Nâng cao chất lượng cà phê bằng công nghệ chế biến ướt
Cập nhật lúc: 16/01/2017
Cập nhật lúc: 16/01/2017
Theo quy trình chế biến cà phê ướt, cà phê sau khi thu hoạch được đổ vào bể rửa; quả khô, quả lép, lá… nổi lên thì bỏ đi, còn cà phê chìm phía dưới được vớt ra và cho vào máy xay bóc vỏ sau đó lên men, rửa sạch nhớt rồi đem phơi hoặc cho vào máy sấy khô.
Với phương pháp này, cà phê tươi thu hái phải có tỷ lệ quả chín từ 85 - 90% trở lên, chế biến trong vòng 48 giờ sau khi hái; đồng thời, trong quá trình xay, hệ thống sẽ tách quả chín ra một bên, còn lại quả xanh, tạp chất sẽ được loại ra. Do đó, cà phê nhân sau khi chế biến không bị mốc, chất lượng cao hơn so với sản phẩm chế biến bằng phương pháp khác.
Công nhân Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk rửa cà phê trước khi đưa vào chế biến theo công nghệ ướt.
Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pốk có 550 ha cà phê, trong đó, 408 ha đang thời kỳ kinh doanh, toàn bộ sản phẩm được chế biến dây chuyền công nghệ ướt, công suất 5.000 tấn quả tươi/năm. Theo ông Trần Cư, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, mặc dù chế biến ướt đòi hỏi chi phí nhân công, xử lý nước thải cao hơn so với chế biến khô, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn do sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của đối tác quốc tế. Niên vụ 2016 – 2017, đơn vị dự kiến xuất khẩu 1.500 tấn cà phê chất lượng cao chế biến ướt sang thị trường Nhật Bản. Tương tự, HTX dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar) cũng sử dụng dây chuyền chế biến cà phê công nghệ ướt, công suất 5 tấn quả tươi/giờ. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, bình thường cà phê phải phơi khoảng 10 ngày, nhưng với công nghệ chế biến ướt thì công đoạn này chỉ mất khoảng 3 ngày và sân phơi không cần diện tích rộng. Vụ thu hoạch niên vụ 2016 – 2017 vừa qua, mưa trái mùa nhiều khiến việc phơi sấy cà phê khó khăn, việc ứng dụng phương pháp chế biến ướt rất hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị. Hiện khả năng chế biến ướt của HTX mới chỉ đáp ứng được 30 – 40% tổng sản lượng, thời gian tới, HTX sẽ đầu tư nâng công suất hệ thống chế biến ướt. Với chất lượng tốt, toàn bộ sản phẩm của đơn vị được Công ty TNHH Đắk Man Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá trị tăng thêm 6.000/kg.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 112 doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê nhân, trong đó, mới có 25 đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ướt, năng lực chế biến mới chỉ chiếm khoảng 20%, tổng sản lượng khoảng 450.000 – 500.000 tấn/năm. Việc sản xuất cà phê theo công nghệ chế biến ướt chỉ tập trung ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quy mô và năng lực tài chính lớn, còn các nông hộ chủ yếu là sử dụng phương pháp chế biến khô, khiến chất lượng cà phê bị giảm trong giai đoạn bảo quản, chế biến.
Nông dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc chế biến cà phê theo công nghệ ướt bằng máy công suất nhỏ.
Để phục vụ nhu cầu chế biến cà phê công nghệ ướt, nhiều doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh đã chế tạo, lắp ráp dây chuyền chế biến công suất lớn. Bên cạnh đó, một số loại máy móc, thiết bị chế biến ướt cụm hộ nông hộ cũng liên tục xuất hiện như hệ thống chế biến cà phê ướt, thiết bị xay xát cà phê quả tươi, thiết bị sấy trống quay, sấy tháp, thiết bị rửa, tách quả nổi cà phê tươi. Chi phí của các loại sản phẩm này khoảng 300 – 400 triệu đồng/máy. Do đó, nhiều nhóm nông dân đã liên kết để đầu tư hệ thống chế biến ướt nhằm nâng cao chất lượng cà phê, giảm chi phí nhân công và bảo vệ môi trường trong chế biến cà phê. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, đối với cà phê chế biến ướt, người dân nên phơi bằng sân xi măng và trải thêm lớp lưới, không phơi trên sân đất vì sẽ làm mất mùi vị tự nhiên của sản phẩm, trường hợp phải dùng sân đất thì trải thêm ni lông, bạt và lưới để bảo đảm chất lượng cà phê nhân. (Baodaklak.vn)
Để nâng cao hiệu quả chế biến ướt, các doanh nghiệp, người dân đã sử dụng chế phẩm enzyme để ủ cà phê nhằm tối ưu hóa công đoạn tẩy nhớt cà phê. Cụ thể, enzyme giúp rút ngắn thời gian phân hủy nhớt, giảm được lượng nước, chi phí điện, nhân công và không ảnh hưởng đến chất lượng hạt. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nếu ủ tẩy nhớt 1 tấn cà phê nhân ướt trong ngày thì cần sử dụng 120 – 150 gam enzyme; còn ủ qua đêm, chỉ cần 50- 60 gam chế phẩm này cho cùng khối lượng. |