Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận VietGAP tại Buôn Ma Thuột
Cập nhật lúc: 23/07/2020
Cập nhật lúc: 23/07/2020
VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practice) là thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam, bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm được chứng nhận VietGAP dễ dàng được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn thông qua các hệ thống siêu thị, các bếp ăn tập thể, phục vụ nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, tạo sự phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Tính đến cuối năm 2019, Thành phố Buôn Ma Thuột đã có 16 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm như rau (có 12 cơ sở với diện tích 22,2 ha); sản phẩm bơ (có 3 cơ sở với diện tích 75,5 ha); sầu riêng 1 cơ sở với diện tích 150 ha). Ngoài ra còn có 130 ha sầu riêng của 2 hợp tác xã Kosier và Păn Lăm đã được cấp mã số vùng trồng. Thành phố Buôn Ma Thuột cũng là đơn vị đầu tiên của Đăk Lăk được tổ chức chứng nhận Quốc tế Bureau Veritas Certification công nhận có một cơ sở sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao đạt GlobalGAP (Global Good Agricultural Practice), đây là một chứng nhận về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, một bộ tiêu chí dành cho việc thực hành sản xuất sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn về độ an toàn và chất lượng quốc tế cho người sử dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố Buôn Ma Thuột triển khai thành công và hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho 2 cơ sở sản xuất nông nghiệp: một HTX sản xuất nấm Hà Hương và THT sản xuất thanh long với diện tích 13 ha.
Hiện tại, Thành phố đang tiếp tục triển khai, cấp Chứng nhận VietGAP cho 5 mô hình sản xuất các sản phẩm cây trồng như, mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng tại phường Khánh Xuân, 02 mô hình sản xuất các loại rau an toàn tại xã Cư Êbua và xã Ea Tu và 2 mô hình sản xuất các loại cây ăn quả tại 2 xã Hòa Phú và Hòa Thuận. Như vậy ước tính đến cuối 2020, thành phố Buôn Ma Thuột, sẽ có 23 cơ sở sản xuất nông nghiệp được cấp chứng nhận VietGAP, tăng gấp nhiều lần so với số lượng cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP trong thời kỳ trước đây ( từ 2010 – 2015 chỉ có 2 cơ sở VietGAP).
Mô hình Dưa lưới chuẩn bị cấp chứng nhận VietGAP tại phường Khánh Xuân, Tp. Buôn Ma Thuột
Theo ông Trần Đình Trọng, tổ trưởng sản xuất rau an toàn của HTX nông nghiệp Thuận Hòa, đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP đầu tiên của thành phố Buôn Ma Thuột (năm 2012) cho biết: ngày trước, việc triển khai mô hình sản xuất rau chứng nhận VietGAP gặp nhiều khó khăn, bỡi những qui định chưa phù hợp với thực tế sản xuất của nông dân. Nhiều tiêu chí khắt khe đặt ra trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu được chứng nhận. Theo qui trình, sản xuất phải gắn với sơ chế các sản phẩm rau, theo đó đòi hỏi phải xây dựng các cơ sở đính kèm như, bể rửa ly tâm rau, bể sục qua máy ôzôn, kho lạnh…. Tuy nhiên, thực tế rau sau khi rửa ly tâm, qua xử lý ozôn và đóng gói xong, thời gian bảo quản chưa được 3 ngày rau bị vàng úa, hư hỏng, mẫu mã không còn bắt mắt người tiêu dùng, cho dù để ở ngoài, để mát hoặc giữ lạnh… Trong khi đó kinh phí đầu tư cho hoạt động “sơ chế” lại rất cao (xây dựng bể rửa ly tâm rau, bể sục qua máy ôzôn, kho lạnh….), cộng với hoạt động phân tích mẫu sản phẩm cũng rất nhiều, đưa thêm chi phí chứng nhận VietGAP cao hơn. Mặt khác, tại địa phương thời bấy giờ chưa có các Tổ chức được chỉ định hoạt động chứng nhận VietGAP, nên phải mời các tổ chức ngoài tỉnh thực hiện nên cộng thêm chi phí đi lại, ăn ở. Tổng chi phí chứng nhận VietGAP do các tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận chi trả theo thỏa thuận với tổ chức chứng nhận (điều 3, Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT), theo đó kinh phí chi trả cho một mô hình được chứng nhận VietGAP rất cao (vài trăm triệu đồng). Ông Trọng cho biết thêm, ngày trước sản phẩm rau VietGAP khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng chưa mặn mà đón nhận bỡi giá thành cao hơn so với rau sản xuất truyền thống, nên khó cạnh tranh, khó phát triển nhân rộng. Mặt khác sản phẩm được chứng nhận ViêtGAP chỉ có giá trị hiệu lực 2 năm, lại phải tiếp tục kiểm tra, đánh giá để tái cấp, phải chi trả thêm kinh phí. Theo ông Nguyễn Anh, Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Hòa cho biết, qua quá trình đánh giá tái cấp chứng nhận VietGAP cho diện tích rau an toàn của HTX, hiện tại, thị trường đã nhận diện được giá trị của rau an toàn VietGAP nên nhiều tiểu thương đã đến tận vườn để mua thu gom và phân phối trong, ngoài tỉnh, đầu ra ổn định hơn trước kia.
Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Tổ chức chứng nhận VSCB (32 Tản Đà, TP. Buôn Ma Thuột, Đak Lak), là đơn vị được phép cấp các loại chứng nhận đối với các sản phẩm an toàn cho biết, hiện nay các mô hình cấp chứng nhận VietGAP thực hiện theo qui trình “Thực hành nông nghiệp tốt - VietGAP” được Bộ KH&CN công bố vào năm 2017, dễ áp dụng hơn, phù hợp với thực tế hơn. Về tổng thể vẫn dựa trên 4 yêu cầu chính là, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn cho người lao động và truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, tiêu chuẩn VietGAP mới các tiêu chí rõ ràng hơn. Mặt khác, việc lấy mẫu phân tích sản phẩm dựa trên đánh giá mối nguy ảnh hưởng tới sản xuất, không bắt buộc phân tích tất cả các loại sản phẩm đăng ký chứng nhận như trước đây, hoạt động này giảm được một phần lớn chi phí cho người sản xuất. Tiêu chuẩn VietGAP mới yều cầu xây dựng tài liệu cụ thể hơn như quy định kiểm soát tài liệu và hồ sơ, quy trình sản xuất cho từng cây trồng, quy định đánh giá nội bộ, quy đinh xử lý sản phẩm không phù hợp, quy định khiếu nại… Với qui định ngày càng phù hợp thực tế hơn, cùng với sự nhận diện tinh tế hơn về bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, nên những năm gần đây, mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo chứng nhận VietGAP ngày càng được phát triển nhân rộng hơn.
Được biết, để các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố được cấp chứng nhận VietGAP, phải trải qua một quá trình triển khai thực hiện khắc khe. Đầu tiên phải khảo sát đánh giá sơ bộ khả năng có thể áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên cơ sở điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, nước tưới…) và loại cây trồng để thực hiện. Sau đó sẽ thiết lập cơ cấu tổ chức (áp dụng đối với mô hình nhiều thành viên tham gia và nhiều địa điểm), tiến hành đào tạo tập huấn tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp đến là xây dựng hệ thống tài liệu theo yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP tại cơ sở để áp dụng. Sau một quá trình thực hiện sẽ tiến hành “Đánh giá nội bộ”, nếu đạt các tiêu chí sẽ đăng ký và đánh giá cấp chứng nhận VietGAP cho sản phẩm.
Hiện tại, với 5 mô hình VietGAP triển khai năm 2020, các đơn vị phường, xã đang bắt đầu tổ chức các lớp tập huấn về “Tiêu chí trong sản xuất thực hành nông nghiệp tốt – VietGAP” để thay đổi tập quán canh tác cũ, đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ hiện tại. Bỡi rằng, khi áp dụng VietGAP giúp nông dân phản ứng kịp thời hơn với các vấn đề trong sản xuất liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm thông qua việc kiểm soát sản xuất trong các khâu kỹ thuật. Theo đó, sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP là các sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các hóa chất hay chất độc hại với cơ thể con người và cả môi trường, sản phẩm được sản xuất và thu hoạch đúng quy trình, có nguồn thông tin truy xuất rõ ràng cho sản phẩm. Chẳng hạn, đối với sản phẩm rau đạt chứng nhận VietGAP, ngoài các qui định trong các bước thực hiện, đòi hỏi các đơn vị sản xuất bắt buộc phải đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật sản xuất từ khâu chọn đất, về nước tưới, giống, phân bón, về phòng trừ sâu bệnh, về thu hoạch, đóng gói, …Theo đó những sản phẩm sản xuất áp dụng quy trình và được cấp chứng nhận VietGAP sẽ mang lại lòng tin cho nhà phân phối, người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Chứng nhận VietGAP giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu khi tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp được áp dụng qui trình VietGAP, sẽ yên tâm về nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng tạo đầu ra sản phẩm bền vững hơn, giữ được uy tín với khách hàng và nâng cao doanh thu. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đó cũng là mục tiêu chính và lợi ích lớn nhất mà VietGAP mang lại. Với việc đề ra các nguy cơ và quy định thực hiện, VietGAP sẽ tạo nên quyền được đòi hỏi của người tiêu dùng, từ đó góp phần tạo lên một thế hệ những người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường khi thấy có chứng nhận hoặc dấu chứng nhận sản phẩm VietGAP, đây cũng là động lực chính thúc đẩy người dân và các nhà sản xuất phải cải tiến để sản xuất và cung ứng các sản phẩm tốt từ nông nghiệp cho xã hội.
Mô hình Xoài đang triển khai quy trình cấp chứng nhận VietGAP năm 2020 tại xã Hòa Phú, Tp. BMT
Với thị trường ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng để đáp ứng nhu cầu sức khỏe cộng đồng trong tương lai, mong rằng các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác rà soát, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp an toàn cho phù hợp. Tăng cường hỗ trợ phát triển nhân rộng diện tích các loại sản phẩm được chứng nhận VietGAP. Phát triển các mô hình chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong đó lấy doanh nghiệp là hạt nhân. Xây dựng chính sách tổng thể phục vụ từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và phải xây dựng nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện chính sách được thuận lợi. Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm có chứng nhận; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình áp dụng, chứng nhận và lưu thông phân phối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Doanh nghiệp đang liên kết đầu ra đối với sản phẩm dưa lưới chuẩn bị cấp chứng nhận VietGAP năm 2020
Cẩm Lai - Trạm KN Tp. Buôn Ma Thuột