Mô hình cá trắm giòn trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp và đậu tằm
Cập nhật lúc: 19/12/2017
Cập nhật lúc: 19/12/2017
Ngày 12/12/2017 vừa qua, Chi Cục Thủy sản tỉnh Đăk Lắk đã phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện KRông Pach đã tổ chức cuộc hội thảo đầu bờ tại hộ ông Trần Quang Tuấn – Tổ dân phố 10 – Thị Trấn Phước An – KRông Pach.Tham dự hội thảo có đại diện Chi Cục Thủy sản tỉnh Đăk Lắk, Lãnh đạo Phòng NN&PTNT; lãnh đạo UBND Thị trấn Phước An cùng hơn 30 đại biểu là các hộ nông nuôi trồng thủy sản tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Trong vài năm trở lại đây, trong các bữa tiệc, nhà hàng cá chép, cá trắm giòn trở thành một món ăn “khoái khẩu” của người tiêu dùng. Bởi cá có vị ngọt của tôm và độ dai ngon của thịt. Nếu so với cá Trắm, Chép sông hay cá nuôi thì loại có này có vị ngon vượt trội và rất thơm, đặc biệt cá không còn vị tanh mà lại giòn tan, hấp dẫn. Chính vì vậy, nhiều người dân nuôi trồng thủy sản đã rất quan tâm và muốn áp dụng nuôi đối tượng Trắm giòn, Chép giòn tại địa phương. Để có cơ sở khuyến cáo cho bà con, năm 2017 Chi cục Thủy sản Tỉnh Đăk Lăk đã xây dựng mô hình “nuôi thử nghiệm cá Trắm giòn thương phẩm trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp và đậu tằm”
Mô hình thử nghiệm nuôi cá Trắm giòn thương phẩm trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp và đậu tằm với diện tích 0.2 ha tại 02 điểm thuộc huyện KRông Pach và Buôn Đôn. Thời gian thực hiện từ tháng 4/2017 đến tháng 12/2017. Mật độ thả nuôi 1con/m2.
Mô hình nuôi cá trắm giòn
Ngày 12/12/2017 vừa qua, Chi Cục Thủy sản tỉnh Đăk Lắk đã phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện KRông Pach đã tổ chức cuộc hội thảo đầu bờ tại hộ ông Trần Quang Tuấn – Tổ dân phố 10 – Thị Trấn Phước An – KRông Pach.
Tham dự hội thảo có đại diện Chi Cục Thủy sản tỉnh Đăk Lắk, Lãnh đạo Phòng NN&PTNT; lãnh đạo UBND Thị trấn Phước An cùng hơn 30 đại biểu là các hộ nông nuôi trồng thủy sản tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Mô hình thử nghiệm được thực hiện qua 02 giai đoạn: giai đoạn đầu (4 tháng) cho cá ăn bằng thức ăn viên; Sau đó, lọc những con con đạt từ 1,5 kg/con trở lên chuyển sang nuôi giai đoạn 02 (từ tháng thứ 5 trở đi). Trong giai đoạn này cho cá ăn hoàn toàn bằng hạt đậu tằm, liên tục trong 4 tháng. Kết quả sau hơn 8 tháng nuôi cá phát triển tốt, không có bệnh phát sinh, . Cá sau khi chế biến rất thơm ngon, giòn dai và không có mùi tanh giống như cá nuôi bằng cỏ.
Theo ông Trần Quang Tuấn chủ hộ cho biết: Được sự hướng dẫn sâu sát của cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản nên quá trình thực hiện mô hình tương đối thuận lợi. Cá Trắm được nuôi bằng đậu Tằm phát triển tốt và hoàn toàn không gặp hiện tượng bệnh trong suốt quá trình nuôi. Tuy nhiên, để nuôi cá trắm tạo được độ giòn: trước hết phải cải tạo ao theo đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống đạt cỡ 1,5 kg/con trở lên. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình nuôi vỗ để tạo giòn chỉ sử dụng loại thức ăn duy nhất là đậu tằm. Trước khi cho cá trắm ăn, cần ngâm hạt đậu tằm với nước sạch trong thời gian 24 giờ. Sau đó vớt đậu tằm ra ngâm qua nước muối (1%) khoảng 15 phút, cho cá ăn 2 lần/ngày. Lượng thức ăn mỗi ngày từ 2-3% khối lượng cá trong ao. Tuy nhiên, quá trình cho ăn hàng ngày cần theo dõi và điều chỉnh phù hợp với khả năng sử dụng thức ăn của cá. Khi cho ăn, hạt đậu bị chìm xuống dưới do đó cần phải làm sàn ăn. Sàn được làm từ khung sắt có đường kính 80 cm, rộng từ 3–4 m2, chiều cao đáy 25 – 30cm. Sàn được đặt cách đáy ao từ 25-30 cm, xung quanh cần vây 1 lớp lưới để giữ cho đậu không bị trôi ra ngoài. Trong suốt quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh sàn ăn để phòng bệnh cho cá.
Người dân tham quan mô hình
Qua buổi hội thảo bà con nông dân đã thảo luận sôi nổi về vấn đề kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh và đều nhiệt tình hưởng ứng về mô hình. Bà con cũng như các đại biểu của chính quyền địa phương cho rằng cá Trắm giòn là đối tượng nuôi mới phù hợp với điều kiện tại địa phương, có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loài cá truyền thống trước đây. Vì vậy, bà con đã có đề xuất các cấp chính quyền cũng như cơ quan chuyên ngành cần tuyên truyền và có kế hoạch định hướng xây dựng mô hình ở diện rộng, góp phần vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong toàn tỉnh.
Hồng Duyên - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk