Mô hình nhà sấy bún miến phở hiệu quả, gắn với chủ trương phát triển Chương trình OCOP tại phường Khánh Xuân thành phố Buôn Ma Thuột
Cập nhật lúc: 17/07/2019
Cập nhật lúc: 17/07/2019
Thật không thể ngỡ ngàng hơn khi đứng trước khu nhà kính để sấy khô bún miến phở mà cứ tưởng đó là khu nhà kính trồng rau quả, tại tổ dân phố 7, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.
Anh Hà Văn Tuyên, chủ nhân mô hình nhà sấy bún miến phở đầu tiên của Buôn Ma Thuột cho biết, hiện tại với khu nhà sấy 65 m2 (xây dựng chỉ 24 triệu đồng) mỗi ngày gia đình anh Tuyên sản xuất và sấy khô bình quân được 200 kg bún miến phở khô, tương đương với 6 tấn bún miến/tháng, trừ tất cả chi phí đầu tư và công lao động, gia đình thu nhập được chừng 150 triệu/năm. Đặc biệt, nước gạo được thải ra từ quá trình làm bún miến dùng để nuôi khoảng 100 con heo rừng lai/năm (tương đương 2,5 tấn heo hơi), đem lại tổng thu nhập của gia đình trong năm là 240 triệu đồng (2 nhân lực).
Anh Hà Văn Tuyên, chủ nhân mô hình nhà sấy bún miến phở đang giới thiệu mô hình
Được biết, nghề sản xuất bún miến phở đã gắn chặt với đời sống kinh tế của 50 hộ bà con tại địa phương này từ rất lâu, với phương thức sản xuất truyền thống vất vả, bỡi các công đoạn hầu hết là thủ công. Mặc dù, gia đình anh Tuyên hòa vào nghề truyền thống với địa phương hơn 14 năm (từ năm 2005), cùng trăn trở với cái khó của nghề bún miến phở, nhưng gia đình anh Tuyên đã mạnh dạn đi đầu trong việc ứng dụng nhà kính để sấy khô bún miến phở trước khi xuất ra thị trường, đã mở ra một hướng mới khoa học, tích cực, tạo ra được sản phẩm bún miến chất lượng, đặc biệt là an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Anh Tuyên cho biết thêm, bún miến truyền thống đã được làm ra từ loại gạo ngon, dai (lúa V13/2 trồng trên cánh đồng địa phương và vài loại gạo chuyên dụng khác), được chăm chút từng yếu tố đầu vào, nhưng quá trình làm khô để xuất bán thì trước đây gia đình phải phơi ngoài trời, khó tránh khỏi bụi bặm và rủi ro bị vi sinh vật có hại xâm nhập gây hư hỏng, chưa kể mưa nắng thất thường phải mang ra, mang vào rất tốn công sức. Sau khi được Đảng ủy và UBND phường Khánh Xuân cho đi tham quan học tập mô hình nhà kính (có công dụng sấy khô các sản phẩm) của Công ty Đăng Phong tại khu công nghiệp Tân An (TP.Buôn Ma Thuột) vào đầu năm 2019, cùng sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn xây dựng khu nhà sấy bún miến phở với thay đổi một ít kết cấu, sáng tạo phù hợp thực tế hơn. Thay vì nhà kính cao (chừng 4-5m), kín hơn, khi thời tiết nóng thì nhiệt độ bên trong nhà kính tăng lên rất nhiều, theo đó độ ẩm không khí trong nhà kính tăng theo, bún miến lại mềm đi, không khô ráo, dễ bị hỏng. Để xây dựng khu nhà lưới vừa giảm chi phí, vừa khắc phục độ ẩm không khí nhưng đảm bảo chất lượng sản phẩm bún miến, anh Tuyên đã có sáng kiến xây dựng cao chừng 3m (để hạn chế mùa gió Tây Nguyên có thể giật rách màng phủ che chắn), cùng thiết kế các tầng gác bún miến phở phơi khô. Phần dưới chân của các bức vách khu nhà kính, anh dùng lưới ô nhỏ thay cho màng ni lông cùng các quạt hút gió trên mái che, vừa đảm bảo nhiệt độ, vừa thông thoáng để hạn chế độ ẩm làm cho bún miến phở nhanh khô, mẫu mã đẹp hơn. Chức năng khu nhà sấy còn che mưa, che côn trùng gây hại (ruồi, nhặn) và hạn chế các vi sinh vật bên ngoài xâm nhập, giảm công lao động phải di chuyển sản phẩm trong mùa mưa bão, vì thế sản phẩm bún miến khô an toàn của gia đình anh đã có nhiều cơ sở tthu mua quan tâm hơn. Anh Tuyên cho biết, nếu nhu cầu thị trường đầu ra ổn định hơn, gia đình anh sẽ đầu tư mở rộng khu nhà sấy để tăng thu nhập và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều nhân công tại địa phương. Hiện tại mô hình nhà sấy bún miến phở của gia đình đã đón tiếp nhiều khách tham quan học tập trong và ngoài địa phương.
Sơ chế đóng gói bún miến phở xuất ra thị trường
Theo ông Nguyễn Thế Hậu, Bí thư phường Khánh Xuân cho biết, để cùng tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất bún miến phở của cụm nghề truyền thống địa phương, Đảng ủy và UBND phường Khánh Xuân đã có Kế hoạch phát triển sản phẩm bún miến phở theo chủ trương của Thành phố và đã chủ động đưa bà con đi tham quan mô hình nhà kính, để ứng dụng công nghệ phơi khô sản phẩm. Bên cạnh đó địa phương đã hỗ trợ một phần kinh phí (hơn 30%) để gia đình anh Tuyên xây dựng mô hình nhà kính sấy khô bún miến phở, làm cơ sở phát triển nhân rộng mô hình nhà sấy bún miến phở tại địa phương, tạo sản phẩm truyền thống chất lượng, góp phần phát triển ổn định cụm làng nghề cho nhân dân. Theo đó, địa phương gắn với xây dựng tổ sản xuất, kinh doanh nghề bún miến phở theo chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, tham gia OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) kết nối du lịch cộng đồng trong thời gian tới theo chủ trương của Tỉnh (Quyết định số 1040/QĐ-UBND ngày 7/5/2019, về Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Đăk Lăk).
Cẩm Lai – Trạm KN BMT