Hiệu quả kinh tế mô hình trồng xen cây Giổi trong các vườn cây tại Buôn Ma Thuột
Cập nhật lúc: 04/04/2019
Cập nhật lúc: 04/04/2019
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây giổi xanh, nhiều hộ nông dân tại Đăk Lăk đã nhân giống và mua giống ghép về trồng xen canh trong vườn cà phê.
Trong những năm qua, khi giá sản phẩm cà phê (là cây trồng chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên) chưa ổn định, hầu hết người dân sản xuất cà phê tại Đăk Lăk đều tiến hành trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị như sầu riêng, bơ, cam, quít …hoặc cây công nghiệp (hồ tiêu ) trong vườn cà phê để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, hạn chế rủi ro khi sản phẩm cà phê mất giá. Thật thiếu sót nếu không kể đến hiệu quả kinh tế đối với một loại cây lâm nghiệp với tên gọi là cây Giổi mà bà con nông dân ví là “cây vàng đen” được trồng xen trong các vườn cây kể cả cà phê tại thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện thị của Đăk Lăk những năm qua.
Nhìn những hàng cây Giổi hơn 2 năm tuổi (trồng đầu mùa mưa 2016), đã cao chừng 2,5m, đang thời kỳ cho hoa của mùa đầu tiên, xanh tốt sum xuê, xen trong 0,6 ha cà phê của chị Hoàng Thị Hà tại thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, có thể đánh giá ngay loại cây trồng này rất thích hợp với loại đất Bazan vùng Tây Nguyên này. Chị Hà phấn khởi cho biết chừng tháng 11/2019 chị sẽ thu hoạch 100 cây Giổi (thu bói) trồng xen này. Dự kiến năm 2020 chỉ cần thu hoạch bình quân 5 kg/cây tương đương 500 kg, với giá khoảng 1 triệu/kg hạt khô chị sẽ thu được 500 triệu đồng chưa kể giá trị thu hoạch từ sản phẩm cà phê (sản phẩm đầu ra hạt Giổi đã có hợp đồng bao tiêu). Chị Hà cũng vừa thu hoạch được 150 kg hạt Giổi khô trên 30 cây Giổi trồng xen trong 0,2 ha quýt (trồng năm 2015) với giá bao tiêu sản phẩm hạt khô tại nhà 1 triệu/kg chị thu được 150 triệu đồng, cùng với 50 triệu thu nhập từ cây quýt (cây trồng chính) đưa tổng thu nhập của vườn là 200 triệu đồng. Đây là một khoảng thu lớn hơn rất nhiều so với sản xuất các sản phẩm khác trên cùng diện tích. Cũng tại thôn Cao Thắng, hộ bà Tống Thị Đào trồng 22 cây Giổi xen cam quýt trên diện tích 0,2 ha vào năm 2015, vừa qua thu được 200 kg hạt Giổi khô, bán được 200 triệu đồng. Còn hộ chị Dương Thị Kim Thoa, tại thôn 4, xã Ea Kao thì trồng thử 5 cây Giổi dọc bờ vườn năm 2015, cuối 2018 chị bán sản phẩm được hơn 20 triệu đồng/3 cây (2 cây còn lại do trồng dưới tán tre nên không phát triển). Vừa qua chị tiếp tục trồng thêm 30 cây nữa trên những khu đất còn lại hiện đã cho hoa rất nhiều.
Vườn giổi nhà ông Hoàng Xuân Thanh
Theo ông Hoàng Xuân Thanh (người nhân giống cây Giổi cung cấp tại địa phương và các huyện lân cận) cho biết: Năm 2013 ông đã nhân giống Giổi thành công tại Buôn Ma Thuột và cung cấp cho người sản xuất, nhưng đến năm 2015 thì người dân địa phương mới mạnh dạn hơn trong việc phát triển trồng xen vào các vườn cây kể cả xen cà phê sau khi thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ cây Giổi. Ông Thanh cho biết, những năm gần đây, mỗi năm ông nhân giống, xuất bán khoảng 60.000 cây, tương đương hơn 500 ha (trồng xen mật độ 9m x 9m), nếu trồng thuần thì tương đương hơn 210 ha (mật độ 6m x 6m) phần lớn bán ở các huyện và Doanh nghiệp ngoài tỉnh. Vườn giống Giổi gia đình ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu theo Quyết định số 123/QĐ-SHTT, ngày 08/01/2018. Để nông dân yên tâm về sản lượng đầu ra hạt Giổi, ông Thanh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong thời gian dài (lên đến 20 năm với giá hơn 100 nghìn/kg quả tươi) đối với những hộ mua giống ghép từ gia đình ông.
Vườn giống nhà ông Hoàng Xuân Thanh
Hiện nay đầu ra cho sản phẩm này “cung không đủ cầu” ông Thanh đang mua thu gom của nông dân để cung cấp cho các tập đoàn gia vị ở thành phố Hồ Chí Minh và phía Bắc. Hạt Giổi chín được phơi khô để trữ được lâu, ngoài chức năng chế biến gia vị, còn bào chế dược liệu. Ông Thanh đang tiến hành liên kết xuất qua các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… để bào chế dược phẩm. Qua thời gian nhân giống và trồng cây Giổi tại thành phố Buôn Ma Thuột cho thấy, cây Giổi ghép trồng sau ba năm cho quả, cây hầu như rất ít sâu bệnh nên chăm sóc theo hướng hữu cơ (không sử dụng hóa chất). Một năm thu hai vụ, vụ chính thu đại trà từ tháng 9 đến tháng 11 (âm lịch), vụ phụ từ tháng ba đến tháng tư. Nếu trồng xen cà phê thì mật độ 9m x 9m (khoảng 120 cây/ha), nên giữ bán kính tán cây Giổi chừng 2,5m (hãm đầu cành) cho cà phê đủ ánh sáng quang hợp; chiều cao để chừng 6m ( hãm ngọn ) vừa dễ thu hoạch sản phẩm vừa làm cây che bóng. Rễ cây Giổi ăn sâu nên ít cạnh tranh dinh dưỡng với cà phê. Với giá hạt Giổi khô ổn định, sau ba năm trồng bình quân 5kg/cây thì sẽ tương đương với thu nhập hơn 500 triệu/ha chưa kể thu nhập từ sản phẩm cà phê. Nếu trồng thuần mật độ 6m x 6m (hơn 270 cây/ha) thì thu nhập sẽ cao hơn.
Hạt giổi tươi và khô
Được biết, với hiệu quả kinh tế cao như vậy nên từ lâu hạt Giổi được mệnh danh là “vàng đen” hay “gia vị vàng” của người dân. Ngoài việc thu sản phẩm hạt để làm gia vị, dược liệu thì cây Giổi thuộc loại cây thân gỗ lớn, cây trưởng thành phát triển tự nhiên có thể cao hơn 30m, đường kính thân cây tới hơn 1m. Thân cây thẳng tăm tắp, tròn đều, phân cành cao. Gỗ Giổi có mùi thơm đặc biệt, thớ gỗ mịn, vàng, vân gỗ đẹp, sắc nét, gỗ nhẹ và bền, không bị mối mọt, không bị cong vênh. Chính vì thế gỗ Giổi sở hữu giá trị nhất định nên dùng để làm nhà (nhà gỗ), làm sàn gỗ, đóng đồ nội thất hay làm những sản phẩm mỹ nghệ…
Với những tìm hiểu và đánh giá sơ bộ về tình hình phát triển cây Giỗi hiện nay tại Buôn Ma Thuột cho thấy, hầu hết người dân phát triển tự phát, nên nhiều vườn Giổi trồng quá dày (mật độ 6m x 6m, tương đương khoảng hơn 270 cây/ha), sau ba năm vườn cây sẽ giao tán, theo đó những cây trồng chính khó quang hợp để sinh trưởng phát triển.
Để loại cây trồng này phát triển ổn định hơn, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích, cần lắm sự vào cuộc, phối hợp liên kết giữa các cơ quan chức năng, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng mô hình, đánh giá, phân tích và định hướng chiến lượt phát triển nhân rộng cây Giổi tại Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Cẩm Lai – Trạm KN BMT