Mô hình nuôi dế tại xã Cư Ni huyện Ea kar – vấn đề đặt ra từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm
Cập nhật lúc: 23/04/2018
Cập nhật lúc: 23/04/2018
Có thể nói anh Phạm Văn Lễ, thôn 10, xã Cư Ni, huyện Ea Kar là người tiên phong trong việc đưa giống dế Thái Lan vào nuôi thử nghiệm tại địa phương
Anh Lễ cho biết: “Trước đây gia đình có nuôi heo, gà, nhưng nhận thấy giá cả bấp bênh, dịch bệnh cộng với môi trường chăn nuôi không phù hợp với khu dân cư anh đang sinh sống, được biết mô hình nuôi dế, có chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, ít gây ô nhiễm môi trường lại đạt hiệu quả kinh tế cao bởi dế là món ăn mới, rất thu hút những nhà hàng. nên anh mạnh dạn chuyển đổi”.
Sau khi xem chương trình dạy nuôi dế trên tivi, anh Lễ quyết định đi học nghề ở Long An. Sau khi học, anh bắt tay vào thực hành những kiến thức đã được học. Vì đây là mô hình đi đầu tại địa phương nên anh gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm tài liệu, chăm sóc, cũng như học hỏi kinh nghiệm. Vượt qua mọi khó khăn ban đầu, sau hai năm, anh đã trở nên thành thạo trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng mới mẻ này.
Mô hình nuôi dế tại cơ sở của anh Lễ
Ban đầu chỉ với 10 ổ trứng dế (với giá 100 ngàn đồng một ổ), giống dế Thái Lan, sau khi áp dụng các kiến thức kỹ thuật học hỏi được, sau 60 ngày, lứa dế thương phẩm đầu tiên đã được xuất bán với giá 120 000 đồng/ 01 kg. Với quy mô đàn như hiện nay, anh đã không phải mua dế giống nữa mà có thể nuôi gối vụ, trung bình một tháng cơ sở xuất được một đợt dế thịt.
Cán bộ Khuyến nông thăm mô hình nuôi dế tại cơ sở nuôi dế Ngọc Lễ
Tham quan cơ sở, chúng tôi quan sát chuồng nuôi dế được anh Lễ xây bằng xi măng, thiết kế thoáng mát, hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh và phân ra thành từng ô, diện tích mỗi ô từ 2-2.5 m2, quy mô hiện có của cơ sở có khoảng 11 ô nuôi, 1 ô chuồng đặt 2-3 ổ trứng dế với hàng vạn trứng dế, trung bình mỗi tháng anh xuất khoảng 1,5 tạ kg dế thương phẩm, với giá bán 120 ngàn đồng/1 kg, sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng. Anh Lễ cho biết “Dế rất dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn dễ kiếm, ít phải đầu tư, vòng đời ngắn nên có thể xoay vốn nhanh”
Chia sẻ về bí quyết chăm sóc, nuôi dưỡng dế, anh Lễ cho biết: “Môi trường sống tự nhiên, dế sẽ ít dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc. Dế leo trèo rất giỏi và đối với dế sinh sản có thể nhảy xa chừng nửa mét nên chuồng nuôi phải có nắp đậy và che chắn cẩn thận. Chuồng nuôi phải đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát, kiến, thạch sùng là hai đối tượng gây hại cần quan tâm. Thức ăn chủ yếu của dế là cỏ, cám gà con, cám bắp, nên xay cám thành bột cho dế ăn, bảo quản nơi khô ráo, không mua nhiều một lúc dễ bị mốc. Cho ăn thêm rau xanh, cỏ tươi..... Hàng ngày phun sương để giữ ẩm và cho dế uống nước và quan trọng nhất để phòng bệnh cho dế nên giữ gìn vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, thức ăn, nước uống phải thay rửa hàng ngày”
Anh Lễ tâm sự để duy trì việc nuôi dế lâu dài và tăng nguồn thu trong thời gian sắp đến anh dự định thực hiện mô hình nuôi dế kết hợp nuôi rắn mối, tắc kè để đạt hiểu quả kinh tế cao và giúp cho vật nuôi nhanh phát triển, đồng thời tận dụng được nguồn thực phẩm có sẵn.
Trao đổi thêm anh cho biết: “Hiện nay kiến thức về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng con dế đối với anh không còn là khó khăn lớn, sau nhiều năm thực hiện, anh gần như cơ bản đã hiểu hết đặc tính của loài vật nuôi này, điều anh băn khoăn nhất vẫn là làm thế nào để phát triển quy mô cơ sở, tìm được đầu ra ổn định, tập hợp được bà con trong vùng cùng sản xuất và đặc biệt có cơ hội được liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp dế làm nguồn dược liệu, làm các các sản phẩm dinh dưỡng thuốc, bột cốm cho trẻ em vv….”
Có thể nói mô hình nuôi dế của anh Lễ là một mô hình táo bạo, mới mẻ, dám nghĩ dám làm ngay tại địa phương. Tuy nhiên để một phong trào sản xuất tự phát của người nông dân được phát triển bền vững , rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành địa phương với vai trò định hướng, là cầu nối trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Hoàng Liên
Thịt dế giàu đạm, can-xi, vị ngon không kém các loại thực phẩm khác nên ngày càng được nhiều thực khách tìm đến. Trong y học cổ truyền thịt dế cần cho sự phát triển của cơ thể và trí não của cả trẻ em và người lớn; có tác dụng chữa chứng nhiễm độc nước tiểu, chữa sỏi thận, chữa bệnh cổ trướng, thở dốc. |