Mô hình trồng Ổi lê Đài Loan theo hướng hữu cơ bước đầu hiệu quả
Cập nhật lúc: 29/11/2019
Cập nhật lúc: 29/11/2019
Nhìn vườn Ổi lê giống Đài Loan, cây cao vượt quá đầu người, tán lá xanh xum xuê, đan xen những quả ổi to sáng, bóng mượt được bao bọc trong những túi xốp trắng, ít ai nghĩ rằng vườn ổi này mới hơn một năm tuổi. Đó là mô hình Ổi đầu tiên được sản xuất theo hướng hữu cơ của anh Võ Duy Tân, thôn 9, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột.
Anh Tân cho biết, với 200 cây Ổi lê trồng xen với 200 cây bưởi da xanh (cây trồng chính) trên diện tích gần 5000m2 từ tháng 6/2018, năm nay anh đã thu được 01 tấn quả vừa đẹp mẫu mã vừa đậm đà chất lượng. Điều đáng quan tâm là mặc dù anh Tân đã biết sản xuất theo hướng hữu cơ là hết sức khó khăn, vì hầu hết diện tích các loại cây trồng của địa phương đang sản xuất dựa vào hóa học, dịch hại có thể phát sinh bất cứ lúc nào khi mà hệ sinh thái nông nghiệp xung quanh mất cân bằng, nhưng anh vẫn đeo đuổi, tìm tòi, học hỏi với suy nghĩ đơn giản là hạn chế được hóa học trên cây trồng thì trước hết là bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình rồi đến cộng đồng. Nhưng rồi bước đầu anh đã gặt hái thành công, cây Ổi đã cho quả như mong đợi, chất lượng của quả Ổi đã được người tiêu dùng biết đến và đặt mua trước tại vườn nên hiện tại không đủ sản lượng để phân phối cho khách hàng. Theo anh Tân, với 2,5 ha diện tích còn lại đang trồng các loại cây như bưởi da xanh, dừa xiêm, vải thiều, quýt đường, xoài….từ năm 2018 (được chuyển đổi từ diện tích cà phê bị già cỗi, sâu bệnh) anh sẽ tiếp tục sản xuất theo hướng an toàn chất lượng. Trong đó vườn Ổi lê Đài Loan này là diện tích vừa trồng thử nghiệm hướng hữu cơ để làm cơ sở nhân rộng, vừa thực hiện mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài” trong khi các loại cây trồng khác chưa cho thu hoạch.
Anh Võ Duy Tân tại vườn ổi của mình
Anh Tân cho biết, để được vườn ổi như ngày hôm nay, anh đã không ngại khó nhọc, lặn lội đến tận tỉnh Bến Tre để tìm giống Ổi lê Đài Loan, học hỏi cách trồng và chăm sóc ở nhiều vườn cây ăn quả của các tỉnh miền Tây. Anh áp dụng từ khâu trồng đến tưới tiêu, phân bón, tạo hình, bao quả và quản lý sâu bệnh…. theo hướng hữu cơ từ thực tế và tài liệu mà anh đã biết đến.
Về phân bón cho cây ổi, anh Tân sử dụng đậu nành ủ với chế phẩm EM thứ cấp để bón, nhằm cung cấp lượng đạm hữu cơ, giúp đất tơi xốp, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển mạnh, lá xanh dày bóng mượt, cho năng suất cao. Ngoài ra anh còn tận dụng nguồn phân hữu cơ được ủ từ cây lục bình, còn gọi là bèo tây (thu gom ở hai bên bờ sông Serepok) với chế phẩm men vi sinh Trichoderma để bón thúc cho cây Ổi. Loại phân này không những tốt cho cây mà còn dễ làm, thay cho phần lớn phân hóa học, giảm chi phí sản xuất. Về quản lý sâu hại cho cây Ổi, anh Tân đã sử dụng các sản phẩm thảo mộc, như băm nhỏ ớt, tỏi, gừng theo tỷ lệ cho phép, sau đó thêm rượu vào hỗn hợp và để ngâm một thời gian rồi phun cho cây. Các loại dung dịch thảo mộc này chứa hàm lượng axit lớn, tiêu diệt các loại côn trùng chích hút gây hại cho cây và quả ổi. Loại thuốc trừ sâu thảo mộc này có thể để tới vài tháng và sử dụng dần, khi phun không ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sản phẩm và không ô nhiễm môi trường.
Thời kỳ cây ra quả được 15 – 20 ngày thì anh Tân tiến hành bao quả bằng loại túi xốp chuyên dụng để hạn chế tối đa côn trùng gây hại trên quả, quả không bị bám bụi bẩn nên vệ sinh an toàn thực phẩm, không làm cho vỏ bị trầy xước khi thu hoạch, tạo mẫu mã quả sáng bóng, mượt mà và lớn nhanh, tăng năng suất. Đặc biệt sản phẩm Ổi lê Đài Loan được sản xuất theo hướng hữu cơ tại vườn của anh Tân ít ruột, thịt dày, giòn rất đậm đà vị ngọt mà các vườn ổi sản xuất treo truyền thông không thể sánh bằng.
Sự thành công bước đầu của Mô hình sản xuất Ổi lê Đài Loan theo hướng hữu cơ của anh Võ Duy Tân là mô hình cơ sở để các đơn vị quản lý, chuyên môn tại địa phương quan tâm, chú trọng hỗ trợ phát triển đúng hướng theo chủ trương của nhà nước hiện nay về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, để tiếp tục nhân rộng trong nông dân, dần đi đến xây dựng thương hiệu, liên kết tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm hữu cơ trong tương lai tại Buôn Ma Thuột nói riêng và Đăk Lăk nói chung.