Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất Thanh long tại Buôn Ma Thuột
Cập nhật lúc: 19/03/2020
Cập nhật lúc: 19/03/2020
Trong lúc một số sản phẩm trái cây (đặc biệt là dưa hấu) ở một số địa phương đang tồn đọng, do dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến xuất khẩu. Nhiều tổ chức đang kêu gọi chung tay “giải cứu trái cây”, giúp người sản xuất vượt qua khó khăn trong lúc này, thì sản phẩm thanh long tại thành phố Buôn Ma Thuột vẫn duy trì mức giá bán tại nhà vườn bình quân 15.000đ – 18000đ/kg, tăng 50% so với giá thanh long bình quân/năm, người sản xuất đang tiếp tục ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển sản xuất.
Được biết, Buôn Ma Thuột có hơn 100 ha thanh long đang thời kỳ kinh doanh tại xã Cư Êbur (tổng diện tích gần 130 ha), mỗi năm sản xuất cung cấp ra thị trường lên đến 3000 tấn sản phẩm tươi. Trong đó riêng sản phẩm thanh long thu hoạch “trái vụ” trong mùa khô (được sử dụng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660, xử lý ra hoa) chiếm đến 50% so với tổng sản lượng thanh long thu hoạch cả năm của địa phương. Nếu như trong mùa thanh long chính vụ “ra quả tự nhiên” cây sẽ cho quả chín tập trung, thu hoạch dồn dập (rộ nhất từ tháng 5 tới tháng 8) có lúc ứ đọng do thị trường chưa kịp tiêu thụ, thì ngược lại trong mùa kích thích ra hoa trái vụ, nông dân có quyền buộc thanh long cho quả theo ý muốn về thời gian, đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế tối đa vấn đề rớt giá sản phẩm. Đặc biệt, biện pháp buộc thanh long ra hoa theo ý muốn đã phát huy hiệu quả trong mùa dịch Covid – 19 hiện nay.
Vườn thanh long của hộ dân Trần Thị Xuân Đào
Để minh chứng cho việc buộc thanh long ra hoa theo nhu cầu, chị Trần Thị Xuân Đào chủ nhân của hơn 1 ha thanh long đang phát triển rất tốt tại xã Cư Êbur cho biết, vườn thanh long (hơn một nghìn trụ) của gia đình hiện tại đang chia ra “bốn thời kỳ sinh trưởng”. Trong đó gồm một khu diện tích vừa thu hoạch xong; một khu diện tích đang cho hoa; một khu đang cho quả và gia đình đang chuẩn bị mắc bóng để kích thích ra hoa cho diện tích còn lại. Đi một vòng quanh vùng sản xuất thanh long tập trung của xã Cư Êbur nhận thấy rằng, không riêng gì gia đình chị Đào mà hầu hết nông dân nơi đây đều sử dụng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660 có ánh sáng đỏ để xử lý ra hoa trái vụ theo ý muốn đem lại thu nhập ổn định.
Ông Mai Sỹ Ánh, “lão nông chuyên gia thanh long” cho biết, thanh long là cây ngày dài (thích nghi với điều kiện đêm ngắn để ra hoa), nên tại Cư Êbur, nông dân đã dựa vào hiện tượng hiệu ứng quang chu kỳ để kích thích thanh long ra hoa bằng cách dùng bóng điện chuyên dụng để thắp sáng vào ban đêm, chia một đêm dài ra thành hai đêm ngắn cho phù hợp đặc tính ra hoa của cây thanh long.
Sử dụng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660 có ánh sáng đỏ để xử lý ra hoa trái vụ
Được biết, mỗi năm nông dân nơi đây đã sử dụng ánh sáng từ điện năng để kích thích ra hoa hai đợt, đợt một bắt đầu kích điện từ tháng 9 trở đi, đợt 2 từ tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Mỗi đợt sử dụng điện từ 18 đến 20 đêm, mỗi đêm từ 7 đến 9 tiếng đồng hồ. Mỗi hec ta sử dụng hơn một nghìn bóng đèn chuyên dụng, với khoảng cách mắc bóng 3m x 3m giữa ngả tư của các hàng thanh long. Sau khi khai thác sản lượng thanh long, nông dân phải đáp ứng các yếu tố cần thiết theo nhu cầu sinh lý để cây tiếp tục cho quả và cây phát triển bền vững.
Qua kinh nghiệm, nắm bắt được khoảng thời gian từ khi kích điện đến khi ra hoa và đậu quả, theo đó người sản xuất đã chọn các thời điểm kích thích thanh long ra hoa theo phương thức “cuốn chiếu” cùng với việc bổ sung dinh dưỡng kịp thời, tạo ra các sản phẩm đẹp mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt thời gian thu hoạch rơi vào các ngày lễ, tết, rằm, mồng một…. Vì thế sản lượng thanh long sản xuất vào mùa khô tại Buôn Ma Thuột thu hoạch tới đâu bán đến đó cho nhiều tiểu thương trên địa bàn thu gom, xuất bán ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, còn một số ít cung cấp tại chợ Trung tâm, không có sản lượng tập trung dồn dập để ứ đọng. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này, người sản xuất sản phẩm thanh long tại thành phố Buôn Ma Thuột vẫn có thu nhập ổn định.
Thu hoạch thanh long mùa khô tại xã Cư Êbur
Được biết, tính đến nay cây thanh long đã phát triển tại xã Cư Êbua, thành phố Buôn Ma Thuột gần 15 năm, chừng ấy thời gian đã đánh giá hiệu quả kinh tế của loại cây này cao hơn so với một số loại cây trồng khác tại địa phương (kể cả cây chủ lực như cà phê). Doanh thu bình quân từ 250 triệu đến hơn 300 triệu/ha/năm, trừ chi phí còn lãi từ 180 triệu đến hơn 200 triệu/ha/năm tùy vào kinh nghiệm sản xuất và đầu tư của từng hộ. Hiện thành phố Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho sản phẩm thanh long tại Cư Êbur để liên kết đầu ra nhăm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững hơn.
Mô hình ứng dụng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660 để kích thích ra hoa trái vụ cho cây thanh long là một trong những mô hình “liên kết” thành công từ chuyên đề “Xử lý ra hoa trái vụ cho cây Thanh Long bằng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660 tại thành phố Buôn Ma Thuột” của phòng Kinh tế Thành phố Buôn Ma Thuột liên kết với Công ty phích nước bóng đèn Rạng Đông cùng nông dân triển khai xây dựng từ đầu năm 2017. Hiện nay gần 100% hộ sản xuất thanh long tại Buôn Ma Thuột đã áp dụng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660 (thay thế bóng đèn sợi 75 Watt trước kia) để kích thích thanh long ra hoa trái vụ, đã giảm hơn 60% điện năng và tăng hơn 10% năng suất. |
Cẩm Lai - Trạm BMT