Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa. Tuy nhiên, việc thâm canh 2-3 vụ lúa liên tục trong năm, cộng thêm sử dụng phân bón hóa học với liều lượng cao trong thời gian dài và không cân đối...
Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa. Tuy nhiên, việc thâm canh 2-3 vụ lúa liên tục trong năm, cộng thêm sử dụng phân bón hóa học với liều lượng cao trong thời gian dài và không cân đối sẽ làm cho đất ngày càng nghèo chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt lúa. Do đó, cần có giải pháp để cải thiện tình trạng này.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương, nên đề tài “Sử dụng các dòng nấm Trichoderma spp., vi khuẩn cố định đạm và vi khuẩn hòa tan lân để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ vi sinh bón cho ruộng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ ở Hậu Giang” do TS. Trịnh Quang Khương, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long làm chủ nhiệm được triển khai thực hiện. Mục tiêu của đề tài nhằm giải quyết các vấn đề của thâm canh sản xuất 2 vụ lúa phải đảm bảo phát triển bền vững, đạt năng suất và lợi nhuận cao. Đồng thời, cải thiện độ phì nhiêu của đất và nâng cao chất lượng hạt lúa. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn người dân xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch bằng nấm Trichoderma spp., vi khuẩn cố định đạm và vi khuẩn hòa tan lân để tạo thành nguồn phân hữu cơ vi sinh bón lại cho đồng ruộng. Khi đó, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phân hóa học, mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất cho người trồng lúa. Từ đó, giúp bà con nông dân thu được lợi nhuận cao hơn.
Nông dân tiến hành ủ nấm Trichoderma spp. vào rơm rạ.
Đề tài được thực hiện ở các huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ và huyện Châu Thành A, với diện tích 18ha. Sau 2 vụ lúa Hè thu và Đông xuân ứng dụng mô hình, người trồng lúa đã thu được kết quả khả quan. Chẳng hạn, mô hình sản xuất lúa sử dụng các dòng nấm Trichoderma spp., vi khuẩn cố định đạm và vi khuẩn hòa tan lân để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ vi sinh bón cho ruộng lúa cho năng suất cao hơn so với ruộng đối chứng từ 170-280kg/ha trong vụ Hè thu và từ 150-400kg/ha trong vụ Đông xuân. Ngoài ra, khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp người dân hạn chế được phân hóa học, khi đó góp phần tăng lợi nhuận. Vì vậy, mọi người hết sức phấn khởi. Đặc biệt, khi sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh về lâu dài sẽ dần dần trả lại độ phì nhiêu cho đất, làm tăng lượng phốt pho và kali, làm cho đất ngày càng tơi xốp. Từ đó, nâng cao năng suất và chất lượng hạt lúa, góp phần mang lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng lúa.
Tại hội đồng nghiệm thu đề tài, ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang đánh giá, đề tài có tính mới đã ứng dụng nhiều phương pháp kỹ thuật theo hướng thân thiện với môi trường, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong thời gian thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác lúa sử dụng các dòng nấm Trichoderma spp., vi khuẩn cố định đạm và vi khuẩn hòa tan lân để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ vi sinh bón cho ruộng lúa. Trên cơ sở đó, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người trồng lúa, từ đó giúp nông dân thay đổi thói quen sử dụng phân hóa học với liều lượng cao, từng bước áp dụng quy trình vào sản xuất lúa thâm canh, góp phần thu được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Còn theo PGS.TS Võ Thị Gương, Trường Đại học Cần Thơ, đề tài đã thực hiện đầy đủ mục tiêu cụ thể đã đề ra. Nhóm nghiên cứu đã giới thiệu được biện pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch để ủ thành phân hữu cơ vi sinh, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, đồng thời tăng năng suất lúa và giảm được bệnh sâu gây hại. Qua đó, giúp tăng hiệu quả kinh tế trong canh tác lúa. Với kết quả mang lại, đề tài khi được ứng dụng vào thực tiễn sẽ giúp tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần cải thiện kinh tế nông hộ. Đặc biệt, tạo được nguồn sản phẩm lúa gạo an toàn trong tương lai.
Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh còn có ý nghĩa rất lớn là tăng cường bảo vệ môi trường sống, giảm tính độc hại do lạm dụng phân bón hóa học gây ra. Vì vậy, đề tài có ý nghĩa rất lớn đối với người dân trong tỉnh trong việc tạo ra sản phẩm an toàn, đạt chất lượng cao.