Mô hình sản xuất cà phê bền vững theo chứng nhận (4C, UTZ, Rainforest Alliance…) hiệu quả nhưng chưa phát triển nhân rộng
Cập nhật lúc: 06/01/2020
Cập nhật lúc: 06/01/2020
Phát triển cà phê bền vững là sự phát triển trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng tổn hại đến các thế hệ tương lai.
Từ năm 2011 đến nay thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai, duy trì “Chương trình phát triển cà phê bền vững” bằng hình thức liên kết chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest Alliance… giữa các THT nông dân và các công ty (Công ty Nestle Việt Nam, Công ty TNHH MTV 2/9 Đăk Lăk, Công ty Đăk Man VN, …) . Hiện nay, tổng diện tích cà phê được chứng nhận là 3.116,3 ha/11.558, đạt 27% tổng diện tích), năng suất bình quân của cà phê liên kết cao hơn năng suất bình quân của cà phê không liên kết là 0,6 tấn/ha. (NS cà phê liên kết hơn 3,2 tấn/ha). Trong đó diện tích cà phê tham gia liên kết 4C với Công ty TNHH MTV 2/9 Đăk Lăk là 457 ha của 440 hộ; với Công ty Nestle Việt Nam là 2055 ha của 1.485 hộ.
Theo ông Phạm Quyết Quyền, là một trong 54 hộ của thôn 4, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột tham gia liên kết sản xuất cà phê theo chứng nhận 4C(Common Cod Coffee Community - tổ chức thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) với Công ty TNHH MTV 2/9 Đăk Lăk trong nhiều năm qua cho biết, hiện nay vườn cà phê của gia đình ông Quyền đã chuyển đổi trồng 100% giống cà phê mới TR4, TR11 của Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Niên vụ cà phê 2019-2020, với 2 ha cà phê dự kiến thu được hơn 8 tấn cà phê nhân và 4 tấn hồ tiêu (từ 600 trụ) tiêu trồng xen, trừ chi phí vẫn còn thu nhập khá hơn nhiều so với khi chưa tham gia THT phát triển cà phê bền vững. Năm tới dự kiến gia đình còn có thu thêm sản phẩm bơ Booth (bơ trồng năm 2017), sẽ gia tăng giá trị kinh tế trên vườn cà phê. Kết quả này là nhờ Công ty đã tổ chức thường xuyên định kỳ từ 1 - 2 đợt tập huấn/năm cho nông dân về biện pháp canh tác cà phê, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái vườn cây... Khi tham gia tổ hợp tác, các hộ dân đã thay đổi tập quán canh tác, tuân thủ nghiêm ngặt theo bộ tiêu chuẩn 4C, cà phê phát triển tốt, kháng được sâu bệnh nên đã giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học rất nhiều. Thậm chí có năm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng sâu bệnh phát sinh không đáng kể, chất lượng cà phê đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Vườn cà phê của ông Phạm Quyết Quyền
Mặc dù hiệu quả kinh tế đối với cà phê liên kết là như vậy, nhưng nhìn chung những năm qua diện tích cà phê chứng nhận chất lượng chưa được nhân rộng, thậm chí một số nơi còn giảm đi. Minh chứng là hiện nay diện tích cà phê liên kết với các công ty tại Buôn Ma Thuột đã giảm đi 222,5ha so với năm 2016 (năm 2016 có 3.338,8 ha cà phê được chứng nhận 4C, UTZ và Rainforest Alliance), riêng xã Ea Kao giảm đi 94 ha so với năm 2013.
Thực tế cho thấy, rõ ràng mô hình sản xuất suất cà phê được chứng nhận (4C, UTZ, Rainforest Alliance) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cà phê sản xuất truyền thống, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, môi sinh. Đặc biệt là góp phần xây dựng ngành cà phê phát triển theo hướng bền vững, năng suất, chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao để tiến tới phát triển cà phê hữu cơ.
Theo anh Đỗ Phương, cán bộ thực địa thuộc phòng dự án cà phê bền vững của Công ty TNHH MTV 2/9 Đăk Lăk, ngoài những thuận lợi như: Đất đai màu mỡ thuận lợi cho việc canh tác cây cà phê; Nông dân có kinh nghiệm trồng cà phê lâu năm nhiệt tình hợp tác, tham gia các lớp tập huấn….thì sản xuất cà phê còn gặp nhiều khó khăn. Các nông hộ phần lớn là sở hữu diện tích canh tác nhỏ, manh mún khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa trong canh tác. Việc sản xuất cà phê đang đối mặt với sự thiếu hụt lao động trẻ kế thừa (lứa trẻ sau khi tốt nghiệp đại học có xu hướng ở lại các thành phố lớn làm việc). Các nông dân hầu hết là lớn tuổi nên việc tiếp cận thông tin, công nghệ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, vấn đề biến đỗi khí hậu cũng đã ảnh hưởng đến việc canh tác của bà con nông dân. Một số diện tích không thực hiện đúng qui trình sản xuất cà phê bền vững theo hướng dẫn của công ty nên đã bị giảm dần. Ngoài ra, một số nông hộ chạy theo gía trị của các loại cây trồng khác, từ đó ảnh hưởng đến diện tích canh tác cà phê bền vững. Điều khó khăn nhất là giá sản phẩm cà phê “rớt” trong nhiều năm, bấp bênh nên bà con nông hộ it chú trọng đến việc liên kết trong sản xuất. Với diện tích vùng nguyên liệu cà phê mà các Công ty đang liên kết với nông dân hiện nay cũng đã đủ cung cấp sản lượng sản phẩm cà phê theo nhu cầu thị trường nên công ty chưa mở rộng liên kết.
Được biết, ngoài hai công ty nói trên còn nhiều công ty lớn, nhỏ cùng mang “sứ mệnh” thực hiện chương trình sản xuất cà phê bền vững tại Buôn Ma Thuột nói riêng và Đăk Lăk nói chung. Tuy nhiên với tiến độ phát triển diện tích cà phê chất lượng được chứng nhận như thời gian qua thì khó đạt mục tiêu đề ra của tỉnh Đăk Lăk tại Quyết định 2811/QĐ-UBND, ngày 10/10/2017 là “đến năm 2020 có 80% diện tích cà phê áp dụng qui trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận”, tương đương với 144 nghìn ha cà phê có chứng nhận (180.000 ha*80%).
Nhằm thúc đẩy ngành cà phê tỉnh Đăk Lăk phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn, quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu theo mục tiêu đề ra, thì việc duy trì và tăng cường đầu tư phát triển nhân rộng diện tích cà phê chất lượng theo các chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest Alliance…tại địa phương là hết sức cần thiết.
Thiết nghĩ trong thời gian tới, địa bàn cơ sở cần tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn các chứng nhận; vận động lực lượng lao động trẻ có trình độ tại địa phương kế thừa “Chương trình phát triển cà phê bền vững”, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cà phê nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, cải thiện sức cạnh tranh, củng cố thương hiệu sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới. Đặc biệt chú trọng hình thành, nâng cao năng lực của tổ chức, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại đối với ngành cà phê. Tăng cường kêu gọi đầu tư và tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho các doanh nghiệp mạnh dạn vào đầu tư liên kết với nông dân sản xuất, chế biến các sản phẩm cà phê đặc trưng để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê.
Được biết hiện nay, tại địa bàn Đăk Lăk, Công ty TNHH MTV 2/9 Đăk Lăk đang duy trì liên kết phát triển diện tích cà phê chất lượng với 6.902 nông hộ đang sở hữu 8.739 ha, năng suất bình quân 3,5 tấn/ha. Trong đó, diện tích cà phê sản xuất theo chứng nhận Rain forest Alliance là 1.256ha; diện tích cà phê sản xuất theo chứng nhận 4C là 6.449 ha; diện tích cà phê sản xuất theo chứng nhận UTZ là 1.034 ha.
Công ty Nestle Việt Nam, chi nhánh Đăk Lăk, từ năm 2011 đến nay đã hỗ trợ cả tỉnh được 21.546.129 cây giống cà phê cho bà con tái canh (với nhiều mức hỗ trợ khác nhau). Chứng nhận 4C cho 6.310 ha của 4.691 hộ với sản lượng ước tính năm 2019 là 21.607 tấn cà phê nhân (năng suất bình quân 3,42 tấn/ha).
Cẩm Lai - Trạm BMT