lược và kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á; giảm sản lượng sản xuất nhựa, tăng cường quản lý việc buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ để có thể thay thế các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học; hợp tác, chuyển giao công nghệ để làm sạch biển…
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đưa ra sáng kiến “Thành lập đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa” nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức toàn cầu và địa phương; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức về quản lý rác thải đại dương giữa các quốc gia trong khu vực; tăng cường năng lực và đào tạo về mặt chiến lược...
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề xuất xây dựng Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về chất thải nhựa. Ý tưởng này được các đại biểu tham dự bày tỏ sự đồng tình, bởi lẽ, Trung tâm này được thành lập sẽ trở thành diễn đàn khu vực để cùng chia sẻ kiến thức và thông tin liên quan đến rác thải nhựa và ô nhiễm rác thải nhựa; xây dựng công cụ và chính sách mới liên quan đến rác thải nhựa; đồng thời, sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho nhà sản xuất và người tiêu dùng để áp dụng tốt hơn 3R; nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc ngăn chặn ô nhiễm rác thải biển.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: Việt Nam cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và mong muốn trở thành quốc gia tiên phong hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương.
Nhận thức về rác thải nhựa đã được thay đổi
Để thực hiện cam kết trên, Bộ TN&MT đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy. Cùng với đó, Bộ tiên phong nói không với rác thải nhựa.
Ngay từ tháng 6/2018, Bộ TN&MT đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc hội nghị, hội thảo. Hầu hết, các cơ quan trong Bộ đã không sử dụng chai nhựa, túi ni lon khó phân hủy trong các hoạt động hàng ngày. Bộ TN&MT đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức, xây dựng kế hoạch, lộ trình để giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni lon. Có hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt việc “nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon sử dụng một lần”.
Tuyên truyền người dân thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông ( Ảnh: MH)
Song song với đó, Bộ phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các chiến dịch Chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư... để khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon và từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cuộc chiến với rác thải nhựa bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Đến nay, đã có 12 doanh nghiệp cam kết: Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”. Tổ chức thu gom bao bì sản phẩm làm từ nhựa đã sử dụng trong hoạt động kinh doanh và chuyển giao đến cơ sở xử lý, tái chế, theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hợp tác với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường ở địa phương tuyên truyền giúp người dân hiểu và giảm thiểu việc sử dụng túi nilon hàng ngày….
Ngoài ra, 22 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế cũng tham gia ký kết Bộ Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa. Các tổ chức chính trị như: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam và 2 tổ chức phi Chính phủ là Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GREENHUB) cam kết hưởng ứng phong trào nói không với rác thải nhựa.
Không những thế, với các chiến dịch tuyên truyền rầm rộ trên khắp cả nước, người tiêu dùng đã bước đầu nhận thấy tác hại của rác thải nhựa và dần dần thay đổi nhận thức. Điều này được thể hiện bằng những việc làm cụ thể như tại các quán ăn người dân dùng ống hút bằng giấy, bằng tre để thay thế ống hút nhựa; nhiều người đi chợ đã mang theo làn đựng đồ để hạn chế sử dụng túi ni lon. Đơn cử như ở khối 4, phường Bến Thủy, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, nhiều tháng nay, hình ảnh các mẹ, các bà xách làn nhựa đi chợ mỗi sáng dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân.
Hay như ở Cù Lao Chàm, UBND TP. Hội An, Quảng Nam đã chuyển phát miễn phí đến cho bà con ở đây gần 2.000 giỏ đi chợ bằng nhựa sử dụng nhiều lần và gần 10.000 bao túi thân thiện với môi trường (tự hủy sau 3 tháng) cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh. Người dân khuyến khích đi chợ mang theo giỏ nhựa đựng hàng, thậm chí, nếu mang tô, mang ly theo, vận động bà con dùng các loại lá gói thực phẩm… Giờ đây, bên bãi biển này không còn… túi ni lon khó phân hủy.
Hành động của các cá nhân, tổ chức, khối doanh nghiệp cho thấy, bước đầu nhận thức về rác thải nhựa đã có chuyển biến. Để các phong trào này không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” các đơn vị, tổ chức đã cam kết hàng năm các đơn vị sẽ sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện theo từng năm để có định hướng thực hiện cho các năm tiếp theo.
Mai Chi