Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022
Cập nhật lúc: 25/09/2021
Cập nhật lúc: 25/09/2021
Ngày 17/9/2021 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022”. Tham dự và đồng chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y.
“Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người dân” hoàn toàn đúng cho tất cả công tác phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là các bệnh gây tổn thất lớn về kinh tế, bệnh truyền lây giữa động vật và người.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố đã rất quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh Covid - 19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại một số tỉnh thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Qua 8 tháng đầu năm, nước ta đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Trong năm tính đến thời điểm hiện tại cả nước với tổng đàn hơn 515 triệu con gia cầm; 26,67 triệu con lợn; đàn bò tăng 1,8%; đàn trâu giảm 2,4%; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 4,5 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 11,4 tỷ quả, tăng 5%. Riêng tỉnh Đắk Lắk trong năm 2021: Toàn tỉnh có khoảng trên 1.230.000 con gia súc và 13.000.000 con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước khoảng 115.000 tấn, đạt 110% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng trứng gia cầm ước 190 triệu quả, đạt 104% so với cùng kỳ năm 2020. Đắk Lắk hiện có 63 trang trại quy mô lớn, 673 trang trại quy mô vừa, trên 2.300 trang trại quy mô nhỏ và khoảng 101.000 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ. Đến nay, đã có 07công ty triển khai chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi với khoảng 170 trang trại chăn nuôi lợn, 230 trang trại chăn nuôi gà (tổng đàn vật nuôi ổn định với khoảng 200.000 con lợn và khoảng 3.000.000 con gà).
Bên cạnh những kết quả đạt được trên, những tháng qua cả nước đã ghi nhận một số loại dịch bệnh gây hại cho động vật chủ yếu gồm: Cúm gia cầm, Dịch tả lợn châu phi, bệnh lỡ mồm long móng, Viêm da nổi cục, bệnh dại, dịch tai xanh… và dịch Covid – 19 trên người. Trước tình hình đó, ngày 17/9/2021 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022”. Tham dự và đồng chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y.
Ảnh: Ông Phùng Đức Tiến và Ông Phạm Văn Đông đồng chủ trì tại điểm cầu Hà Nội
Ảnh: Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT - Phát biểu khai mạc hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe 02 báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản các tháng đầu năm và kế hoạch các tháng cuối năm và đầu năm 2022 của cục Thú y. Trong báo cáo của Cục Thú y đã có đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò giai đoạn 2022 – 2030, chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, giai đoạn 2022 – 2030 và Tình hình chăn nuôi năm 2021, chỉ tiêu phát triển các tháng cuối năm 2021 và năm 2022 của Cục Chăn nuôi. Đặc biệt là báo cáo của tiến sỹ Pawin Padungtod chuyên gia cao cấp của tổ chức FAO đưa ra một số nhận định nguy cơ rất cao về một số động vật truyền lây Covid – 19 sang người, đáng chú ý là một số vật nuôi gần gũi với chúng ta như: Chó, mèo, thỏ… và 09 báo cáo tham luận của các tỉnh, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.
Tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng chủ trì cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị và đã có phát biểu tham luận.
Ảnh: Phát biểu tham luận của Đ/c Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk
Trong tham luận của Đ/c Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã nêu lên tình hình chăn nuôi, tình hình dịch dệnh trên địa bàn tỉnh nhà, kết quả thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ cũng như các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm, tổng kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 25.943.406.150 đồng (trong đó: ngân sách tỉnh 13.050431.150 đồng; ngân sách các huyện, thị xã, thành phố 12.892.975.000 đồng). Chưa tính kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc bị bệnh chết buộc tiêu hủy, đặc biệt đồng chí đã nhấn mạnh 5 giải pháp sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành liên quan thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố;
Hai là, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác giám sát tình hình chăn nuôi và dịch bệnh đến tận thôn, buôn, tổ dân phố nhằm phát hiện dịch bệnh sớm, để kịp thời tham mưu xử lý khi dịch bệnh xảy ra ở diện hẹp. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi bất lợi, mưa nhiều tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển và gây bệnh.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xứ lý nghiêm, kịp thời các cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (hiện nay toàn tỉnh có 24 cơ sở giết mổ tập trung và 195 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động); Giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, nhập động vật để tăng đàn, tái đàn về nuôi phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán của người dân, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Bốn là, rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vụ 2/2021; tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2/2021; Chú trọng tiêm phòng bổ sung đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh như (Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Tai xanh, Viêm da nổi cục…) cho đàn vật nuôi tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao, địa phương bị ảnh hưởng do mưa lũ, rét đậm, rét hại…
Năm là, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh, trình cấp có thẩm quyền ban hành./.
Y SỸ - TTKN,GCT,VN&TS