ĐẮK LẮK: NHÌN THẲNG VÀO TỒN TẠI QUYẾT TÂM THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Cập nhật lúc: 22/07/2021
Cập nhật lúc: 22/07/2021
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi vẫn còn xảy ra, một số nông sản có giá bán xuống rất thấp, tiêu thụ hết sức khó khăn,… nhưng Sở Nông nghiệp và PTNT đã bám sát, tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì phát triển và đạt kết quả tốt. Đấy là một nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Ngành nông nghiệp đạt kết quả cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
Ngày 14/7/2021, tại hội trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk triển khai hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tham gia hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoài Dương – Uỷ viên Ban Thường vụ, Thành viên UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị cùng với 69 đại biểu là lãnh đạo các Chi cục, Trung tâm, đơn vị trực thuộc Sở, các Ban quản lý rừng, vườn quốc gia Chư Yang Sin, Văn phòng điều phối chương trình Nông thôn mới tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố; Hội cựu chiến binh, Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT.
Quang cảnh Hội nghị
Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành nông lâm nghiệp, thủy sản vẫn chiếm vị trí quan trọng khoảng 32,7% GDP trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu tổng hợp đều đạt và vượt kế hoạch: Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn (GRDP-theo giá SS 2010) ước đạt 6.250,83 tỷ đồng, bằng 33,41% KH (KH: 18.711 tỷ đồng), tăng 3,82% so với cùng kỳ 2020; Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (GO-theo giá SS 2010) ước đạt 15.186 tỷ đồng, bằng 33,09%KH (tăng 4,02% so với cùng kỳ năm); Thuỷ lợi đảm bảo tưới chủ động cho 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới (tăng 1,5% so với cùng kỳ); Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,24% (tăng 1,84% so với cùng kỳ); Tỷ lệ che phủ rừng: 38,78% (tăng 0,15% so với cùng kỳ) và Tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới: 43,42% (66 xã), tăng 9.21% (14 xã) so với cùng kỳ 2020.
Đóng góp vào thành quả đó, cơ cấu sản xuất luôn được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị, đảm bảo chất lượng và an toàn ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Theo dõi chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, năng suất và sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp luôn được đẩy mạnh triển khai. Xác định phát triển kinh tế tập thể, trang trại là điều kiện, tiền đề, là cầu nối quan trọng để liên kết nông dân với doanh nghiệp, hình thành, phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 368 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 36 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2020), 226 tổ hợp tác và 716 trang trại. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 14 HTX, đạt 33% kế hoạch. Sắp xếp, đổi mới 25 Công ty nông, lâm nghiệp. Triển khai tái cơ cấu ngành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao được chú trọng; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được nâng cấp và hiện đại hóa, hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được chính quyền các cấp đã quan tâm hơn, nhận thức về rừng của toàn xã hội được nâng lên, quan điểm đổi mới xã hội hoá về bảo vệ rừng được triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả; công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được chỉ đạo triển khai mạnh mẽ; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và đi vào chiều sâu,…
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác luôn được quan tâm, chú trọng phát triển gồm: Hoạt động khuyến nông, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp; Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản tiếp tục được tăng cường; Thuỷ lợi - Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai, nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tiếp tục được quan tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt và giảm nhẹ thiên tai; Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai rộng khắp, thực chất; Chương trình bố trí dân cư, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm thực hiện; Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành ngày càng nâng cao; Công tác hợp tác Quốc tế và thực hiện các Chương trình dự án ODA của tỉnh.
Đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ea Hleo phát biểu tại Hội nghị
Theo ông Đoàn Doãn Toản - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pắk đã có những trăn trở, khó khăn, vướng mắc của ngành nông nghiệp ở địa phương được chia sẻ: “Ngành nông nghiệp huyện đã thấm nhuần canh tác bền vững, doanh nghiệp đã đi đầu và người nông dân sản xuất các nông sản có truy xuất nguồn gốc, Vietgap nhưng điều khó khăn trăn trở nhất hiện nay là phải làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua nông sản để xuất khẩu. Điều kiện nhập khẩu ở một số quốc gia cần phải có chỉ dẫn địa lý và bảo hộ sản phẩm trong khi đó ngành nông nghiệp huyện Krông Pắk chưa kết nối và tiếp cận được vấn đề này”.
“Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Ea Hleo chiếm 48,18% cơ cấu kinh tế của huyện. Kinh tế tập thể, kinh tế trang trại đang phát triển mạnh dần hình thành sản xuất tại các vùng tập trung. Tuy nhiên, người nông dân vẫn đang loay hoay trồng cây gì, nuôi con gì, quy mô nông hộ là chủ yếu, nông sản chủ yếu là xuất thô chưa tạo bước đột phá mới trong nông nghiệp, bán ở đâu, giá bao nhiêu, lợi nhuận của người nông dân trong sản phẩm nông nghiệp là bao nhiêu. Các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp luôn được thực hiện, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn ở mức thấp. Hiện nay, khó khăn nhất là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, thiếu liên kết vùng chuyên canh, liên kết theo chuỗi giá trị, thiếu thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp đặc biệt là chế biến sâu. Đồng thời, kiến nghị với Sở Nông nghiệp và PTNT về quan tâm giới thiệu doanh nghiệp tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông sản, mức hỗ trợ cho hợp tác xã liên kết chưa đủ mạnh và sớm có chủ trương thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp để phục vụ công tác nông nghiệp của địa phương” đó là những chia sẻ của ông Bùi Công Lăng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ea Hleo.
Tại hội nghị, ông Trần Quang Trịnh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ea Sup cũng cho biết thêm: “Là địa phương có diện tích đất và tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn nhưng sản xuất nông nghiệp lại gặp khó khăn. Sản phẩm chủ lực của địa phương là lúa và điều. Vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị, theo hợp tác xã còn nhiều tồn tại như các hộ nông dân liên kết có tâm lý trông chờ ỷ lại, liên lết về sản xuất chỉ theo số lượng chưa theo chất lượng, tự phá vỡ hợp đồng khi giá bán ở thị trường cao hơn, hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ. Hiện khó nhất là tích tụ đất đai để thực hiện liên kết, các dự án chăn nuôi quy mô lớn đã có chủ trương đầu tư nhưng đất đai không được sạch, không rõ nguồn gốc, đất nông lâm trường, thủ tục cho thuê và chuyển nhượng đất rườm rà phức tạp nên các doanh nghiệp khó xây dựng dự án. Đề nghị UBND tỉnh ban hành vùng nuôi chim yến”.
Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Từ những kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm, từ nay đến cuối năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tập trung, chủ động và thống nhất cao trong toàn ngành nông nghiệp, bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy mọi nguồn lực và quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, tập trung triển khai thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19; đồng thời tuyên truyền cho người dân triệt để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid – 19.
- Nâng cao năng lực xây dựng, triển khai văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện các Nghị quyết, Quy hoạch, Đề án của ngành.
- Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
- Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến và thương mại nông lâm sản và thuỷ sản.
- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công tác Khuyến nông, Giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp.
- Phát triển kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, nước sạch môi trường nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
- Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
- Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành.
Đồng chí Nguyễn Hoài Dương - UVBTV, Thành viên UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kết luận Hội nghị
Kết luận của đồng chí Nguyễn Hoài Dương - UVBTV, Thành viên UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại hội nghị: Nhìn thẳng vào những tồn tại: Vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chứng nhận, thương hiệu theo chuỗi giá trị còn hạn chế; quy định, cơ chính chính sách triển khai chậm; đầu tư sản xuất cao, giá thành thấp; công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều tồn tại, vướng mắc, kém hiệu quả; xác định hướng triển khai 06 tháng cuối năm; các nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm; lợi thế về điều kiện, có nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng chưa tương xứng, cần chuyển tiềm năng lợi thế thành hiệu quả. Qua đó, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: (1) Bám sát Nghị quyết, chỉ tiêu, chương trình công tác của ngành để triển khai hiệu quả, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; (2) Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hợp tác từ sản xuất đến thị trường; (3) Liên kết với nhà đầu tư bằng các nền tảng chuẩn bị đón tiếp; (4) Triển khai tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn, kiến nghị vướng mắc; (5) Tập trung triển khai nhiệm vụ chương trình công tác, phân công, kiểm tra giám sát, đồng bộ, kịp thời, đặc biệt các văn bản đã ban hành; (6). Đối với chương trình nhiệm vụ về trồng trọt, giống, thuốc, phân bón tiêu thụ lớn nhất cả nước, tổ chức sử dụng hiệu quả, chống hàng giả, kém chất lượng, hướng dẫn người tiêu dùng thông minh; (7) Công tác phòng chống thiên tai tập trung tham mưu Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương ngày 24/3/2020; (8) Công tác quản lý bảo vệ rừng tăng cường trách nhiệm, kiên quyết xử lý, tham mưu chính quyền địa phương vào cuộc, phát hiện, đề xuất quy định.
Cao Phúc
Trung tâm Khuyến nông – GCTVN&TS Đắk Lắk