Đắk Nông: Chiếc cầu kỹ thuật của người dân
Cập nhật lúc: 27/12/2016
Cập nhật lúc: 27/12/2016
“Cán bộ khuyến nông cơ sở phải đi đầu trong việc áp dụng thành công những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì người dân mới thấy, mới tin và làm theo”; “Làm nông dân cũng đòi hỏi bản thân và gia đình phải cố gắng, học hỏi nhiều, kiên trì thì thành quả cho mình mới ngọ - không thì nó đắng như cà phê và cay như tiêu đó, cô ạ?” là những lời tâm sự của chị Chu Thị Hà, cộng tác viên khuyến nông tổ 9, phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Về tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành hôm nay, trong sự rộn ràng của một vụ mùa thu hoạch cà phê, bà con nông dân nơi đây không khỏi phấn khởi nhìn sự đổi thay từng ngày của tổ dân phố mình. Địa bàn là tổ dân phố của phường nhưng có trên 80% người dân sản xuất nông nghiệp. Từ khi có chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ưu tiên phát triển nông nghiệp, bà con đã được tiếp cận với các phương thức canh tác cải tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả giúp xoá dần đói giảm nghèo cho bà con. Sự có mặt của các cộng tác viên khuyến nông trên địa bàn góp phần không nhỏ vào sự đổi thay của tổ dân phố. Họ chính là người bạn gần gũi, tin cậy của người dân, đồng hành với nông dân, là cầu nối giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Một trong những cộng tác viên khuyến nông đó là chị Chu Thị Hà.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền biển của tỉnh Hà Tĩnh, năm 1991 với quyết tâm của sức trẻ, nhiệt huyết của thanh niên chị quyết tâm vào Tây Nguyên sinh sống lập nghiệp. Chị bảo, đi cho bớt khổ, đi để tránh: nắng, gió, cát, thiên tai... ở quê mình. Đi mà thương, đi mà ray rứt...
Vào Tây Nguyên những năm đó chị làm thuê để sinh sống. Sau khi lập gia đình với người trai đồng hương, vợ chồng anh chị dành dụm tiền mua đất, mua rẫy. Đến năm 1997, anh chị mới bắt đầu trồng được 2 ha cà phê. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh chị canh tác thêm cây ngắn ngày, chăn nuôi gà, ngan, trồng rau các loại để cải thiện đời sống gia đình.
Khi vườn cà phê bắt đầu cho năng suất ổn định, anh chị quyết tâm trồng thêm tiêu. Hiện nay với tổng diện tích hơn 3 ha, anh chị trồng được 1.500 cây cà phê ,thu ổn định 6-7 tấn nhân/ năm; Tiêu trồng mới và thu chính là 2.500 trụ, cho thu chính hơn 1.000 trụ, năm nay chị ước thu 4 tấn hạt tiêu. Sau khi trừ các khoản chi phí phân bón thuốc bảo vệ thực vật, công thuê mướn trong năm cho vườn nhà, chị ước thu được xấp xỉ 500 triệu/năm. Trong vườn nhà chị lúc nào cũng có rau xanh, gần 200 con gà, ngan để cải thiện.
Chị Hà bên vườn cà phê, tiêu của mình
Với gia đình chị là người vợ đảm, người mẹ hiền mẫu mực yêu thương chia sẻ, vun vén, nuôi dạy các con ngoan, học tốt. Ngoài xã hội, tình làng nghĩa xóm chị luôn chu toàn. Chị cứ nghĩ rằng mình vui chung cái vui mọi người, mình gánh vai chia sẻ với hàng xóm những khó khăn vậy là vui lắm rồi.
Khi nói về công việc chị đang đảm nhiệm là cộng tác viên khuyến nông, chị tâm sự: làm khuyến nông không khó, làm khuyến nông phải bắt nguồn từ lòng nhiệt huyết, không ngại khó không ngại khổ, làm cho gia đình mình hiệu quả để bà con nhìn vào noi theo, học theo. Trước kia kỹ thuật chị còn yếu và thiếu, nay chị được tham gia tập huấn nhiều, có tài liệu kỹ thuật, có thông tin cần thiết. Tuy nhiên khi mới vào làm chị gặp nhiều khó khăn vì địa bàn tổ dân phố rộng, giao thông ở vùng bà con canh tác xa. Chính vì vậy việc hướng dẫn cho bà con gặp không ít cản trở. Khi đi làm hay chỉ trong một cuộc nói chuyện, cuộc họp tổ dân phố, họp phụ nữ, chị đều tận dụng thời gian hướng dẫn cho mọi người để tất cả được tiếp cận những cái mới, không để nông dân thiệt thòi vì thiếu thông tin.
Với kinh nghiệm canh tác của gia đình, chị hướng bà con sản suất tiêu theo hướng bền vững, hạn chế sử dụng kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng theo danh mục cho phép, ưu tiên các chế phẩm sinh học, hữu cơ để cây ổn định lâu dài không gây ô nhiễm môi trường, gây hại cho người.
Thay đổi từ suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm, chị Hà bắt đầu khơi dậy tiềm năng là thay đổi từ chính cách sản xuất của mỗi người nông dân trong vùng chị sinh sống. Chị và các cộng tác viên trong phường cùng nhau sản xuất thật giỏi để mỗi anh chị cộng tác viên trong phường là một mô hình sản suất có hiệu quả. Từ đó có thể hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến tận từng hộ dân, giúp họ thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hướng đến sản xuất hàng hóa để tăng thu nhập, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống của nông dân.
Chia tay chị Hà, người cộng tác viên nhiệt tình năng nổ, trong chúng tôi là cảm giác ấm áp, yên tâm. Nhìn vườn cà phê trĩu quả chín đỏ, những trụ tiêu xanh tốt với chuỗi quả xanh non hứa hẹn vụ mùa bội thu sắp tới. Trong sự cố gắng vươn lên, vượt khó để có thành quả hôm nay là bao mồ hôi công sức của chị cũng như các anh chị làm khuyến nông khác cùng chung tay xây dựng nông thôn đưa nông nghiệp địa phương đi lên ổn định, bền vững.
Trong sự đi lên và phát triển nông nghiệp của từng vùng, ở đâu có những con người năng động sáng tạo ham học hỏi, biết thay đổi cách nghĩ cách làm để định hướng cho bản thân, gia đình và cộng đồng phát triển. Trong sự thay đổi của nông nghiệp hiện nay có phần không nhỏ của các anh, các chị khuyến nông viên cộng tác viên những người cùng với nông dân trăn trở tìm hướng đi cho nông nghiệp đưa nông thôn đi lên đuổi dần để kịp sự phát triển của thành thị.
Phạm Thị Ngọc Bích
Trạm Khuyến nông Gia Nghĩa, Đăk Nông