HUYỆN CƯ M'GAR: HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG TỪ VIỆC ĐỔ XÔ TRỒNG TIÊU
Cập nhật lúc: 07/11/2016
Cập nhật lúc: 07/11/2016
Mặc dù được khuyến cáo là phá vỡ quy hoạch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh… thế nhưng bất chấp tất cả, người dân Cư M’gar vẫn đổ xô vào trồng tiêu.
Năm 2007, ông Cao Văn Thắng ở xã Ea Kiết chuyển đổi 1 ha cà phê sang trồng hồ tiêu. Khi cây chuẩn bị bước vào giai đoạn kinh doanh thì bị bệnh chết chậm, ông buộc phải phá bỏ toàn bộ. Không từ bỏ ước mơ làm giàu từ cây hồ tiêu, năm 2014 ông tiếp tục trồng tiêu với hy vọng sẽ khá hơn trước. Ông Thắng quả quyết: “Vườn tiêu của tôi lại bắt đầu xuất hiện bệnh chết chậm. Nhưng với giá tiêu hiện nay, khi vào giai đoạn kinh doanh, chỉ sau một mùa là tôi đã lấy lại vốn đầu tư. Mình cứ trồng cây tiêu thôi, phải mạnh dạn làm chứ rụt rè thì không thành công được”.
Những ngày này, ông Lê Cảnh Hương ở thôn 1, xã Ea M’droh đang tìm mọi cách trị bệnh chết chậm cho vườn tiêu. Gia đình ông có hơn 600 trụ (năm thứ 4), nhưng trong hai năm qua đã chết hơn 250 trụ. Khi phát hiện vườn hồ tiêu có hiện tượng chết chậm, ông Hương đã mua thuốc và mời cán bộ bảo vệ thực vật về kiểm tra, tìm cách cứu chữa, nhưng đến nay vườn tiêu vẫn tiếp tục vàng lá chết dần. Ông Hương cho hay, do tiêu chết nên thu nhập của gia đình ông giảm từ 250 triệu đồng năm 2014 xuống còn khoảng 150 triệu đồng vào năm 2015. “Tiêu chết nhưng lợi nhuận vẫn hơn trồng cà phê, do đó những chỗ tiêu chết tôi lại trồng cây mới. Điều lo nhất là đến giờ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cây hồ tiêu bị chết là do biến đối khí hậu, hay dịch bệnh…”, ông Hương nói.
Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện cho thấy, riêng năm 2015 toàn huyện có hơn 1.600 ha hồ tiêu bị bệnh chết do dịch bệnh. Dẫu vậy, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, người dân vẫn ồ ạt xuống giống tiêu. Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, mặc dù biết trồng hồ tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhiều vườn tiêu bị bệnh chết, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, song do lợi nhuận từ cây tiêu hiện vẫn cao hơn các loại cây trồng khác nên nhiều hộ dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho hay, theo quy hoạch đến năm 2020 toàn huyện có 3.000 ha hồ tiêu nhưng đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích hồ tiêu đã lên đến gần 6.000 ha và đang tiếp tục tăng trong thời gian tới. UBND huyện liên tục khuyến cáo người dân chỉ phát triển hồ tiêu theo quy hoạch, tập trung thâm canh tăng năng suất. Nếu như trồng tiêu bằng mọi giá, chạy theo lợi nhuận trước mắt, bất chấp quy hoạch, nông dân sẽ khó tránh khỏi vòng luẩn quẩn “chặt trồng, trồng chặt” khi tiêu rớt giá.
Nguyễn Gia. baodaklak.vn