Tận dụng các cơ hội để phát triển bền vững cây ca cao
Cập nhật lúc: 24/02/2016
Cập nhật lúc: 24/02/2016
So về giá cả thì hiện nay ca cao đang đứng thứ 2 (sau hồ tiêu) trong các loại cây công nghiệp vùng Tây Nguyên; thêm vào đó, sự kiện hạt ca cao Việt Nam được vào danh sách ca cao có hương vị tốt hàng đầu thế giới do Tổ chức Ca cao thế giới (ICO) công nhận đã tô thêm những gam màu sáng cho bức tranh ca cao Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để cây ca cao có chỗ đứng vững chắc và cạnh tranh được với những cây công nghiệp khác là câu hỏi nan giải.
Cơ hội lớn
Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có 11.229 ha ca cao, giảm khoảng 14.471 ha so với năm 2012, trong đó, 70% diện tích đang cho thu hoạch, diện tích trồng thuần chiếm khoảng 10%, trồng xen 90%. Mặc dù diện tích trồng liên tục giảm nhưng sản lượng ca cao trên cả nước lại tăng, từ 30 tấn hạt khô lên men (niên vụ 2005-2006) đến nay tăng lên 6.777 tấn năm 2015. Riêng ở Đắk Lắk, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha được trồng tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó diện tích cho thu hoạch 1.469 ha, năng suất hạt khô bình quân ước đạt 12,71 tạ/ha, sản lượng đạt 1.867 tấn hạt lên men. Chất lượng hạt ca cao lên men của Đắk Lắk được các công ty thu mua trong và ngoài nước đánh giá có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng vì có cỡ hạt lớn, trung bình 80-100 hạt/100 gam. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, trong thời gian qua, mặc dù diện tích có sụt giảm nhưng hiện nay ca cao đang có những tín hiệu rất tốt và có triển vọng. Đặc biệt, năm 2013, tại Paris, hạt ca cao Việt Nam đã đoạt Giải thưởng quốc tế “Ca cao xuất sắc” (The Cocoa Excellence) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mới đây, hạt ca cao Việt Nam lại được vào danh sách ca cao có hương vị tốt hàng đầu thế giới do Tổ chức Ca cao thế giới (ICO) công nhận. Hiện trên thế giới có 60 nước sản xuất ca cao nhưng để đạt được danh hiệu này không phải là nhiều; năm 2015 có 8 nước đề nghị nhưng chỉ có 5 nước được công nhận, trong đó có Việt Nam. Đây là một tín hiệu rất vui, như vậy chúng ta đã có điều kiện thuận lợi để tham gia vào các nước sản xuất ca cao hương vị chất lượng cao.
Phát triển ca cao quy mô nông hộ ở huyện Ea Kar
Ngoài ra, ca cao Việt Nam còn đứng trước cơ hội lớn nữa là nhu cầu về các sản phẩm ca cao trên toàn thế giới đang tăng cao; theo đó, giá ca cao đang tăng nhanh theo từng năm, trong vòng 10 năm qua, giá ca cao ổn định hơn cà phê, cao su, chỉ lên – xuống trong ngắn hạn, hiện giá thu mua hạt ca cao tại Việt Nam đang ở mức cao, giao động từ trên 60 – 75 nghìn đồng/kg, chỉ đứng sau giá của hồ tiêu. Thêm vào đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á xuất khẩu hạt ca cao lên men và có vị thế chiến lược để đáp ứng nhu cầu hạt ca cao lên men cho các nhà sản xuất socola… Hiện ca cao Việt Nam đã xuất khẩu hàng trăm tấn hạt ra thị trường thế giới, trong đó có thị trường khó tính như Nhật Bản. Đây là những tiền đề tốt cho việc phát triển cây ca cao trong tương lai.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù sản xuất ca cao ở Việt Nam trong 10 năm qua đã đạt được một số tiến bộ đáng khích lệ, xác định được vị thế của cây ca cao trong cơ cấu cây trồng; mạng lưới tiêu thụ, sơ chế rộng khắp, thuận lợi; thị trường trong và ngoài nước rộng mở… Tuy nhiên, diện tích mới đạt 33,34%, sản lượng đạt 26,38% kế hoạch, hiệu quả kinh tế chưa đáp ứng được kỳ vọng, tâm lý người trồng chưa an tâm. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, ở Đắk Lắk, cây ca cao có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, từ điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đến cây giống, kỹ thuật và chính sách quy hoạch nhưng do định hướng phát triển cây ca cao không phù hợp, quỹ đất để phát triển ca cao tập trung không còn nhiều, chủ yếu là trồng xen quy mô nông hộ; thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể, nhất là vấn đề vốn đầu tư cho phát triển ca cao… nên chưa thu hút được nông dân gắn bó với loại cây này. Việc ICO công nhận ca cao Việt Nam có hương vị tốt là cơ hội để phát triển ngành ca cao bền vững, điều quan trọng nhất bây giờ là làm sao để người nông dân giữ được vùng nguyên liệu, duy trì mô hình liên kết sản xuất thông qua các HTX, doanh nghiệp để hình thành được chuỗi giá trị…
Các chuyên gia trong ngành ca cao cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu cho ca cao vì hạt ca cao Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố để có được một thương hiệu tốt, bởi ngay từ khâu sản xuất, chất lượng hạt ca cao đã được chú trọng, chưa kể đến các yếu tố có lợi thế so sánh về khí hậu, đất đai... Đơn cử, từ năm 2011, Việt Nam đã triển khai chương trình chứng nhận toàn cầu UTZ Certified good inside cho cây ca cao tại 11 đơn vị, 1.801 hộ với diện tích 1.388 ha, sản xuất được 1.229 tấn hạt khô lên men được chứng nhận và được thu mua toàn bộ với giá thưởng 100 USD/tấn. Đến nay, cả nước đã có 2.209 ha, 3.044 hộ thuộc 14 đơn vị đã sản xuất được 2.208 tấn hạt ca cao được cấp chứng nhận UTZ. Trên thực tế, nông dân trồng ca cao cũng đã hình thành được cách thức sản xuất tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm ca cao đạt chất lượng tốt nhất để bán với giá cao nhất. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện hạt ca cao Việt Nam có 2 con đường phát triển, một là cung ứng cho thị trường trong nước, hai là xuất khẩu và nhu cầu của 2 thị trường này đều đang rất cao. Vì vậy chúng ta phải xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất, thương hiệu để nâng giá trị của sản phẩm. Hiện một số địa phương, doanh nghiệp rất quan tâm và có nhiều chính sách đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu theo mô hình xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ trồng ca cao đến thu mua, chế biến, phân phối ra thị trường. Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành khá đầy đủ các quy trình về phát triển ca cao bền vững, hiện đang nghiên cứu thêm các giống mới nhập, sâu bệnh lạ xâm nhập phá hoại cây ca cao… Vấn đề bây giờ là chúng ta phải có cách làm bài bản để “hút” nông dân tham gia, đồng thời có giải pháp truyền thông, thúc đẩy thông tin để mọi người tiếp cận với các tin tức về ca cao và để nông dân yên tâm đầu tư, chăm sóc phát triển.
Thuận Nguyễn