Khái quát về những điều nổi bật của nông dân hiện nay, Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường đúc kết lại bằng cụm từ "tam nhất”, nông dân khổ nhất, nông nghiệp vất vả nhất và nông thôn là khó khăn nhất.
Khái quát về những điều nổi bật của nông dân hiện nay, Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường đúc kết lại bằng cụm từ "tam nhất”, nông dân khổ nhất, nông nghiệp vất vả nhất và nông thôn là khó khăn nhất. Vì vậy, cần "tam thức” cho khu vực này đó là, nhận thức, kiến thức và ý thức trách nhiệm với ngành nông nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Cường
Đánh giá về nông dân, ông thường nhắc đến nhiều thứ "nhất”. Vậy trong năm qua, những thứ "nhất” mà ông tổng kết được ở người nông dân là gì?
- Ở cái nhìn toàn diện với cả lĩnh vực tam nông thì tôi thấy tam nông hiện nay có ba cái nhất: Nông dân khổ nhất, nông nghiệp vất vả nhất, và nông thôn khó khăn nhất. Đối với người nông dân, thì tôi tổng kết được 5 cái "nhất”: Đó là số lượng đông nhất, thuộc thành phần nghèo nhất, hy sinh nhiều nhất, hưởng lợi ít nhất và là đối tượng phải chịu nhiều bức xúc nhất.
Chúng ta phải làm thế nào để khắc họa được bức tranh khác về tam nông cũng như người nông dân chứ không để họ chịu mãi những cái "nhất” này. Bởi mục tiêu nhất quán của chúng ta là đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được điều đó chúng ta phải vượt qua một "cửa ải” đầu tiên là tam nông. Phải xây dựng một mẫu hình mới cho người nông dân Việt Nam để họ không trở thành đối tượng có quá nhiều cái "nhất” như tôi từng phân tích.
Một mẫu hình mới, theo ông là gì?
- Theo tôi, chân dung người nông dân mới cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: có trình độ khoa học công nghệ; thạo nghề, lành nghề làm nông; có kiến thức sản xuất hàn hóa, kiến thức thị trường; biết sử dụng công nghệ, phương tiện cơ giới vào sản xuất; gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống; biết kết hợp phát huy giữa cần cù chịu khó và sáng tạo; hợp tác trong sản xuất; bảo vệ môi trường; và có tình cảm trong sáng, có tính cộng đồng cao.
Ông có tin tưởng rằng chúng ta sẽ thành công trên con đường tiến đến một nền nông nghiệp hiện đại?
- Nông nghiệp đã, đang và sẽ không chỉ là một ngành sản xuất kinh tế mà còn giữ vai trò ổn định xã hội, an ninh chính trị, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái và phát huy được tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.
Qua gần 30 năm thực hiện đổi mới nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta đã có những thành tựu đáng ghi nhận như bộ mặt kinh tế nông thôn có sực chuyển biến tích cực, các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ đã có sự đổi mới từng bước phù hợp với kinh tế thị trường…Tôi cho rằng, trên nền tảng như vậy, với sự không ngừng nỗ lực, chúng ta sẽ thành công trong việc xây dựng và phát triển được một nền nông nghiệp hiện đại.
Ngoài những yếu tố vừa phân tích ở trên cần thêm những điều gì để đẩy lùi những cái "nhất” trong tam nông thưa ông?
- Với gần 70% dân số, trên 50% lực lượng lao động xã hội là nông dân, để lực lượng lao động này hội nhập quốc tế, cần phải trang bị cho họ hành trang là bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, tri thức, sức khoẻ, trình độ, kỹ năng sản xuất kinh doanh từng bước ngang tầm với khu vực và thế giới... Tóm lại là phải nâng cao "ba thức” cho nông dân. Cái "thức” đầu tiên đó là nhận thức về chủ trương, đường lối; "Thức” thứ hai là kiến thức làm ăn; "Thức” thứ ba là ý thức trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng, đất nước. Nếu làm được ba cái "thức” này sẽ góp phần nâng cao đời sống của nông dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Trân trọng cảm ơn ông!