Triển vọng phát triển cây cam quýt tại Đắk Lắk,hướng đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Cập nhật lúc: 04/01/2017
Cập nhật lúc: 04/01/2017
Những năm gần đây, một số nông dân tại một số vùng trên địa bàn tỉnh Dak Lak đã chủ động lựa chọn cây cam, quýt để chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả, không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương , bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Khi nhắc đến Đắk Lắk là nghĩ ngay đến mảnh đất của những sản phẩm cây công nghiệp: cà phê, tiêu, cao su. Tuy nhiên có một số địa phương vì đặc điểm đất đai thổ nhưỡng và khí hậu thời tiết không phù hợp nên năng suất trồng những cây công nghiệp này không cao. Những năm gần đây, một số nông dân tại một số vùng trên địa bàn tỉnh Dak Lak đã chủ động lựa chọn cây cam, quýt để chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả, không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương , bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Tổng diện tích cam, quýt do người dân trồng trên địa bàn tỉnh đã lên đến 249 ha diện tích trồng cam và 171 ha diện tích trồng quýt (số liệu theo niên giám thống kê của tỉnh năm 2014) và nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định từ loại cây trồng này
Trên địa bàn toàn tỉnh có một số xã thuộc các huyện Ea Kar (xã Cư Elan; Ea Ô; Ea Sar; Ea Sô), TP Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn (xã Ea Nuôl; Ea Huar) chuyển đổi sang trồng cam quýt từ nhiều năm nay và bước đầu cho hiệu quả. Trước đây những vùng này canh tác cây rau màu: ngô, đậu, điều, có một số nơi rải rác trồng cà phê tuy nhiên năng suất và chất lượng không cao nay chuyển đổi sang trồng cam quýt.
Một trong những địa phương phát triển rầm rộ và tập trung cây trồng này và đánh giá được hiệu quả rõ rệt là xã Cư Elan huyện Ea Kar, một xã nghèo, vùng 3 và xã Ea Nuôl huyện Buôn Đôn cũng phát triển mạnh mẽ cây trồng này.
Hiện nay, trên toàn xã Cư Elan đã có trên 150 ha diện tích trồng cam, quýt trong đó có hơn 70 ha trong thời kỳ kinh doanh và người dân nơi đây đã nghĩ đến việc thành lập Hợp tác xã trồng cam, quýt để phát huy thế mạnh của địa phương. Cư dân trong xã chủ yếu tập trung là dân tộc phía bắc, di cư tự do lên đây đốt rừng làm rẫy nên điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đời sống bấp bênh. Kể từ khi phát hiện ra cây cam quýt phù hợp với chất đất ở đây, một số hộ gia đình đã chuyển đổi đất đồi sang trồng loại cây mới mẻ này. Người đi đầu trong bước đột phá chuyển đổi cơ cấu cấy trồng là anh anh Hoàng Văn Lợi, thôn 1 xã Cư Elan. Anh Lợi chia sẻ “Sau nhiều năm thử nghiệm, tôi nhận ra rằng, cây quýt thật sự mặn mà với vùng đất Cư Elan, cây ra quả quanh năm, trĩu quả, chất lượng quả ngon ngọt không thua kém gì trái cây miền Tây và đặc biệt do đặc trưng của tiểu khí hậu vùng này nên cây quýt chín lệch vụ so với các vùng khác, đây chính là lợi thế của vùng, nhờ có cây trồng này mà nhiều hộ gia đình trong xã đã thoát nghèo, ông Lợi vui mừng khoe”.
Đoàn tham quan mô hình trồng cam quýt tại xã Cư Elan, huyện Ea kar, tỉnh Đắk Lắk
Còn tại xã Ea Nuôl huyện Buôn Đôn, những vùng đất khô cằn sỏi đá trước đây không trồng được gì thì những năm gần đây người dân đã chuyển đổi sang trồng cam, quýt đem lại hiệu quả rõ rệt. Đi đầu là xuất phát từ những người dân vùng Tây Nam Bộ di dư đến đây sinh sống và mang tập quán canh tác và cây cam quýt đến vùng đất này. Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn cho biết “Hiện nay toàn xã Ea Nuôl đã có hơn 100 ha cây cam quýt và diện tích bà con canh tác sẽ có xu hướng ngày càng tăng lên, kế hoạch năm 2017, phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn sẽ phối hợp với Sở NN và Phát triển nông thôn Đắk Lắk xây dựng chương trình sản xuất VietGAP cho cây cam, quýt để hướng đến sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu cho cam, quýt Ea Nuôl.”
Để phát triển bền vững cho cây cam quýt
Cây cam quýt đang là cây trồng mới trên mảnh đất Tây nguyên, đã được thực tiễn chứng minh phù hợp với mảnh đất này, có thể được lựa chọn là cây trồng mới, phù hợp với đa dạng hóa các loại cây trồng và khai thác hết tiềm năng sản xuất của đất tuy nhiên để cây cam quýt gắn bó lâu dài, trở thành cây hàng hóa thực sự đem lại lợi ích cho người dân thì cần có hướng phát triển bền vững, cần rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cấp các ngành có liên quan trong việc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật: chăm sóc, phòng bệnh, chọn giống uy tín, chất lượng, các chính sách hỗ trợ phát triển về đầu ra, giá cả để giúp người nông dân có được hướng phát triển kinh tế bền vững, có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, phát triển các mô hình cây ăn trái theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đặc biệt cần quan tâm đến việc quy hoạch vùng phát triển cụ thể, khuyến cáo bà con tránh tăng diện tích ồ ạt, trồng ở những nơi thổ nhưỡng không phù hợp, gây thiệt hại kinh tế.
Hoàng Liên
Cây quýt tại xã Cư Elan, huyện Ea Kar sai trĩu quả