Sầu riêng giảm giá nhưng vẫn là Cây ăn quả có giá trị kinh tế cao
Cập nhật lúc: 09/09/2021
Cập nhật lúc: 09/09/2021
Đắk Lắk là một trong những địa phương có điều kiện về tự nhiên, khí hậu, đất đai phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây ăn quả, trong đó phần lớn là sầu riêng. Với diện tích ước tính hàng chục nghìn hecta, cùng chất lượng và năng suất cao, những năm qua, sản phẩm sầu riêng đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người sản xuất và đã có nhiều nông dân trở thành tỷ phú từ sản xuất sầu riêng tại Đắk Lắk. Vụ sầu riêng năm 2021, sản phẩm sầu riêng tại địa phương giá bán có giảm hơn (do dịch bệnh covid-19) so với những năm trước đây, nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập giá trị cao cho người sản xuất so với các loại cây trồng chủ lực khác. Hiện tại giá sầu riêng tăng nhanh, nhưng sản phẩm tại vườn hầu hết đã được tiểu thương chốt giá từ trước.
Những tháng qua, khi sầu riêng bắt đầu bước vào vụ thu hoạch ở Đắk Lắk, đã có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau về đầu ra của sản phẩm sầu riêng như, sầu riêng rớt giá; giá rẻ như cho; sầu riêng rớt giá kỷ lục; người trồng sầu riêng thấp thỏm; thậm chí trên một số trang facebook còn đưa những hình ảnh sầu riêng rụng đầy gốc không có người mua, nông dân phá sản… Đi tìm hiểu thực hư vấn đề này, thấy rằng một số nguồn thông tin trên chưa đầy đủ, chưa thật chính xác, đã vô tình gây hoang mang bất lợi cho người sản xuất, làm “điều kiện” để tiểu thương lợi dụng ép giá sản phẩm sầu riêng.
Được biết, Đắk Lắk nói chung, Buôn Ma Thuột nói riêng hiện có nhiều giống sầu riêng, theo đó có rất nhiều loại sản phẩm quả khác nhau trên thị trường hiện nay. Ngoài các loại giống sầu riêng chất lượng cao như Ri6, Chín Hóa, Monthong (Donatechno); Sầu riêng Cái Mơn, Sầu riêng khổ qua, Sầu riêng óc khỉ…thì vẫn còn giống sầu riêng địa phương phần lớn đã già cỗi đang trồng xen trong vườn cà phê. Riêng sản phẩm sầu riêng giống địa phương chất lượng thấp (cơm mỏng, trắng trong, nhão, hạt to) trồng rải rác, không được tiểu thương quan tâm đến, chỉ bán lẻ giá rất thấp cho người dân địa phương sử dụng. Đặc biệt trong thời gian giãn cách, địa phương không có người mua, thế là một số người nhằm vào loại sầu riêng này để qui chụp chung, gây hoang mang cho thị trường sầu riêng, làm cho người sản xuất sầu riêng chất lượng cao cũng lo lắng. Mặt khác, thời gian thu hoạch tập trung của sầu riêng Đắk Lắk là tháng 8, cũng là lúc dịch bệnh covid-19 đang hoành hành ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, nơi tiêu thụ sầu riêng nhiều nhất. Theo đó vấn đề vận chuyển sầu riêng đi các tỉnh phía nam cũng khó khăn hơn, nên giá sầu riêng có giảm so với năm 2020, và giảm nhiều so với những năm sầu riêng lên ngôi. Tuy nhiên, nếu làm một phép tính đơn giản thì với giá bán sản phẩm sầu riêng dù có giảm như thời gian qua, vẫn là cây triệu phú.
Ảnh: Sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê tại TP.Buôn Ma Thuột
Minh chứng cho thấy, một hecta sầu riêng giống Dona kinh doanh ổn định, đầu tư tốt, trồng xen trong vườn cà phê, trước kia trồng ít nhất phải 80 cây (Qui trình trồng xen cây ăn quả của Bộ NN-PTNT đưa ra là 69 cây/ha, nhưng mới ban hành cuối năm 2018), mỗi cây cho bình quân 90 quả (cây tốt lên đến 150 quả), mỗi quả bình quân 3 kg (trái to nhất lên đến 5-6 ký), với giá bán bình quân là 28.000 đồng/kg (tính giá thấp), thì đã cho thu nhập được 604 triệu đồng/ha, trừ đầu tư 30% thì hiệu quả kinh tế vẫn còn rất cao. Nếu trồng giống Ri6 (80 cây/ha * 90 quả/cây * 2,7 kg/quả * 26.000 đồng/ký) cũng thu được 505 triệu đồng/ha, trừ chi phí từ 30%, hiệu quả kinh tế cũng rất cao. Ở đây giả thuyết giá sầu riêng xuống thấp, nhưng thực tế nhiều người sản xuất đã bán với giá sản phẩm sầu riêng cao hơn, thì hiệu quả kinh tế còn cao hơn nhiều.
Theo anh Lê Quang Hy, Giám đốc HTX DVNN Thuận Thành Đạt Lý tại xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, đầu vụ, một số hộ đã được tiểu thương đặt cọc thu mua tại vườn giá sầu riêng Dona lên đến 42.000 – 43.000 đồng/ký, so với giá sầu riêng năm 2020 giảm không đáng kể. Tuy nhiên đến trung tuần tháng 8, do giãn cách xã hội ở các tỉnh phía nam gắt gao hơn, địa phương cũng thực hiện Chỉ thị 16, cùng lúc sầu riêng già, chín tập trung nên giá giảm xuống 26.000 – 28.000 đồng/ký. Đến những ngày đầu tháng 9 này, giá bắt đầu có tăng lại, sản lượng sầu riêng của HTX còn lại chừng 30% trên cây, chủ yếu là sầu riêng Dona đã được tiểu thương đặt mua hầu hết với giá 30.000 đồng/kg. Còn loại sầu riêng Ri6 phần lớn đã thu hoạch xong đã bán với nhiều giá khác nhau, bỡi sầu riêng Ri6 chín trước sầu riêng Dona chừng 10 - 15 ngày. Hộ chị Liên, cũng là thành viên HTX DVNN Thuận Thành cho biết, gia đình chị được 2,5 ha sầu riêng xen cà phê, hiện nay hơn 6 sào sầu riêng giống Dona đã vào thời kỳ kinh doanh, gia đình chị thu hoạch chừng 15 tấn, với giá bán 30.000 đồng/kg, tổng thu ước 450 triệu đồng, trừ chi phí, thu nhập của gia đình cũng khá hơn rất nhiều so với một số loại cây trồng khác trên cùng diện tích. Riêng hộ anh Hồ Thành, thôn 6 xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, sầu riêng của anh vào thời kỳ thu hoạch rộ, đúng lúc địa phương thực hiện giãn cách xã hội, buộc lòng phải bán giá 28.000 đồng/kg. Với một ha sầu riêng, gia đình anh thu được hơn 18 tấn, trừ chi phí, lãi còn hơn 300 triệu đồng, nhưng anh vẫn tiếc nuối bỡi hiện tại giá sầu riêng trên thị trường đang tăng dần lên hơn 30.000/ký.
Theo chị Hòa Thị Lệ Hồng, giám sát quản lý bán hàng của Công ty TNHH phân phối tiên tiến khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông, cũng là thành viên “Nhóm bạn từ tâm, tiêu thụ nông sản, đổi vật tư y tế hỗ trợ chống dịch covid-19 Đắk Lắk” ( do nhà báo Hoàng Thiên Nga làm trưởng nhóm) cho biết, hiện nay sầu riêng ở Đắk Lắk tăng giá từng ngày. Giá sản phẩm sầu riêng cắt xuống tại vườn, Ri6 đã 35.000 đông/ký loại 1, Dona Thái giá từ 38.000 – 40.000 đồng/ký, có thể sẽ tăng trong thời gian tới, bỡi hiện tại sầu riêng đã gần cuối vụ, sản lượng còn rất ít.
Như vậy, đến hôm nay, sắp kết thúc vụ sầu riêng này, có thể khẳng định sầu riêng chất lượng như Dona hoặc Ri6, … vẫn là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao của Đắk Lắk, qua đó đã giải tỏa phần nào những lo lắng về dịch Covid-19 làm ảnh hưởng khó tiêu thụ sản phẩm sầu riêng địa phương.
Xác định sầu riêng là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của địa phương, nhằm tạo đầu ra ổn định bền vững trong thời gian tới, năm 2020 UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ nông dân, liên kết với Công ty TNHH tăng trưởng xanh toàn cầu và Tổ chức VSCB Đắk Lắk xây dựng chứng nhận VietGAP cho 74 ha sầu riêng của 70 xã viên tại xã Hòa Thuận thành phố Buôn Ma Thuột. Dự kiến cuối năm 2021, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân liên kết với các đơn vị liên quan xây dựng chứng nhận VietGAP cho hơn 84 ha sầu riêng, bơ của 2 đơn vị là xã Hòa Thắng và Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. |
Cẩm Lai - Trạm KN.BMT