TP. Buôn Ma Thuột: Hiệu quả bước đầu từ mô hình sản xuất Na Thái
Cập nhật lúc: 19/09/2023
Cập nhật lúc: 19/09/2023
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất các loại cây ăn quả, anh Phạm Văn Trọng tại thôn 11, xã Hòa Phú, Tp. Buôn Ma Thuột đã mạnh dạn đưa hơn 200 cây giống Na Thái về thay thế diện tích xoài già cỗi, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.
Na Thái là loại cây ăn quả có nguồn gốc từ Thái Lan, hay còn gọi là mãng cầu dai. Cây Na Thái trồng tại địa phương hơn 2 năm tuổi đã bắt đầu ra hoa, cho quả. Đây là loại cây trồng có tính thích nghi tốt, chịu được hạn nhưng không chịu úng, kháng sâu bệnh tốt hơn các giống Na địa phương.
Anh Trọng bên vườn Na Thái của gia đình
Hiện vườn Na Thái của anh Trọng đã được 5 năm tuổi, cá biệt có một số cây được 7 năm tuổi đang cho quả sum suê, là số cây anh trồng đầu tiên để đánh giá sự thích nghi trước khi trồng đồng loạt. Với điều kiện thời tiết TP.Buôn Ma Thuột, cây Na Thái cho thu hoạch quả từ tháng 6 đến tết Nguyên đán, thu tập trung từ tháng 8 đến tháng 9. Ưu điểm quả Na Thái thường rất to, có trọng lượng từ 0,6 – 1,0 kg/quả. Quả ít hạt, vỏ mỏng, hương vị thơm ngọt đậm và mẫu mã đẹp nên được thị trường rất ưa chuộng. Ngày tết giá bán của Na Thái lên đến 80.000 – 100.000 đồng/kg, ngày thường giá sỉ từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, hiện tại sản lượng chưa nhiều nên cung không đủ cầu. Mỗi cây Na Thái 5 năm tuổi đã cho thu hoạch từ 35 - 40 kg/vụ. Nếu vào thời kỳ kinh doanh ổn định, chăm sóc tốt, cây Na Thái có thể cho thu hoạch từ 50 - 70 kg/cây. Nếu trồng với mật độ 625 cây/ha (4m x 4m), cùng giá bán của thị trường hiện nay, mỗi năm sẽ cho thu hoạch từ 700 - 900 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây ăn quả khác cùng thời điểm.
Điểm khác biệt là cây Na Thái trồng tại TP.Buôn Ma Thuột là quả có độ ngọt đậm đà hơn so với trồng tại một số nơi khác. Cây rụng lá trơ trọi trong mùa khô cho đến khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi hạt, thì cây sẽ đâm chồi, nảy lá xanh song song với quá trình bung hoa khoe sức sống trên cành. Từ 01 đến 03 năm đầu, tận dụng lúc cây rụng hết lá trong mùa khô, anh Trọng cắt tỉa tạo tán và tưới đủ nước để khi bộ lá mới xuất hiện sẽ khỏe hơn, tăng cường quang hợp cung cấp năng lượng nuôi quả trong cả thời kỳ phát triển.
Đối với thời tiết đặc thù của Tây Nguyên, bên cạnh thuận lợi cho cây Na Thái phát triển, đồng thời cũng dễ tạo điều kiện phát triển sâu bệnh hại, nhất là giai đoạn mang quả, thường xuất hiện rệp sáp trắng và sâu đục quả gây hại, vì vậy ngoài vấn đề bón phân, tưới nước cần chú trọng việc bao quả mới đảm bảo mẫu mã đẹp, năng suất, chất lượng cao./.
Anh Trọng chia sẻ kỹ thuật bao quả cho Na Thái
Cẩm Lai
Trạm KN TP. Buôn Ma Thuột