Huyện M’Drắk: Giá nhãn đang giảm xuống sâu!.
Cập nhật lúc: 22/04/2024
Cập nhật lúc: 22/04/2024
Huyện M’Drắk đang vào mùa thu hoạch rộ nhãn. Tuy nhiên, năm nay người trồng nhãn kém vui vì giá nhãn giảm mạnh. Nếu như cùng kỳ năm trước, giá nhãn dao động trong khoảng từ 28.000 - 30.000 đồng 1kg, thì nay giảm còn 17.000 – 19.000 đồng 1kg, tùy loại.
Người dân xã Ea Pil đang thu hoạch và đóng gói
Xã Ea Pil và xã Cư Prao là một trong các xã có diện tích nhãn nhiều trong toàn huyện, với diện tích trên 500 ha, năng suất bình quân khoảng từ 12 – 15 tấn/ha. Cùng với cây trồng khác, cây nhãn đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân huyện M’Drắk. Tuy nhiên, vụ thu hoạch năm nay, giá bán ra bấp bênh ngay từ đầu vụ khiến nhiều nông dân lo lắng. Theo các cơ quan chức năng, giá nhãn năm nay giảm sâu là do nhãn đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ, sản lượng cung cấp ra thị trường nhiều nên thương lái hạ giá thu mua. Bên cạnh đó, thời gian qua diện tích trồng nhãn tại huyện M’Drăk nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung tăng mạnh, khiến cung vượt cầu.
Gia đình ông Trần Văn Cảnh, ở thôn 10, xã Ea Pil, huyện M’Drắk có hơn 1ha nhãn, vụ này gia đình ông thu về khoảng gần 20 tấn quả. Ông Cảnh cho biết, giá nhãn năm nay giảm sâu khiến cho thu nhập của người trồng giảm mạnh không bằng vụ trước, nhưng vẫn có lãi vì gia đình ông áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt cho cây nhãn nên được mùa, năng suất đạt khá. Còn nhiều gia đình khác trong xã, do một số điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi, bị mất mùa, năng suất giảm đồng thời ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.
Để khắc phục tình trạng lặp đi lặp lại, được mùa mất giá – được giá mất mùa, huyện M’Drắk đã từng bước khắc phục như hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung, hình thành các hợp tác xã để liên kết các nông hộ tham gia vào chuỗi sản xuất có chứng nhận để ổn định thị trường. Bên cạnh đó, huyện cũng thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, thân thiện môi trường vào sản xuất; tập trung xây dựng thương hiệu đối với các nông sản chủ lực để tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Tuy nhiên để cây ăn quả phát triển theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi việc đầu tư phát triển cây ăn quả rất tốn kém về công sức và thời gian, đồng thời phải bảo đảm quy hoạch để tránh tình trạng khủng hoảng dư thừa.
Nguyễn Thị Phượng
Trạm Khuyến nông huyện M’Drăk