TỔ HỢP TÁC SẢN XUẤT NẤM - MÔ HÌNH HIỆU QUẢ CỦA NÔNG DÂN DRAY SÁP
Cập nhật lúc: 14/11/2016
Cập nhật lúc: 14/11/2016
Để có sản phẩm năng suất, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và không bị thương lái ép giá, nhiều hộ nông dân ở xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) đã liên kết lại dưới hình thức tổ hợp tác để phát triển sản xuất.
Những ngày này, khi đặt chân đến xã Dray Sáp, dù đã sau mùa gặt, nhưng không khí sản xuất ở đây vẫn đang rất nhộn nhịp, bởi đang vào mùa cao điểm, chuẩn bị hàng bán vào dịp Tết của bà con trong tổ hợp tác sản xuất nấm. Tổ sản xuất này được hình thành từ đầu năm 2016, hiện có 10 hộ gia đình tham gia sản xuất các loại nấm linh chi, nấm mèo, nấm sò và nấm rơm. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Dray Sáp Y Phen Niê, tổ hợp tác được hình thành dựa trên tính chất tự nguyện, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Hoạt động của tổ hợp tác chủ yếu hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống như trao đổi kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chia sẻ thông tin và tiêu thụ sản phẩm... Đặc biệt, tùy vào thế mạnh của mỗi hộ gia đình để tạo ra một chuỗi từ cung ứng vật liệu, sản xuất và tiêu thụ, nên đã phát huy được nội lực của các thành viên tổ.
Cán bộ Hội Nông dân xã Dray Sáp theo dõi quá trình phát triển của cây nấm
tại một hộ thành viên tổ hợp tác.
Sau gần 1 năm triển khai, đến nay mô hình sản xuất nấm ở xã Dray Sáp đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên trong tổ. Chị Nguyễn Thị Mùi (thôn Ana) chia sẻ, bắt đầu tham gia tổ sản xuất chỉ với mục đích tạo thêm việc làm cho gia đình trong những lúc nông nhàn, nhưng trước hiệu quả mang lại khá khả quan, nên gia đình chị đang cố gắng mở rộng diện tích sản xuất. Với diện tích trồng thử ban đầu chỉ 20 m2, sau 24 ngày trồng, chăm sóc, gia đình chị Mùi đã thu được 70 kg nấm rơm. Với giá bán dao động trên dưới 60.000 đồng, gia đình chị Mùi đã có thu nhập thêm trên 4 triệu đồng. Đây là thu nhập thêm khá lớn trên một đơn vị diện tích nhỏ như vậy, nên gia đình chị Mùi và các thành viên trong tổ đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích gieo trồng, và hướng đến những loại nấm có giá trị kinh tế cao hơn như nấm linh chi. Anh Y Phen Niê cho biết, từ những mô hình nhỏ, đến nay diện tích trồng nấm đã lên đến cả nghìn mét vuông, nên để bảo đảm tổ hợp tác sản xuất nấm phát triển bền vững, Hội Nông dân xã đã cung cấp giống bảo đảm chất lượng và cử một cán bộ thường xuyên hướng dẫn bà con về khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, Hội cũng đã trích nguồn quỹ hoạt động của mình hỗ trợ tổ sản xuất 1 lò hấp trị giá 25 triệu đồng để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mô hình tổ sản xuất nấm ở xã Dray Sáp đi vào hoạt động và bước đầu có hiệu quả không chỉ phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn mà đã thực sự khuyến khích người dân tích cực lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Quốc Anh (baodaklak.vn)