Đăk Lăk: Doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới
Cập nhật lúc: 02/11/2016
Cập nhật lúc: 02/11/2016
Bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, nhiều doanh nghiệp (DN) đứng chân trên địa bàn tỉnh đã góp sức cùng người dân và chính quyền địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới (XD NTM).
Là xã khó khăn của huyện Krông Ana, đến nay Ea Bông đã đạt 11/19 tiêu chí trong XD NTM. Không chỉ diện mạo nông thôn ở đây có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ đói, nghèo của địa phương giảm nhanh mà còn xuất hiện nhiều con đường trải nhựa phẳng lỳ, những mái nhà dột nát được thay bằng nhà xây kiên cố… Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Khu, ở Ea Bông, doanh nghiệp hầu hết là hộ kinh doanh nhỏ lẻ và DN nhỏ, quá trình triển khai XD NTM địa phương đã nhận được sự đóng góp, hỗ trợ tích cực từ phía các DN, hộ sản xuất dưới nhiều hình thức như: xe chuyên chở, vật liệu để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, ủng hộ kinh phí làm đường giao thông nông thôn… với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoàn thành tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, các DN sản xuất gạch nung trên địa bàn xã cũng đã hỗ trợ gạch để làm nhà cho nhiều hộ dân theo Chương trình 167. Riêng giai đoạn 2010-2015, địa phương đã xây dựng 25 ngôi nhà theo Chương trình trên cho hộ nghèo, trung bình mỗi căn được DN hỗ trợ 1 vạn viên gạch. Giai đoạn 2016-2020, xã dự kiến sẽ xây mới 123 căn nhà và cũng tiếp tục tranh thủ sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp.
Nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn tại huyện Buôn Đôn.
Là đơn vị tiên phong trong quá trình cùng địa phương thực hiện XD NTM, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống và sử dụng an toàn lưới điện, góp phần hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong XD NTM trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013 đến 2015, đơn vị đã đầu tư 279 tỷ đồng để cải tạo lưới điện nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 95/152 xã hoàn thành tiêu chí số 4 về điện; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia trên 97%; hầu hết khu vực sản xuất tập trung của người dân đã có điện lưới.
Thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho người dân, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và bước đầu mang lại hiệu quả. Như dự án chăn nuôi 10.000 con bò sữa của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại XNK Phước Thành (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) đang từng bước triển khai đi vào hoạt động. Đến nay, dự án đang hoàn thành thủ tục để nhập khẩu bò từ Mỹ, liên kết với Công ty Bio-Aqua (Đan Mạch) xây dựng hệ thống xử lý nước sạch cho trại chăn nuôi và người dân; thiết kế xây dựng chuồng trại, nhà máy vắt sữa; tiến hành liên kết với người dân địa phương để trồng cỏ cao sản, bắp làm thức ăn cho bò. Ngoài ra, Công ty còn tuyển dụng 102 lao động, trong đó 76 nhân viên là người dân địa phương (chiếm 74,5%)… Còn đối với dự án chăn nuôi 2.000 con bò lai Sind trên diện tích 171 ha tại xã Ea Kiết (Cư M’gar) với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc Lâm đã xây dựng được 3 chuồng nuôi với 400 con bò sinh sản và vườn bắp để lấy nguồn thức ăn xanh giàu dinh dưỡng. Đơn vị cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương thành lập danh sách hộ dân có nhu cầu liên kết chăn nuôi, trong đó ưu tiên hộ nghèo, hộ chính sách, hộ sống gần rừng…
Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh thu hút 19 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn hơn 1.696 tỷ đồng. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, cũng như thực hiện thành công mục tiêu XD NTM. Hiện toàn tỉnh có 9 xã đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt 11,34/19 tiêu chí/ xã. Phấn đấu cuối năm 2016, có 22 xã đạt NTM, tổng nguồn vốn huy động cho XD NTM toàn tỉnh hơn 37.425 tỷ đồng, trong đó đóng góp của các DN trong và ngoài tỉnh chiếm trên 50%.
Có thể nói, sự đóng góp của các DN trong tỉnh thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong mục tiêu XD NTM, tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng. Thiết nghĩ, để thu hút, khuyến khích DN tích cực đồng hành, góp sức cùng người dân và chính quyền thực hiện thành công Chương trình XD NTM thì Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN thỏa đáng hơn nhất là trong vấn đề tiếp cận vốn vay… để DN có điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển, từ đó DN sẽ có điều kiện hơn trong đóng góp cho công tác xã hội.
Theo Ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, nguồn vốn để đầu tư cho lưới điện theo tiêu chí điện nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh là không hề nhỏ, cần khoảng 1.783 tỷ đồng. Do đó, đơn vị sẽ chủ động đề xuất cơ quan chức năng ưu tiên cho lồng ghép các hạng mục đầu tư vào các dự án vay vốn nước ngoài như Nâng cao hiệu quả năng lượng khu nông thôn tỉnh Đắk Lắk (vay vốn KFW), Cải tạo và phát triển lưới điện tỉnh Đắk Lắk (vay vốn JICA)… nhằm thúc đẩy hoàn thành tiêu chí về điện trong chương trình Chương trình mục tiêu Quốc gia XD NTM của địa phương. |
Đỗ Lan