MỘT SỐ GIẢI PHÁP TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO SẢN XUẤT CÂY TRỒNG VỤ ĐÔNG XUÂN 2021 - 2022 VÙNG DHNTB VÀ TÂY NGUYÊN
Cập nhật lúc: 01/03/2022
Cập nhật lúc: 01/03/2022
Thực hiện chỉ đạo theo kết luận của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh tại Hội nghị trực tuyến “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2021; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tại các tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên” ngày 25/10/2021.
Thực hiện chỉ đạo theo kết luận của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh tại Hội nghị trực tuyến “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2021; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tại các tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên” ngày 25/10/2021. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2021 còn diễn biến phức tạp, cần phải chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão, lũ... ảnh hưởng đến sản xuất. Để chăm sóc cây trồng vụ Mùa 2021 đạt kết quả tốt và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022; Ngày 01/11/2021 Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT có công văn số 1113/TT-VPPN về một số giải pháp tập trung chỉ đạo Sản xuất cây trồng vụ đông xuân 2021- 2022 vùng DHNTB và Tây nguyên theo đó đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quan tâm một số giải pháp trong chỉ đạo sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2021 - 2022 để đạt được kết quả tốt như sau: 1. Cây lúa a) Rà soát lại diện tích gieo trồng - Căn cứ vào tình hình khí tượng thuỷ văn, tình hình nguồn nước có trong các hồ đập chứa, xây dựng kế hoạch sản xuất cho các cây trồng vụ Đông Xuân 2021 - 2022 cụ thể cho từng vùng, từng cánh đồng cụ thể. - Xây dựng kế hoạch chuuyển đổi cây trồng ở vùng trồng lúa có khả năng thiếu nước vào cuối vụ sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nước tưới. b) Thời vụ gieo trồng Thời vụ xuống giống lúa căn cứ vào bản đồ rủi ro khí hậu và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa, cần theo dõi sát sao tình hình thời tiết và căn cứ điều kiện cụ thể của từng vùng, khai thác hợp lý nguồn nước tưới tiêu để xác định lịch thời vụ phù hợp; chỉ đạo xuống giống tập trung, đồng loạt, lưu ý khả năng gặp mưa thời kỳ xuống giống để chủ động tiêu thoát nước, tránh phải gieo lại nhiều lần. Khung thời vụ chung cho sản xuất lúa, các tỉnh xây dựng cụ thể lịch thời vụ từng vùng, tiểu vùng để chỉ đạo như sau: - Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ: + Vùng chủ động nguồn nước: xuống giống đại trà từ ngày 10 - 31/12/2021 (kết thúc xuống giống trước ngày 10/01/2022). Chân đất 3 vụ lúa: tỉnh Bình Định xuống giống từ ngày 25/11/2021 đến ngày 05/12/2021; các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận xuống giống từ 15/11/2021, kết thúc trong tháng 12/2021. + Vùng không chủ động nguồn nước: xuống giống sớm hơn đại trà chính vụ (xuống giống trước ngày 10/12/2021). + Vùng trũng, ngập úng: tính toán cụ thể thời vụ xuống giống từng vùng, từng cánh đồng, nước rút hết mới gieo sạ, tránh gieo sạ nhiều lần do ngập úng, xuống giống trước ngày 10/01/2022. Vùng nước rút quá chậm sau ngày 10/01/2022 có thể gieo mạ để cấy, tranh thủ thời gian và rút ngắn thời gian sinh trưởng, lúa trỗ bông sớm. - Các tỉnh Tây Nguyên: + Vùng chủ động nguồn nước tưới: xuống giống từ ngày 10 - 31/12/2021. + Vùng có nguy cơ thiếu nước cuối vụ: cân đối diện tích phù hợp với lượng nước trong hồ đập và khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà (xuống giống trước 10/12/2021). + Diện tích lúa sản xuất 3 vụ tại Lâm Đồng: xuống giống từ ngày 15/11/2021 đến ngày 10/12/2021. c) Cơ cấu giống - Sử dụng giống xác nhận, ưu tiên giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Tỷ lệ giống lúa chất lượng cao 60 - 65% diện tích. - Vùng có nguy cơ thiếu nước cuối vụ và vùng ngập úng đầu vụ: sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cực ngắn ngày từ 90 ngày trở lại. - Vùng chủ động nước tưới: sử dụng giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và có thời gian sinh trưởng từ 90 đến 95 ngày. - Cơ cấu giống lúa khuyến cáo: + Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ: Giống chủ lực: HT1, OM4900, Thiên ưu 8, KDđb, DV108, TBR36, ML48, ML49, ML202, ML214, VD20, Đài thơm 8, TH3-3, Nhị ưu 838. Giống bổ sung: RVT, An Sinh 1399, AN1, BĐR57, BĐR999, BC15, TBR225, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, Hương Xuân, Hương Châu 6, DT 45, KD28, PC6, ML49, OM6162, OM6976, OM7347, MT10, PY2. + Các tỉnh Tây Nguyên: Giống chủ lực: HT1, VND95-20, ML48, OM4900, OM6162, OM5451, IR64, Đài Thơm 8, TH3-3, Nhị ưu 838, Giống bổ sung: RVT, ML49, ĐV108, DT45, OM 6976, Hương Châu 6, Ngoài các giống lúa theo khuyến cáo, tùy theo tình hình thực tế của địa phương có thể bổ sung thêm trong cơ cấu giống theo quy định hiện hành một số giống lúa có triển vọng, phù hợp và cho hiệu quả cao trong sản xuất. d) Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật - Áp dụng kỹ thuật“1 phải, 5 giảm”; canh tác lúa tiên tiến SRI; tăng sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng các dạng phân ure chậm tan chống thất thoát đạm. - Giảm lượng giống lúa gieo sạ hợp lý: lúa thuần gieo 80 - 100 kg/ha, lúa lai gieo 40 - 50 kg/ha. - Sử dụng hạt giống cấp xác nhận, - Giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, áp dụng tưới theo phương pháp “nông-lộ-phơi” và theo Sổ tay hướng dẫn tưới tiết kiệm nước của Tổng Cục Thủy lợi ban hành. - Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá trong các khâu của sản xuất, đặc biệt sử dụng máy cấy, máy gieo hạt để giảm lượng giống gieo. 2. Cây rau màu - Tăng cường biện pháp luân canh, thúc đẩy đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả sản xuất. - Cơ cấu giống: linh hoạt phù hợp với điều kiện đất đai, nhu cầu thị trường, đầu tư thâm canh theo quy trình, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. - Dự tính, dự báo và có giải pháp phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại, đặc biệt quản lý tốt bệnh khảm lá sắn thông qua quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh; theo dõi và phòng trừ sâu keo mùa thu kịp thời trên cây ngô. 3. Cây công nghiệp và cây ăn quả - Thống kê sản lượng thu hoạch hàng tháng, hàng quý để có phương án thu hoạch và tiêu thụ tốt trong tình hình dịch bệnh Covid - 19. - Rà soát, đánh giá chương trình tái canh cà phê, rút kinh nghiệm, xây dựng và triển khai kế hoạch tái canh cho các năm tiếp theo đạt hiệu quả tốt hơn. - Rà soát, đánh giá hiện trạng cây ăn quả, đặc biệt cây ăn quả trồng xen trong vườn cà phê tại Tây Nguyên, lưu ý mật độ trồng xen và kỹ thuật canh tác phải đúng quy trình, để đảm bảo năng suất, chất lượng các cây trồng; có định hướng, giải pháp phát triển phù hợp, tránh sản xuất cung vượt cầu. - Tăng cường đầu tư chăm sóc bón phân hữu cơ, phân vô cơ tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, sản xuất có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, Hữu cơ, ...trên các đối tượng cây công nghiệp, cây ăn quả 4. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa - Vùng khả năng bị hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới chuyển đổi sang cây trồng sử dụng ít nước hơn, có thị trường tiêu thụ như ngô, sắn, lạc, vừng, ... - Vùng có nước tưới khi chuyển đổi sang cây màu có hiệu quả kinh tế cao như lạc, vừng, ngô lai, rau đậu các loại,... cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, tập trung đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. - Trên đất lúa chuyển đổi cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước tưới, cơ giới hoá. 5. Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước - Nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố các bờ đập bơm tát, tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình. - Tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. - Quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi. - Chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn, phòng chống lũ, trong đó cần lưu ý việc bố trí kinh phí và giống dự phòng khi có thiên tai. - Thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp nước và sản xuất phù hợp với thực tế. |
Nguồn tin: CỤC TRỒNG TRỌT |