ĐỔI MỚI SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP NHỜ ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Cập nhật lúc: 10/08/2016
Cập nhật lúc: 10/08/2016
Chuyển giao khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất là giải pháp trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với ý nghĩa đó, những năm qua nhiều kết quả chuyển giao đã được người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột ứng dụng có hiệu quả vào đời sống và sản xuất, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
TP. Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên 37.718 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 70% (26.351 ha) với sản phẩm trồng trọt chủ yếu là cà phê và lúa nước. Năm 2013, phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai thực hiện thành công đề tài “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lúa lai PAC 807 tại buôn Kao, xã Ea Kao trong vụ hè thu”. Giống lúa này có nguồn gốc từ Ấn Độ, ưu điểm hạt nhỏ, dài, chất lượng gạo ngon, cơm mềm, vị ngọt, thời gian sinh trưởng ngắn (100 ngày), đặc biệt năng suất cao… nên sau khi trồng thử nghiệm đã được người dân trên địa bàn xã đồng tình hưởng ứng và đưa vào sản xuất. Tiếp theo đó, đơn vị này đưa hai giống lúa AC5 và VH1 thảo dược vào trồng ở cánh đồng buôn H’đơk, xã Ea Kao (không sử dụng thuốc trừ sâu, cho năng suất cao hơn các giống lúa thuần cùng thời vụ) đã trở thành “cứu cánh” giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn quen với phương thức sản xuất truyền thống, manh mún chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Được biết, so với sản xuất truyền thống, việc đưa giống lúa lai PAC 807 vào sản xuất giúp nông dân tăng thu nhập 17.890.000 đồng/ha, giống AC5 tăng thêm thu nhập là 23.895.000 đồng/ha; giống VH1 là 34.285.000 đồng/ha. Cũng từ hiệu quả đó, các giống lúa này hiện đã được nông dân các xã, phường trên địa bàn thành phố và các huyện triển khai nhân rộng và đưa vào sản xuất đại trà.
Trong sản xuất cà phê, nếu như năm 2010, với tổng số 68% số hộ trồng xen cây che bóng trong vườn cà phê thì có đến 2/3 diện tích trồng cây che bóng đơn thuần, nhưng hiện nay hầu hết đã được thay thế bằng các loại cây ăn quả hoặc cây hồ tiêu. Nhiều tiến bộ trong việc ứng dụng các giống cà phê kháng bệnh, cho năng suất chất lượng cao như hạt giống TRS1, cây giống TR4, TR9, TR11… đã được nhân rộng trong các hộ gia đình thông qua những lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, nhân giống, quản lý dinh dưỡng… Bên cạnh đó, toàn thành phố đã có trên 60% diện tích cà phê (tương đương 7.000 ha) đã được bón phân vi sinh; trên 11% (hơn 1.300 ha) diện tích cây cà phê được ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo bằng các giống tốt; khoảng 3.100 hộ nông dân (2.840 ha) liên kết với các doanh nghiệp trồng cà phê theo chứng nhận tiêu chuẩn 4C, UTZ Certified và bao tiêu sản phẩm…
Gia đình ông Phan Đức Cường (xã Ea Tu) phát triển kinh tế từ mô hình trồng cà phê xen tiêu.
Song song đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai và nhân rộng trồng mô hình rau an toàn, cà phê xen sầu riêng, sản xuất hoa phong lan bằng phương pháp nuôi cấy mô… Đơn cử như gia đình ông Võ Tiến Dũng (xã Ea Tu) với 5 ha trồng cà phê xen sầu riêng, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha. Theo ông Dũng, trước đây gia đình chủ yếu trồng cây cà phê, đến năm 2006, sau khi tham dự các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật – công nghệ của thành phố, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để cải tạo và trồng xen cây sầu riêng; đến khi vườn cà phê đã đi vào ổn định, tiếp tục trồng thêm hơn 200 gốc cam sành cho thu lãi hơn 150 triệu đồng mỗi năm. Hay như mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của gia đình anh Đàm Đức Ngọc ở tổ dân phố 12 (phường Khánh Xuân) nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật nhà lưới, tưới phun mưa, không bón phân chuồng chưa hoai mục, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn theo quy định… sản lượng được nâng cao hơn 5 - 10% so với trồng thủ công như trước; hơn thế nữa, mô hình này còn giảm tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, không gây ô nhiễm môi trường, tài nguyên đất, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nông dân có thể sản xuất từ 5 vụ/năm lên 10 vụ/năm. Như vậy, chỉ với diện tích 0,85 ha trồng rau, mỗi năm gia đình ông Ngọc thu lãi trên 200 triệu đồng.
Ứng dụng KHCN vào sản xuất là xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Hy vọng từ những thành công này, việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN trên các mô hình, lĩnh vực khác sẽ tiếp tục được xây dựng và nhân rộng để cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình và xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Nguồn: Thúy Hồng - Báo Đắk Lắk điện tử