Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng và Thủy sản xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cà gai leo (161)
Cập nhật lúc: 19/07/2024
Cập nhật lúc: 19/07/2024
Cây cà gai leo là một loại thảo dược thiên nhiên và có nhiều tên gọi khác nhau như: cà dây leo, cà quýnh, cà vạnh, cà cườm, cà lù, cà bò,… Tên khoa học của cây cà gai leo là Solanum procumbens Lour thuộc họ Cà: Solanaceae.
Cây cà gai leo mọc hoang ở khắp nơi tại các tỉnh miền Bắc tới Huế. Tập trung nhiều ở các tỉnh Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An. Một số nước cũng có sự phân bố của cà gai leo như: Lào và Campuchia, Trung Quốc.
Cây có nhiều tác dụng như giải độc rượu, tiêu độc, chữa phong thấp, chảy máu chân răng, bệnh lậu… nhưng nổi bật hơn cả là cây cà gai leo có tác dụng chữa bệnh gan. Đối với cà gai leo, toàn bộ phần cây đều có thể dùng làm thuốc, trong đó, quả là nơi có dược tính nhiều nhất (0.45 - 0.50); lá là 0.26 - 0.35; trong rễ từ 0.18 - 0.22; trong thân từ 0.07 - 0.1. Cà gai leo trồng ở mỗi vùng khác nhau sẽ có sự khác biệt về lượng % dược liệu, do đó, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến phải được giám sát chặt chẽ. Khi thu hoạch phải cắt cách gốc từ 3 - 5 cm để sau khi cắt, cây có thể mọc lại và thu hoạch lần sau. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi cây ra hoa và quả xanh, lá ở gốc vẫn còn. Khi đó, dược tính của cây thu được nhiều nhất.
Với các giá trị sử dụng trên của cây cà gai leo, song hiện tại trên địa bàn tỉnh rất ít các mô hình phát triển cây dược liệu nói chung và cây cà gai leo nói riêng, nên Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty TNHH MTV Dược phẩm APG; xây dựng thực hiện mô hình đánh giá sự sinh trưởng phát triển, năng suất và phẩm chất của giống Cà gai leo, tại Trại Giống tổng hợp, thôn 4, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk.
Công nhân đang xuống giống cây cà gai leo
Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 9 năm 2023 cho đến nay, và trong suốt quá trình sản xuất mô hình được áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, dùng bạt phủ để hạn chế cỏ dại, sử dụng các thiết bị điện tử thômg minh khác để quản lý hệ thống tưới, bón phân qua hệ thống tự động mà không tốn công bón trực tiếp. Áp dụng quy trình canh tác bền vững, sử dụng các loại chế phẩm sinh học, xử lý sâu bệnh hại bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học. Mô hình phát triển tốt, đồng đều, tỷ lệ đậu quả rất cao, ra cành đều, là cây trồng ít bị sâu bệnh hại, nhưng phải chủ động phòng các bệnh và sâu hại như: rầy, rệp, nhện, héo xanh, sương mai,… để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Sáu tháng sau khi trồng, cà gai leo bắt đầu cho thu hoạch; Các lần thu hoạch tiếp là sau khoảng 3 - 4 tháng thu hoạch một lần (phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng), cà gai leo có thể thu hoạch 2 - 3 lứa/năm, thời gian thu hoạch kéo dài đến 5 năm mới nhổ gốc trồng lại. Khi thu hoạch lựa chọn thời điểm thời tiết khô ráo, không có mưa để đảm bảo giữ được hoạt chất của dược liệu và giảm bớt công đoạn xử lý (rửa, băm chặt và phơi sấy). Đến nay, mô hình đã cho thu hoạch lần 1 và đang tiếp tục thu hoạch lần 2 với năng suất ổn định. Năng suất thu hoạch lần 1 trên diện tích 0,7 ha (7.000 m2) được 110kg hạt giống, giá bán 3.000.000đ/kg và 20 tấn cây tươi, sau khi phơi còn 5 tấn cây khô, giá bán 28.000đ/kg. Năng suất thu hoạch lần 2 dự kiến sẽ còn cao hơn, vì vào mùa mưa lượng nước cung cấp cho cây ổn định để cây phát triển tốt hơn.
Mô hình cây cà gai leo chuẩn bị thu hoạch
Mô hình Cà gai leo áp dụng công nghệ cao bước đầu cho thấy được các tín hiệu tích cực như: Giảm thiểu được công lao động, dễ dàng chăm sóc, ít tốn công chăm sóc, ít nhiễm sâu bệnh hại, phù hợp với mọi điều kiện đất đai, thời gian thu hoạch ngắn, giá cả ổn định, có thể trồng xen trong các vườn cây ăn quả, đặc biệt hầu như không phải sử dụng đến thuốc Bảo vệ thực vật nên rất thân thiện với môi trường,… Mô hình cà gai leo cũng đã tạo được nhiều việc làm ổn định cho 10 công nhân lao động nhàn rỗi tại chỗ, cho thu nhập trung bình khoảng 5 triệu/tháng/người. Góp phần vào việc cải thiện đời sống xã hội.
Nhìn chung, mô hình cà gai leo ứng dụng công nghệ cao được trồng tại khu vực trại giống tổng hợp, qua quá trình triển khai cho thấy: Cây cà gai leo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu tại địa phương. Trong thời gian tới, mô hình cà gai leo ứng dụng công nghệ cao có thể nhân rộng tại các địa phương lân cận, nhằm cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng ra thị trường. Góp phần tạo sự đa dạng về cây trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh và xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững./.
Hoàng Thái Học