10 năm qua, cây lúa vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. Sản phẩm này không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
10 năm qua, cây lúa vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. Sản phẩm này không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đây chính là kết quả của sự quan tâm đầu tư đúng mức cho loại cây trồng chủ lực này, góp phần đáng kể vào chương trình an ninh lương thực quốc gia.
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã quy hoạch xây dựng được vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 32.000ha ở các địa phương như huyện Vị Thủy, Châu Thành A… nhằm phát huy giá trị lúa hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Diện tích canh tác lúa hàng năm trên địa bàn tỉnh ổn định ở mức trên 82.000ha. Tăng trưởng sản xuất lúa thể hiện qua việc tăng năng suất 1,6%/năm và sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm, thậm chí trong năm 2011, sản lượng lúa gần 1,2 triệu tấn, cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay.
Cánh đồng chuyên canh lúa chất lượng cao ở xã Trường Long Tây (Châu Thành A).
Một trong những giải pháp để duy trì thành quả đó trước hết phải kể đến vai trò triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, từng bước hình thành tư duy canh tác mới cho nhà nông. Theo anh Hà Minh Triều, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phước Trung (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A), trong vòng 2 năm trở lại đây, năng suất lúa bình quân cả năm của HTX cải thiện rõ rệt. Cụ thể là từ chỗ chưa đầy 17 tấn/ha/năm thì đến nay đã tăng lên 18 tấn/ha/năm, riêng vụ lúa Đông xuân đạt khoảng 7,5 tấn/ha.
Anh Triều lý giải: Hầu hết xã viên đã ý thức sử dụng giống lúa chất lượng cao, có năng suất, phẩm chất gạo tốt, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương để canh tác cho cả 3 vụ lúa trong năm như: Jasmine; OM 4218, OM 5451. Nhất là ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, trong đó có phương pháp bón phân cân đối, phòng trừ dịch hại tổng hợp - IPM, phương pháp “4 đúng”. Kể cả phòng chống rầy nâu giai đoạn đầu của cây lúa bằng giải pháp xuống giống đồng loạt theo lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Trên cơ sở phát huy lợi thế cây trồng chủ lực của địa phương, thời gian qua, huyện Vị Thủy luôn quan tâm đến công tác quy hoạch và mở rộng vùng chuyên canh lúa hàng hóa tập trung, với quy mô lớn. Cùng với đó là ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ quá trình canh tác cho người dân. Đến nay, đất sản xuất lúa của huyện đã được khép kín trên 95% diện tích, đáp ứng yêu cầu bơm tát tập trung, gieo sạ đồng loạt, cũng như đảm bảo áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa xuống đồng ruộng. Tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận ước đạt trên 80%.
Gần đây nhất là huyện Vị Thủy đã tích cực triển khai thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, góp phần quan trọng cho mục tiêu ổn định sản xuất trong dân, duy trì sản lượng lúa hàng hóa chung của tỉnh. Bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho hay: Diện tích canh tác lúa hiện có của huyện là 16.100ha, tức đã giảm khoảng 400ha so với thời điểm mới thành lập tỉnh. Nhưng không vì thế mà sản lượng thay đổi, trái lại vẫn giữ vững ở mức cao. Theo đó, liên tiếp trong vòng 13 năm qua, sản lượng lúa của huyện luôn đạt trên 200.000 tấn/năm.
Đáng ghi nhận là các ngành chuyên môn trong và ngoài tỉnh đã ứng dụng hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn thông qua các mô hình khuyến nông - khuyến ngư. Đặc biệt là, trong quá trình thực hiện đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS phục vụ đánh giá hiện trạng và cảnh báo một số dịch hại cây lúa tỉnh Hậu Giang. Thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy và sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu và các loại sâu hại khác trên lúa; áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm”, cánh đồng sinh thái, cộng đồng tham gia quản lý rầy nâu,...
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh khẳng định, để đạt được sản lượng lúa như thế, bên cạnh sự nỗ lực của bà con nông dân trong cần cù canh tác, thay đổi tập quán sản xuất, chăm sóc lúa là nhờ sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư thủy lợi, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình cùng với sự góp sức của các nhà khoa học trong nghiên cứu chọn tạo giống, phổ biến các tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và chất lượng hạt lúa.
Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận trong quá trình sản xuất lúa của Hậu Giang là được vinh dự tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất thành công mỹ mãn vào năm 2009. Chính lễ hội tôn vinh hạt lúa mang tầm cỡ quốc gia này đã tạo thêm bước phát triển mới cho hạt lúa, hạt gạo Hậu Giang tiếp tục vươn xa.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, cây lúa là cây trồng chủ lực, diện tích trồng lúa ổn định khoảng 82.000ha, diện tích gieo trồng năm 2013 là 211.995ha, năng suất bình quân 5,61 tấn/ha, sản lượng 1,19 triệu tấn (năm 2004: diện tích 228.486ha, năng suất bình quân 4,71 tấn/ha, sản lượng 1.076.670 tấn); chất lượng từ 30% giống xác nhận năm 2004 tăng lên 65% vào năm 2013. Vùng lúa chất lượng cao xuất khẩu hình thành được 32.000ha, lượng gạo xuất khẩu trung bình 350.000-400.000 tấn/năm.