Trắng tay vì mua phải phân bón giả
Cập nhật lúc: 10/12/2015
Cập nhật lúc: 10/12/2015
Bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư vào hơn 2 ha trồng quýt đường, đến khi cây cho trái chuẩn bị bước vào thu hoạch hứa hẹn một vụ mùa bội thu thì anh Nguyễn Sơn ở bon Choi (xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, Đắk Nông) lại phải ngậm đắng, nuốt cay, mất trắng gần 700 triệu đồng vì vườn quýt dùng phải phân bón giả.
Bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư vào hơn 2 ha trồng quýt đường, đến khi cây cho trái chuẩn bị bước vào thu hoạch hứa hẹn một vụ mùa bội thu thì anh Nguyễn Sơn ở bon Choi (xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, Đắk Nông) lại phải ngậm đắng, nuốt cay, mất trắng gần 700 triệu đồng vì vườn quýt dùng phải phân bón giả.
Vườn quýt của gia đình ông Sơn quả rụng khắp nơi
sau khi phun phải phân bón nghi kém chất lượng
Anh Sơn chia sẻ, gia đình bỏ gần 1,3 tỷ đồng mua quýt giống, phân bón, chăm sóc hơn 1.200 gốc quýt đường. Năm 2014 vườn quýt cho thu bói được 20 tấn sau hơn 5 năm chăm sóc, với giá bán tại vườn chỉ 15.000 đồng/kg cũng mang về cho gia đình 300 triệu đồng.
Năm nay vào vụ thu chính, anh ước tính 1.200 gốc quýt sẽ cho năng suất trên 60 tấn quả. Với giá bán như năm trước cũng mang về thu nhập cho gia đình khoảng 900 triệu đồng. Nhìn vườn quýt sai trĩu quả, anh em, hàng xóm ai cũng vui lây cho thành quả bao nhiêu năm vất vả của gia đình, vì đây là cây trồng mới ở vùng đất pha cát này.
Mới đây, do quả nhiều, sợ bị gãy cành, anh Sơn đã tăng cường làm giá chống xung quanh và ra Cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật Tuấn Hằng (ở thôn Quảng Hà, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nông) do ông Nguyễn Anh Tuấn làm chủ, mua phân bón về phun chống gãy cành cho vườn quýt.
Anh Sơn được ông Tuấn giới thiệu loại phân bón vi lượng và sinh học nano nhãn hiệu “BIOPLANT FLORA” (được Công ty cổ phần FLORA EAST không rõ địa chỉ) nhập khẩu từ Liên bang Nga về và được Công ty TNHH MTV Hồ Tiêu Hùng Hưng đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền tại Tây Nguyên và Nam Bộ (địa chỉ Tổ dân phố 6, thị trấn Đức An-huyện Đắk Song-tỉnh Đắk Nông) đem đi giới thiệu và phân phối cho các cửa hàng, đại lý thuốc bảo vệ thực vật.
Tin tưởng những lời giới thiệu hoành tráng từ chủ cửa hàng và với nhãn mác phân bón nhập khẩu, anh Sơn đã mua 4 chai (mỗi chai 1 lít) với số tiền 1,7 triệu đồng về sử dụng. Thế nhưng khi vừa phun xong loại phân bón này được 2 ngày thì vườn cây bắt đầu có nhiều biểu hiện khác lạ. Các cây quýt lá cây bắt đầu khô lại, vàng héo, gãy cành; quả quýt đang xanh chuyển sang màu vàng và rụng khắp vườn.
Trước những biểu hiện lạ của vườn quýt, anh Sơn đã gọi ông Tuấn chủ cửa hàng thuốc vào cứu vườn quýt. Thế nhưng, dù đã bỏ thêm 20 triệu đồng mua thêm phân bón và thuốc chữa, vườn quýt của anh Sơn vẫn không dừng biểu hiện khô quả và rụng.
Chai phân bón ông Sơn phun cho cây quýt.
Hiện vườn quýt 1.200 gốc của anh Sơn 20 cây đã khô héo và chết. Các cây còn lại đã rụng hơn 40 tấn quả, thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 700 triệu đồng. Anh Sơn cho biết, hiện gia đình đang làm đơn gửi lên chính quyền xã, Trạm bảo vệ thực vật huyện Krông Nô, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông để nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét.
Nếu kết quả kiểm tra do phân bón kém chất lượng, anh kiến nghị công ty nhập khẩu, phân phối, và đại lý thuốc phải bồi thường thiệt hại cho gia đình. Theo anh Sơn cho biết, nếu tính cả thiệt hại vườn cây qua hơn 6 năm chăm sóc, gia đình mất trắng gần 2 tỷ đồng, chưa tính ngày công lao động.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại phân bón vi lượng và sinh học nano nhãn hiệu “BIOPLANT FLORA” được nhập khẩu từ Liên bang Nga về thì bao bì bên ngoài ghi chỉ định dùng cho cây Hồ tiêu, sau khi nhập về Công ty cổ phần FLORA EAST lại ghi thêm các loại cây trồng có thể dùng phân bón này là cà phê, lúa, bắp rau xanh, khoai tây… Còn trong tờ rơi quảng cáo do Công ty TNHH MTV hồ tiêu Hùng Hưng lại cho in thêm nhiều hình ảnh cây trồng khác như cao su, chè, mía, gấc, dưa leo, ớt…
Điều đáng nói là, trên chai thuốc dung tích 1 lít, không hề ghi đơn vị sản xuất, không có mã vạch sản phẩm; mà chỉ có đơn vị nhập khẩu độc quyền là Công ty cổ phần Flora East, và công ty này cũng không có địa chỉ, số điện thoại ghi trên bao bì sản phẩm chúng tôi gọi điện nhiều lần không có ai bắt máy.
Không chỉ dùng thuốc trên phun cho vườn quýt, vì tiếc phân bón ngoại, anh Sơn đem loại phân này phun cho vườn đậu xanh, vậy nhưng sau khi phun 2 ngày cả vườn đậu xanh cũng queo quắp hết lá và khô héo chết hết. “Tôi chỉ mong cứu lại được vườn quýt để chăm sóc và chờ mùa sau thu lại mà trả nợ ngân hàng, chứ giờ quả không được thu, mà cây nó chết hết thì coi như tay trắng. Chỉ mong các hộ dân khác khi sử dụng các loại thuốc cần cân nhắc kỹ và phun thử nghiệm trên 3 đến 5 cây xem biểu hiện thế nào rồi mới phun toàn bộ vườn”, anh Sơn chia sẻ.
Do lo lắng vì sản phẩm phân bón lá có vấn đề về chất lượng, anh Sơn đã nhiều lần điện cho ông Tuấn chủ cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật để phán ánh và tìm phương án chia sẻ khó khăn, nhưng ông Tuấn lại đổ lỗi do vườn cây bị bệnh này bệnh khác và né tránh. Trong khi đó, anh Kiều Duy Trình, người có vườn quýt khoảng 300 gốc cách không xa vườn quýt anh Sơn chia sẻ: “Tôi đang tính mua phân bón chắc cành về phun và để quả chờ vụ tết. Do mấy ngày rồi bận không đi được. Về tới rẫy thấy anh Sơn bảo vườn của anh mới phun phân bón xong đang sống giở chết dở nên tôi không đi mua nữa. Vườn quýt của tôi hiện tại cây vẫn xanh tươi, quả nhiều và không hề bị rụng như vườn quýt anh Sơn”.
Có thể nói việc quảng cáo, giới thiệu những sản phẩm phân bón vi lượng nhập khẩu với những từ ngữ ca ngợi công dụng lên tận mây xanh đã đẩy người nông dân vào “ma trận”. Mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chất lượng các sản phẩm phân bón và có những biện pháp xử lý mạnh tay để người nông dân bớt khổ.