Quản lý heo đực giống trên địa bàn tỉnh: Còn nhiều khó khăn
Cập nhật lúc: 17/01/2017
Cập nhật lúc: 17/01/2017
Công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi nói chung và heo đực giống nói riêng đang là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ...
bởi một khi giải quyết được vấn đề này thì không những hạn chế được dịch bệnh tốt hơn mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi heo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Kết quả bước đầu
Theo Sở NN-PTNT, công tác quản lý giống nói chung và quản lý heo đực giống nói riêng đã được đưa vào hệ thống văn bản pháp luật về công tác quản lý như: Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004, Quyết định số 07/2005/QĐ-BNN của Bộ NN- PTNT ban hành quy định về quản lý và sử dụng heo đực giống…, nhưng đến nay đa phần các hộ chăn nuôi trên địa bàn Đắk Lắk vẫn chưa thực sự quan tâm và hiểu biết đến công tác giống. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ; phổ cập thông tin tuyên truyền chưa sâu rộng…
Một trang trại nuôi heo thịt ở TP. Buôn Ma Thuột.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế về quản lý giống vật nuôi và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 2360/QĐ-UBND, ngày 1-9-2015 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quản lý lợn đực giống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm thống kê, phân loại heo đực giống sản xuất tại các địa phương; tăng cường quản lý nhà nước về công tác giống và nâng cao trách nhiệm của người chăn nuôi. Sau hơn một năm triển khai, kết quả cho thấy, toàn tỉnh có gần 1.000 con heo đực giống (gồm 352 con khai thác tinh phối nhân tạo, 647 con phối trực tiếp), trong đó có 316 lợn đực giống được cấp thẻ tai (đạt tiêu chuẩn con giống). Điều đó cho thấy, đàn heo đực giống trên địa bàn tỉnh có số lượng khá lớn; chăn nuôi heo ở các địa phương rất được chú trọng. Tuy nhiên, số heo đực giống được nuôi để khai thác phối tinh nhân tạo còn rất thấp, chủ yếu là phối trực tiếp nên việc khai thác tinh mang lại hiệu quả không cao, lại dễ gây bệnh dịch chéo. Đơn cử, tại huyện M’Đrắk có 40 con heo đực giống nhưng chỉ có 3 con khai thác phối tinh nhân tạo, còn lại phối trực tiếp. Sau khi được kiểm tra và hướng dẫn, các hộ đều mong muốn được tập huấn thêm về kỹ thuật để khai thác con giống tốt hơn. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, công tác quản lý heo đực giống trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hướng người chăn nuôi thực hiện theo các quy định của Nhà nước, chú trọng hơn đến các yêu cầu kỹ thuật trong chăn nuôi heo đực giống, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý.
Cần một lộ trình
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng bước khởi động này cũng gặp khá nhiều khó khăn, trước hết là nguồn nhân lực, vật lực còn rất hạn chế. Các tổ kỹ thuật, công tác cấp tỉnh tuy đã được tập huấn công tác bình tuyển, kiểm tra, đánh giá chất lượng tinh khai thác nhân tạo, nhưng điều kiện về vật chất, cơ sở thực hành không đáp ứng, thời gian tập huấn còn quá ít, chủ yếu chỉ về lý thuyết mà chưa đi sâu vào thực hành nên khi kiểm tra, đánh giá thực tế còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, hầu hết các hộ chăn nuôi heo đực giống mua giống có nguồn gốc không rõ ràng, tự lai tạo, nhờ mua hộ… nên rất khó khăn cho việc xác định giống (thuần, lai 2 máu, 3 máu, lai tạp…). Do đó, bước đầu việc phân loại giống, ký hiệu giống trên thẻ tai tạm thời chỉ theo những đặc điểm thể hiện ra bên ngoài của từng cá thể heo đực giống. Chưa kể, vẫn còn một số ít hộ chăn nuôi heo đực giống chưa hiểu hết ý nghĩa của chương trình này hoặc không hiểu về yêu cầu của quản lý Nhà nước đối với giống vật nuôi nói chung và heo đực giống nói riêng nên không có tinh thần hợp tác với cán bộ triển khai đánh giá, phân loại heo đực giống. Bên cạnh đó, kinh phí để triển khai công tác quản lý heo đực giống chưa được cấp kịp thời. (Năm 2016 UBND tỉnh phê duyệt 430 triệu đồng nhưng chỉ bố trí được 243 triệu đồng)… Tổng hợp các yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả triển khai kế hoạch của tỉnh.
Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.
|
Theo Sở NN-PTNT, để khắc phục những khó khăn trên, năm 2017 sẽ xây dựng một lộ trình quản lý phù hợp trên cơ sở kết quả của năm 2016, trong đó đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ và người chăn nuôi. Hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch theo dõi, kiểm tra đàn heo đực giống theo định kỳ, trong đó có sự tham gia của cán bộ chuyên môn thuộc Trạm Chăn nuôi và Thú y; hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi heo đực giống mua thay thế giống không bảo đảm chất lượng phải loại thải; công khai danh sách cá thể heo đực giống đạt tiêu chuẩn chất lượng giống…Minh Thuận (báo daklak điện tử)