Đắk Lắk: Sầu riêng lên “ngôi vương”, nông dân lùng sục mua cây giống
Cập nhật lúc: 26/11/2017
Cập nhật lúc: 26/11/2017
Nếu giá mỗi cây sầu riêng hạt lép tăng gấp 2 lần thì giống sầu riêng thường cũng tăng lên đến hơn 40%. Cơn sốt giống sầu riêng đang khiến thị trường sản xuất loại cây này tại khu vực Tây Nguyên trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
“Lên ngôi” từ trái đến giống
Vụ sầu riêng vừa qua, tại Đắk Lắk nhiều nông dân đã bỏ túi hàng tỷ đồng nhờ giá sầu riêng tăng cao. Ở thời điểm cuối vụ, khi lượng hàng bắt đầu khan hiếm, mỗi kg sầu riêng có giá lên đến 80.000 đồng. Với mức giá này, mỗi ha sầu riêng nông dân có thể thu đến hơn 1,5 tỷ đồng.
Chính sự “lên ngôi” của quả sầu riêng mà giá bán giống loại cây này cũng đang trở nên hết sức đắt đỏ. Ở thời điểm hiện tại, giống sầu riêng cơm vàng hạt lép đang ở mức 110.000 – 120.000 đồng/cây, gấp đôi so với năm trước. Giống sầu riêng thường cũng tăng từ 30.000 – 35.000 đồng/cây lên 45.000 – 50.000 đồng/cây. Ngay cả cây sầu riêng thực sinh 1 năm tuổi cũng có giá đến 20.000 đồng, tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Không chỉ giống tăng, mà ngay từ khi vào vụ, hạt sầu riêng cũng được mua với giá không hề rẻ. Nếu năm ngoái mỗi kg hạt sầu riêng chỉ từ 7.000 – 9.000 đồng thì năm nay đã tăng lên gấp đôi. Thậm chí có thời điểm hạt sầu riêng được mua với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở hầu hết các địa phương, nông dân đều tỏ ra hết sức hào hứng với cây sầu riêng. Ông Đinh Văn An, thôn Ea Ksô, xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) nói: “Nhà chỉ có hai cây sầu riêng mà sau khi hái cho con cháu ăn còn bán được hơn 5 triệu đồng. Thấy ham quá nên năm nay tôi thêm giống trồng vào mấy chỗ trống trong vườn cà phê”.
Cũng như ông An, hầu hết nông dân ở Đắk Lắk đều đang tranh thủ tận dụng tất cả những khoảng đất trống để trồng sầu riêng. Tại những vườn cà phê tái canh, những vườn tiêu hay xung trong vườn nhà…, nông dân đều tận dụng chỗ trống để trồng sầu riêng. Đây chính là lý do khiến thị trường giống sầu riêng trở nên sôi động.
Cẩn thận với giống kém chất lượng
Không chỉ ở thời điểm hiện tại, mà ngay từ khi bước vào vụ, tại các cơ sở ươm giống cây trồng đã “nóng” với giống sầu riêng. Do không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên nhiều cơ sở đã nhập thêm giống từ các tỉnh khác về để bán cho người dân.
Tuy nhiên theo phân tích của một số chuyên gia, giống sầu riêng được sản xuất tại chỗ sẽ thích nghi tốt hơn so với giống nhập về từ nơi khác. Bởi ở mỗi vùng có đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Nếu đưa giống sầu riêng từ vùng có khí hậu ôn hòa về Đắk Lắk để trồng thì cây rất dễ bị tổn thương, dễ nhiễm sâu bệnh do một số hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, mưa dầm… thường xảy ra ở Tây Nguyên.
Ông Cao Bá Thành, một nông dân chuyên trồng sầu riêng ở xã Ea M’Nang, huyện Cư M’Gar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình mua giống cùng một nơi, đem về trồng và chăm sóc như nhau nhưng có cây chỉ 5 năm sau ra trái ổn định, cây khác đến 10 năm mới cho trái nhưng sản lượng,năng suất đều rất èo uột.
“Do lợi nhuận nhiều cơ sở sẵn sàng trà trộn giống dỏm vào để bán cho nông dân. Người dân cần hết sức cẩn thận để tránh mua giống kém chất lượng”- ông Thành nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển sinh học Dona-Techno, cũng cho rằng, hiện trên thị trường có rất nhiều giống sầu riêng khác nhau. Riêng giống sầu riêng dona, đơn vị đang sản xuất độc quyền. Tuy nhiên, hiện giống sầu riêng này đang bị làm nhái rất nhiều.
Do đó, nông dân cần tìm đến những cơ sở sản xuất cây giống có uy tín, được cấp phép, có giống cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để mua. Đồng thời khi mua giống người dân nên yêu cầu cơ sở bán giống xuất hóa đơn để nếu không may xảy ra vấn đề gì thì lấy đó làm cơ sở để đề nghị đền bù thiệt hại. (danviet.vn)
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, sầu riêng ưa nhiều ánh sáng nên cần được trồng thưa, khoảng cách thích hợp tùy theo từng loại giống. Đây là cây thụ phấn chéo, nông dân nên trồng nhiều loại giống khác nhau trên một vườn, trong đó cây chủ lực chiếm trên 50% hoặc thiết kế trồng 1 hàng giống chủ lực, 1 hàng giống khác để tăng năng suất.