Phát triển cây ăn quả bền vững, cần những giải pháp thiết thực
Cập nhật lúc: 09/04/2019
Cập nhật lúc: 09/04/2019
Việc phát triển cây ăn quả thời gian qua đã đem lại đời sống kinh tế ổn định cho những người sản xuất cà phê tại Đăk Lăk nói chung và Buôn ma Thuột nói riêng, mặc dù cây ăn quả phần lớn được trồng xen trong vườn cà phê hoặc trồng trên đất đã nhổ bỏ cà phê (do hiệu quả kinh tế trong sản xuất cà phê không đáng kể).
Trong những năm gần đây, diện tích cây ăn quả tăng quá nhanh. Tại Đăk Lăk, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước chừng hơn 15 nghìn héc ta (cuối năm 2017 là 14.866 ha qui đông đặc-NGTK), chỉ qua ba năm đã tăng hơn 6.300 ha (từ 2014- 2017), trong khi đó từ 2011 đến 2014 chỉ tăng 1.176 ha.
Hiệu quả kinh tế và xu hướng gia tăng diện tích cây ăn quả là hiển nhiên
Buôn Ma Thuột là đơn vị có diện tích cây ăn quả đứng thứ ba của Tỉnh, sau Krông Năng (2.243 ha) và Ea Kar (1.531 ha), sau ba năm (từ 2014-2017) diện tích cây ăn quả Buôn Ma Thuột tăng 571 ha (cuối năm 2017 diện tích là 1.214 ha). Theo kết quả khảo sát sơ bộ thực tế năm 2018 cho thấy, các loại cây ăn quả trồng xen trong vườn cà phê (mật độ 120 cây/ha) cho thu nhập bình quân từ 350 triệu trở lên/năm (cá biệt có vườn cà phê xen sầu riêng thu nhập hơn một tỷ đồng/ha/năm), cao hơn rất nhiều lần so với sản xuất cà phê. Như vậy, việc phát triển nhân rộng diện tích cây ăn quả đã và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian tới trên địa bàn Buôn Ma Thuột nói riêng và Đăk Lăk nói chung là hiển nhiên.
|
|
Vườn bơ của anh Trịnh Mười tại xã Hòa Thắng | Vườn sầu riêng xen cà phê |
Rủi ro khó lường với xu hướng phát triển ồ ạt cây ăn quả
Hiện nay, đi một vòng qua những vùng có diện tích cây công nghiệp tập trung của Đăk Lăk, ngoài diện tích cà phê trồng xen cây ăn quả mang lại hiệu quả thiết thực, cũng có không ít diện tích bị thất thu khi nông dân trồng cây ăn quả không tuân thủ qui trình kỹ thuật trong thời gian qua. Không khó để nhận thấy nhiều vườn cây ăn quả được trồng xen trong cà phê với mật độ rất dày, vừa xen sầu riêng, vừa xen bơ, hồ tiêu và kể cả cây có múi…. không còn chỗ để ánh nắng lọt vào (có vườn hơn 3000 cây các loại/ha), gây khó khăn cho việc chăm sóc, bón phân, tưới nước… (vì mỗi loại cây trồng mang đặc điểm sinh học khác nhau, đòi hỏi qui trình chăm sóc khác nhau). Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất phân tán, manh mún còn phổ biến, số lượng vườn cây có năng suất, chất lượng kém còn chiếm tỷ lệ cao do phát triển theo phong trào, rất khó khăn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm (công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước và một số công nghệ khác), sâu bệnh phát sinh gây hại, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Hệ lụy hơn, khi tự ý phát triển ồ ạt một số loại cây ăn quả lâu năm không theo kế hoạch, thiếu sự liên kết chuỗi giá trị sẽ tiềm ẩn nguy cơ cung vượt cầu, phát triển thiếu tính bền vững. Điều quan trọng hơn nữa với tư tưởng trồng xen để phá bỏ dần cà phê sẽ ảnh hưởng rất lớn đến qui hoạch về diện tích cây trồng đã định hướng của địa phương. Một thực trạng cho thấy là phần lớn diện tích cây ăn quả chưa được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP) ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu. Xuất khẩu quả tươi là chủ yếu, hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, chưa nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về cung-cầu ngành trái cây. Hiện nay doanh nghiệp lớn chưa tham gia vào quá trình đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất để khuyến khích nông dân hình thành các sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng và bao tiêu sản phẩm (liên kết chuỗi giá trị), thiếu công nghệ và nhà máy chế biến sâu kể cả công nghệ bảo quản và xử lý sau thu hoạch…
|
|
Thu hoạch thanh long |
Vườn bưởi 02 năm tuổi |
Giải pháp đối với phát triển bền vững cây ăn quả
Đăk Lăk cần có định hướng phát triển một số loại cây ăn quả tập trung thành vùng nguyên liệu (đặc biệt là sầu riêng, bơ, chanh dây, cây có múi…phù hợp điều kiện sinh thái địa phương) đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và khả năng cạnh tranh. Theo đó cần triển khai triệt để chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 cuả Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong việc hình thành các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty CP nông nghiệp, HTX hay THT trong sản xuất nông nghiệp… để các đơn vị này với sự hỗ trợ của chính sách (tín dụng và thuế) sẽ giữ vai trò đầu tàu trong việc hình thành các liên minh, liên kết trong sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông dân, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng thị trường, thay cho các hộ nông dân sản xuất manh mún nhỏ lẻ không làm được. Quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở chế biến và chế biến sâu sản phẩm từ trái cây tại các vùng nguyên liệu tập trung để gia tăng giá trị sản phẩm và góp phần ổn định đầu ra của sản phẩm trái cây. Các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, ngoài hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật còn cập nhật, tuyên truyền phổ biến các qui định về chính sách hỗ trợ cũng như quy trình mới của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn liên quan đến phát triển sản xuất cây ăn quả (Quyết định số 3702/QĐ-BNN-TT, ngày 24/9/2018 về Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây sầu riêng và cây bơ trong vườn cà phê vối”. Kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái cộng đồng, quảng bá thương hiệu để mở rộng liên kết chuỗi giá trị trong phát triển ngành trái cây đặc trưng của Đăk Lăk, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Cẩm Lai - Trạm BMT