Doanh nghiệp vào cuộc mới nên mở rộng trồng cây Sachi
Cập nhật lúc: 04/12/2017
Cập nhật lúc: 04/12/2017
Vừa qua, có một số ý kiến cho rằng, cây Sachi không phù hợp với Việt Nam vì trồng nó mà không có nơi tiêu thụ…PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lân Hùng – Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam về vấn đề này.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, không nên trồng cây Sachi vì trồng rồi mà không có ai mua. Theo ông, vấn đề này đúng hay sai?
Tôi cho rằng, đó là ý kiến của những người quan tâm tới nông dân, chúng ta phải tôn trọng. Ở Việt Nam, việc trồng cây này, cây khác rồi lại chặt bỏ hình như khá phổ biến. Do đó, chúng ta phải hết sức thận trọng.
Riêng với cây Sachi thì ông nghĩ sao?
Chúng tôi cũng là người cổ súy cho việc phát triển cây Sachi ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi rất muốn trao đổi với mọi người về loài cây mới này.
Sachi có tên đầy đủ là Sachainchi. Nó có nguồn gốc từ Nam Mỹ. (Về loài cây này, đã có rất nhiều bài giới thiệu về nó trên các báo nên chúng tôi xin không nêu lại). Tôi chỉ muốn bàn tới việc trồng nó ở Việt Nam.
Sachi vào Việt Nam theo nhiều nguồn và đã được gieo trồng ở một số nơi. Kết quả ban đầu khiến nhiều người ngạc nhiên vì nó dễ trồng, dễ sống, đất nào cũng chịu được. Nó chỉ trồng khoảng 4 tháng là đã ra hoa. Hoa ra gần như quanh năm. Cây lại sống rất dai. (Trên thế giới, người ta nói nó có thể sống tới 30 năm). Ở ta, có lẽ những cây Sachi tại trang trại của anh Cường (Giám đốc công ty gạch Thạch Bàn) trồng ở Bắc Giang là có tuổi cao nhất. Nó được trồng cách đây 4 năm và cành của nó đã phủ kín cả mấy cây nhãn cổ thụ trồng quanh đấy. Cây vẫn đang vươn rất mạnh.
Chúng tôi đã cho trồng thử cây Sachi suốt từ Cao Bằng, Lạng Sơn tới tận Vĩnh Long. Ở đâu nó cũng mọc tốt và ra quả chi chít. Chị Nga – Chủ tịch Hội nông dân huyện Krông-Buk (Đăk Lăk) dẫn tôi tới thăm 1 vườn cây Sachi trồng ở trên nương. Vì chỗ đó quá dốc và lại vào mùa hạn nên các loại cây khác bị chết khô. Thế nhưng, các cây Sachi trồng ở đây vẫn sống, lá xanh um. Cây mới vươn cao khoảng 1,5m mà đã ra quả. Ngay chị chủ vườn cũng không ngờ là cây Sachi vẫn còn sống. Chị bảo: “Tưởng nó chết rồi nên em cũng không ngó tới nữa!…”.
Tại vườn thực nghiệm ở trường đại học của chúng tôi, Sachi lên rất tốt. Cứ nơi nào có chỗ bám là nó bò lên ngay. Cây rất sai quả…
Bước đầu, ta có thể khẳng định rằng, cây Sachi mọc rất tốt tại Việt Nam (trừ những nơi đất bị úng, ngập).
Về mặt giá trị kinh tế thì trên thế giới người ta đã có nhiều công trình nghiên cứu. Sachi được cho là loài cây cung cấp rất nhiều các chất dinh dưỡng quý cho con người (hàm lượng protein tới 27% và lượng dầu tới 35 – 60%). Đặc biệt, hàm lượng axít alpha-linoleic rất cao. Đó là loại thực phẩm bổ sung quí nhất hiện nay. Chúng tôi đã gửi hạt tới GS.TSKH Trần Văn Sung – nguyên Viện trưởng Viện Hóa các hợp chất tự nhiên (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam). Ông đã cho phân tích và trả lời cho tôi biết, đó là loại hạt rất quý, rất giàu các chất dinh dưỡng cao cấp… Ông dự kiến sẽ lập thành một đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về cây này.
Trên thế giới, người ta sử dụng Sachi vào nhiều việc. Nó được coi như cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp, cây dược liệu hoặc là cây công nghiệp để ép lấy dầu. (Xin xem qua mạng hoặc qua nhiều bài đã đăng trên các báo). Tuy ở Việt Nam đã có 1 – 2 đơn vị bắt đầu đi vào ép dầu Sachi nhưng cơ sở còn nhỏ và lượng hạt tiêu thụ không lớn. Trong lúc đó, bà con ở nhiều nơi lại có sáng kiến dùng cây Sachi vào nhiều việc khác như:
– Ngọn non hái về để xào hoặc nấu canh (như ngọn su su).
– Lá già phơi khô làm trà.
– Quả non có thể hái xuống, thái mỏng và xào như xào mướp đắng.
– Hạt già đem rang, ăn ngon như lạc. Có nơi giã nhỏ cùng muối để làm thức ăn như muối lạc, muối vừng.
Vì cây Sachi có thể tận dụng trồng xung quanh hàng rào, quanh các bãi đất trống, cạnh các khóm cây hoang dại… nên chúng tôi chủ trương khuyến khích bà con trồng trong phạm vi hẹp để tự túc nguồn thực phẩm cho gia đình. Đấy cũng là dịp để bà con làm quen với loại cây mới này.
Về lâu dài, chúng tôi đang đề nghị các công ty lớn xem xét, nghiên cứu để đưa công nghệ chế biến vào cho cây Sachi. Họ đã đồng ý tìm hiểu về cây này. Về công nghệ thì không khó (vì thế giới đã làm rồi). Họ đang quan tâm tìm hiểu về thị trường và sắp tới sẽ tổ chức các đoàn đi tham quan ở một số nước.
Bà Nguyễn Thị Xuân Nhạn – Chủ tịch HĐQT công ty dược AMFARCO cho tôi biết, ở Thái Lan, trước đây người ta thu mua 12 USD/kg hạt Sachi, nay chỉ còn 10 USD/kg hạt vì dân đã trồng nhiều. Tôi cứ nghĩ, nếu bán được 3 USD/kg cũng là quá tốt rồi vì cây này cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, mọi việc phải chờ đợi. Bà con mình vẫn dừng ở mức thử nghiệm và tự túc thực phẩm cho gia đình, tránh bị một số người lừa gạt để bán giống. Khi nào có các công ty lớn vào cuộc thì chúng ta mới nên mở rộng sản xuất. Chúng tôi sẽ xin thông báo chính thức với bà con một khi đã có thể làm lớn. Vì vậy, vào giai đoạn này, Sachi chỉ nên dừng ở mức thử nghiệm và tự túc rau ăn. Bà con chỉ nên mở rộng sản xuất khi có các đơn vị đến ký kết đàng hoàng và chắc chắn.
Chúng tôi cũng rất mong các nhà đầu tư sẽ sớm quan tâm tới đối tượng đầy triển vọng này.
Xin cảm ơn ông. (theo nongnghiep.vn)