Hướng đi mới cho mô hình đa cây kết hợp
Cập nhật lúc: 12/08/2017
Cập nhật lúc: 12/08/2017
Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, đa dạng hoá lĩnh vực nông nghiệp cho địa phương, trong những năm gần đây huyện Krông Pắc thực hiện một số mô hình cây trồng như Cà phê, Ca cao, bơ Booth, Sầu riêng, Hồ tiêu, Quýt đường và các mô hình chăn nuôi được bà con nông dân quan tâm như chăn nuôi Bò, Dê, Heo, Gà an toàn sinh học...Tuy nhiên, trước biến động của thị trường nông sản, mô hình đa cây do nông dân tự thực hiện đã có những tín hiệu vui.
Anh nông dân Nguyễn Văn Xăng, thôn Nghĩa Lập, xã Êa Kuăng, huyện Krông Pắc cho chúng tôi biết năm 1990 gia đình anh rời quê từ Quãng Ngãi vào Đăk Lăk lập nghiệp, thời gian đầu kinh tế gặp nhiều khó khăn, ruộng rẫy ít nên làm chỉ đủ ăn. Sau bao năm tích góp mở rộng diện tích canh tác, với ý chí vươn lên làm giàu, tinh thần chịu khó học hỏi kinh nghiệm, năm 2014 anh đã đi tham quan học tập từ các tỉnh miền tây về cách làm vườn. Với hơn 3ha diện tích đất làm ruộng trước đây anh cải tạo, lên liếp trồng cây ăn trái, phía dưới là ao nuôi cá. Sau 3 năm cải tạo ruộng vườn, đến nay vười nhà anh đã có hơn 400 cây Dừa xiêm, hơn 200 gốc Vải thiều, gần 1000 cây Cam sành, Cam xoàn, buởi Da xanh, Quýt đường, hơn chục ao nuôi cá, mỗi ao có diện tích trên 500m2.
(Nông dân tham quan mô hình vườn nhà anh Nguyễn Văn Xăng)
Với quan điểm làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, gia đình anh sử dụng nguồn phân chuồng để bón cho cây ăn quả và vườn cà phê khoảng 2ha, hàng năm cho năng suất ổn định. Đến nay, kinh tế phát triển, đời sống ổn định đã làm gia đình anh thêm gắn bó với quê hương thứ hai.
Trồng xen nhiều loại cây trên một đơn vị diện tích là mô hình mới phù hợp với hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, sẽ hạn chế tránh tình trạng mất trắng khi một trong các loại nông sản mất mùa hay rớt giá. Đây là mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn huyện Krông Pắc nói riêng và tỉnh Đăk Lăk nói chung ./.
Văn Hợp – Khuyến nông Krông Pắc.