Ứng dụng công nghệ cao – Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.
Cập nhật lúc: 06/07/2016
Cập nhật lúc: 06/07/2016
là một trong những bước đột phá mang đến thành công, bởi tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh, giá thành hợp lý, tạo công ăn việc làm ổn định đời sống cho người dân, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 30 ha tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNC trên diện rộng nhằm sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất lên trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk lắk
Xác định nông nghiệp ứng dụng CNC đang là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, trong những năm qua tỉnh ta đã tạo mọi điều kiện để người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh ta hiện có 5 đơn vị sản xuất cây giống lâm nghiệp, năng lực sản xuất từ 4,5 - 7,5 triệu cây giống/năm, đáp ứng 40 - 50% nhu cầu hàng năm của tỉnh. Về ứng dụng CNC trên giống cây trồng, hiện nay tỉnh ta đang nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn được các dòng cà phê vối vô tính, năng suất 4 - 6 tấn nhân/ha, chất lượng tốt, cỡ hạt loại R1 trên 80%, kháng bệnh gỉ sắt, chín tập trung, thuận lợi cho thu hái, chế biến và các dòng cà phê vối chín muộn đúng mùa khô, thuận lợi cho thu hái, phơi sấy, đảm bảo chất lượng và giảm lượng nước tưới. Bên cạnh giống cây trồng, các giống vật nuôi như heo, bò, dê, cá cũng đang được tỉnh ta quan tâm ứng dụng CNC trong việc phát triển. Hiện tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi đang quản lý trại heo giống cấp ông bà 61 nái, 3 con đực giống, hàng năm sản xuất 500 - 550 con giống bố và cung ứng hàng ngàn liều tinh lợn ngoại để thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn nái địa phương; bên cạnh đó Trung tâm còn hướng dẫn hộ nuôi giống lợn Landrace, Yorkshire để tăng sản lượng và chất lượng thịt. Về giống bò, thì tỷ lệ bê lai chất lượng cao đạt 27,5%, trong đó bò sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo chiếm 53,76%, sử dụng công thức lai trực tiếp bằng bò đực chất lượng cao: Charoline, Druoghtmaster, Avơt, Limucince, Abondance… Tỷ lệ đàn bò lai đạt 30%, con lai có tầm vóc tốt, phát triển nhanh khỏe, trọng lượng xuất chuồng từ 200 - 250 kg/con tăng lên 300 - 350kg/con. Chương trình trồng cỏ thâm canh vỗ béo bò, tại EaKar, Krông Ana, TP Buôn Ma Thuột mở ra triển vọng hình thành các vùng chuyên nuôi bò vỗ béo công nghệ cao làm tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. Riêng giống gia cầm, hiện có 1 cơ sở gà giống bố mẹ quy mô 240 gà mái, 25 gà trống của Trung tâm giống cây trồng vật nuôi, cung cấp cho thị trường 7.400 - 7.500 con giống và 36 cơ sở ấp trứng, đáp ứng 13 - 15% nhu cầu của tỉnh.
Mô hình thâm canh ớt chuông bằng CNC cũng cho năng xuất và thu nhập cao.
Qua nhiều năm thực hiện ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều cho thấy có những khởi sắc đáng kể bởi những kết quả khả quan về năng xuất sản phẩm được nâng lên, chất lượng được cải thiện và hơn hết tạo được công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình- nhiều hộ gia đình đã dần thay đổi cách thức làm nông nhiệp theo kiểu truyền thống, theo kinh nghiệm vốn dĩ cho năng suất thấp và thường bấp bênh – Thực tế cho thấy một số mô hình điểm mà người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng để tăng năng xuất và chất lượng của cây trồng như: Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cà phê từ năm 2010 ở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, kiểm soát độ ẩm đất, năng suất tăng từ 1,6 tấn/ha năm 2009 lên 2,6 tấn/ha năm 2010 và 4 tấn/ha năm 2011, giảm 20 công lao động/năm và tiết kiệm 40% lượng nước tưới.
Cư’Mgar đang là huyện thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Theo ông Trương Văn chỉ - Chủ tịch UBND huyện “Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến làm cơ sở cho việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn huyện”. Ông Phạm Quang Mười – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cư’Mgar cho biết : “ Hiện nay huyện đang đưa vào thực nghiệm các loại cây trồng bước đầu đã gặt hái được nhiều thành công – Chỉ tính riêng mô hình dưa lưới Nhật Bản, với 500 gốc dưa, được trồng trên 300m2 đất, cho ra bình quân 1 tấn quả/vụ, tính theo giá thị trường hiện nay dưa lưới Nhật Bản có giá tầm 80-90 ngàn/kg. Theo ông Mười, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, người nông dân sẽ lãi từ 300-350 triệu đồng/vụ dưa, đây là loại cây ngắn ngày nên có thể trồng 2- 3 vụ/ năm”. Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Cư’Mgar “Mô hình thực nghiệm nấm Linh chi cũng đang có nhiều khởi sắc – Trung tâm đang theo dõi sự phát triển của nấm, cũng như chất lượng bào tử nấm, nếu thành công sẽ đề nghị huyện nhân rộng mô hình này tới các hộ dân”
Có thể thấy rằng, mặt được của việc ứng dụng công nghệ cao trong sản nông nghiệp là điều rất rõ, tuy nhiên vấn đề cần đặt ra ở đây chính là đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp CNC – Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
“việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh ta cần có sự liên kết, hợp tác giữa 4 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đó là: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp”. Muốn tạo được liên kết trên như lời của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thiết nghĩ tỉnh ta cần phải huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác phát triển như: Tranh thủ mọi nguồn vốn từ ngân sách, vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng; tạo chính sách thông thoáng và ưu đãi để thu hút đầu tư vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp; chủ động và tích cực thực hiện liên kết, hợp tác và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo các danh mục đã được tỉnh công bố. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ, tạo sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường. Tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư, Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tổ chức tại tỉnh Kom Tum vừa qua, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có bài tham luận “ Nông nghiệp công nghệ cao-tiềm năng đầu tư, phát triển tại Đắk Lắk-Tây Nguyên”, đồng chí khẳng định ngành nông- lâm nghiệp-thủy sản chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Đắk Lắk. Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU "Về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp", xem đó là nhiệm vụ quan trọng nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa của địa phương.
Từ thực tiễn của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đang cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đi cùng với việc hỗ trợ vốn, ưu đãi chính sách đối với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thì công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần phải được thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa và xem đó là vấn đề then chốt để bảo đảm thành công - có như vậy chúng ta mới có thể tái cơ cấu được ngành nông nghiệp, tạo đà phát triển bền vững cho nền kinh tế, góp phần vào ổn định phát triển kinh tế xã hội của Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hồng Mong
(Nguồn:https://daklak.gov.vn)