“Trả hữu cơ lại cho đất” là biện pháp thiết thực để thục hiện mục tiêu về định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian đến tại Đăk Lăk
Cập nhật lúc: 04/11/2019
Cập nhật lúc: 04/11/2019
Đây là phát biểu của Giáo Sư Nguyễn Thơ, giảng viên Cao học của trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh trong tham luận “Canh tác và quản lý dịch hại theo hướng hữu cơ sinh học” tại Hội nghị Phổ biến cơ chế chính sách về nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và định hướng phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên vừa qua.
Cũng tại Hội Nghị này, Giáo Sư Nguyễn Thơ cho rằng “Nông nghiệp hữu cơ ngày nay không phải là quay lại phương thức canh tác đơn giản, thô sơ xa xưa. Tất nhiên, trong canh tác hữu cơ chúng ta thừa kế những quan điểm hữu cơ truyền thống, gần gũi với tự nhiên. Nhưng những biện pháp hữu cơ sinh học, nay đã được nâng lên thành công nghệ hiện đại. Sự phối hợp giữa biện pháp truyền thống với công nghệ chế biến hữu cơ, công nghệ vi sinh probiotic, kết hợp với hệ thống canh tác theo GAP là khoa hoc hiện đại nhằm phục vụ cho sản xuất an toàn và bền vững, đó thực sự là công nghệ cao trong nông nghiệp”.
Giáo Sư Nguyễn Thơ, giảng viên Cao học của trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh
Bởi lẽ, trong nhiều năm qua và đến tận bây giờ, sản xuất nông nghiệp nước ta thâm canh dựa trên cơ sở “hóa học” là chính. Phương thức sản xuất đó dần dẫn đến lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh mặt tích cực, nền nông nghiệp hóa học tồn tại trong thời gian dài đã dẫn đến hệ lụy nặng nề: Đất đai bị thoái hóa nghiêm trọng, kém đa dạng sinh học, nhất là trong đất; Cây trồng ngày càng nhiều sâu bệnh, việc quản lý dịch hại ngày càng kém hiệu quả. Chất lượng nông sản thấp, không an toàn. Việc lạm dụng hóa học đã làm cho sản xuất nông nghiệp nước ta kém bền vững, hiệu quả kinh tế thấp. Việc ban hành các văn bản nông nghiệp hữu cơ còn chậm, chưa có thông tư hướng dẫn NĐ 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ...Theo đó, bước đầu chuyển đổi từ vấn đề “thâm canh dựa trên cơ sở hóa học” sang thâm canh “theo hướng hữu cơ” chắc chắn không tránh khỏi khó khăn, đặc biệt là phải thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Có đồng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Thơ tại Hội nghị, TS. Vũ Hồng Sơn, trường ĐH Bách khoa Hà Nội -Trưởng ban kỹ thuật TCVN về Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) cũng cho rằng, việc sản xuất NNHC của Việt Nam còn nhiều khó khăn, mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Hiện tại, nhiều nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh; thị trường tiêu thụ không được cam kết; quy trình sản xuất yêu cầu khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chi phí sản xuất cao mà năng suất nói chung là thấp…
Đại biểu tham quan tại hội nghị
Theo GS Nguyễn Thơ, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, cách khắc phục hiện nay, không có con đường nào khác là phải thay đổi tập quán của người sản xuất, không lạm dụng hóa học, canh tác tập trung theo hướng hữu cơ và sinh học. Trong đó, biện pháp “Trả hữu cơ lại cho đất”, là biện pháp cơ bản đầu tiên cần thực hiện trong xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, đồng thời không làm bất cứ điều gì có hại cho đất, dù cho đó là biện pháp có lợi trước mắt, nếu không kịp thời sửa chữa sẽ đi đến bế tắt. Đất là cơ thể sống, cuộc sống trong đất chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của quần thể vi sinh vật (VSV). Sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng phụ thuộc hoàn toàn vào các VSV trong đất. Việc trả lại hữu cơ cho đất đồng nghĩa với việc tạo điều kiện tốt nhất cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Một số kinh nghiệm mà giáo sư Nguyễn Thơ đưa ra để trả hữu cơ lại cho đất đó là “Không đốt đồng”để trả hữu cơ lại cho đất. “Làm đất tối thiểu” để hạn chế rửa trôi, bảo vệ độ phì của đất rất tốt. “Không lạm dụng hóa học” để cho đất không bị ngộ độc và thoái hóa. “Phủ bổi, trồng cây phủ đất trong vườn cây” để tiết kiệm chi phí, chống ô nhiễm môi trương, chống rửa trôi đất, và là biện pháp trả hữu cơ lại cho đất hữu hiệu. “Canh tác bón phân hữu cơ là chính (organic based)” để trả lại hũu cơ trực tiếp cho đất, tạo hệ vi sinh vật có ích cho cây trồng. “Dùng các lợi khuẩn (probiotic) và VSV đối kháng trong canh tác và quản lý dịch hại” để nhân nuôi và bảo vệ cây trồng. Đây là những biện pháp tuy đơn giản nhưng là cơ bản và có hiệu quả trong qui trình phát triển nông nghiệp hữu cơ cần thực hiện. Nếu thực hiện được thì mới tạo được những sản phẩm hữu cơ chất lượng, đáp ứng nhiều yêu cầu liên quan khác.
Có thể nói bài tham luận của Giáo sư Nguyễn Thơ là một giải pháp thiết thực, góp phần lớn cho sự thành công đối với một số mục tiêu cụ thể mà Sở NN & PTNT Đăk Lăk đã nêu ra tại Hội nghị Phổ biến cơ chế chính sách về nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và định hướng phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên vừa qua là phải phục hồi, cải tạo, làm tăng độ phì của đất nông nghiệp quí giá trên địa bàn Tỉnh; Tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị kinh tế cao (ưu tiên sản phẩm chính, chủ lực) đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu của thị trường nông nghiệp hữu cơ trong nước và quốc tế…
Sản phẩm trái cây của Buôn Ma Thuột tham gia Hội nghị
Để thực hiện được biện pháp cơ bản bước đầu “Trả lại hữu cơ cho đất”, dần đi đến phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững, thiết nghĩ ngay từ bây giờ cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến đến tận người dân chủ trương của Chính phủ như Nghị định 83/2018/NĐ-CP về Khuyến nông; Nghị định 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ và văn bản có liên quan theo chủ trương cụ thể của địa phương. Nâng cao năng lực, hiểu biết cho nông dân, hợp tác xã, trang trại và độ ngũ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông của tỉnh để làm nền tảng phát triển nông nghiệp hữu cơ lâu dài, bền vững. Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả tại các đơn vị có điều kiện phù hợp để làm cơ sở nhân ra diện rộng tại Đăk Lăk.
Năm 2017 Bộ KHCN đã công bố bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ (NNHC) và Việt Nam đã có tên trong danh sách 178 quốc gia sản xuất hữu cơ. Một số sản phẩm hữu cơ Việt Nam đã có thương hiệu và đã có mặt ở nhiều thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đón đầu và tiên phong áp dụng công nghệ mới, vận động nông dân tham gia sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu ( Trích Báo cáo định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ Nông nghiệp).