Đắk Lắk: Cơ sở ương giống Tôm càng xanh đầu tiên được hình thành
Cập nhật lúc: 17/06/2021
Cập nhật lúc: 17/06/2021
Anh Cải Minh Thành là một trong những người đầu tiên làm việc tại Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk ngay từ khi mới thành lập. Tuy nhiên, vì niềm đam mê với con tôm càng xanh nên anh đã về Thừa Thiên Huế để thực hiện dự án “Sản xuất giống Tôm càng xanh” từ khoảng giữa năm 2011 và đã thành công nhiều năm năm liền. Để tiếp tục mở rộng địa bàn anh nghĩ tới Đắk Lắk - là địa phương có điều kiện khí hậu, thời tiết và nhiều ao hồ, ruộng trũng phù hợp với phát triển về nuôi Tôm càng xanh...
Sau nhiều trăn trở, suy nghĩ để góp phần vào phát triển ngành thủy sản tại Đắk Lắk - nơi anh đã từng sinh sống và làm việc trong ngành thủy sản. Anh Thành đã chủ động đi khảo sát, đánh giá về chất lượng môi trường nuôi để quyết định lựa chọn cơ sở ương dưỡng tôm giống và nuôi thương phẩm Tôm càng xanh. Anh đã từng lấy mẫu nước tại khu huấn luyện thủy sản Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản, và 1 số xã ở huyện Buôn Đôn... Cuối cùng anh đã lựa chọn xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar đặt làm cơ sở ương nuôi tôm giống càng xanh.
Toàn cảnh cơ sở ương giống Tôm càng xanh
Hệ thống bể ương tôm càng xanh
Cơ sở được đặt tại số nhà 198A, buôn Cuôr Đăng A, xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar, có tổng diện tích 750 m2 bao gồm nhà làm việc, hệ thống bể chứa nước, bể ương dưỡng tôm giống và xử lý nước thải. Bước đầu, cơ sở đã xây dựng gồm 04 bể ương (28 m3/bể) và 01 bể chứa xử lý nước hình chữ nhật (60 m3). Bể ương được thiết kế bằng sắt hàn thành lồng hình trụ và lót bạt nhựa HDPE. Nền đáy của bể tạo thành hình lòng chảo có lỗ để thuận lợi cho việc thoát hoặc xi phông vệ sinh đáy bể trong quá ương nuôi. Phía trên bể ương che bằng lưới đen. Cơ sở đang áp dụng công nghệ Biofloc của công ty thức ăn chăn nuôi Tôm CP và đã được Chi cục Thủy sản cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Sau khi xây dựng, cơ sở chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2021 đến nay đã thả giống ương nuôi được 03 đơt (nguồn tôm Post được nhập từ công ty CP Việt Nam). Đợt đầu tiên thả 40.000 con, sau đạt tỷ lệ sống 70%, kích cỡ tôm đạt bình quân 3 cm/con và chuyển sang ao đất nuôi tôm thương phẩm tại buôn Ko Dung B, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Các đợt thả giống cách nhau khoảng 15 ngày. Hiện cơ sở đang tiếp tục chăm sóc 140.000 con (02 đợt) thời gian đã ương dưỡng từ 15 - 32 ngày. Qua kiểm tra, đánh giá ban đầu cho thấy đàn tôm thích nghi với điều kiện môi trường Đắk Lắk, tốc độ sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Anh Thành chia sẻ: “Kết quả của ngày hôm nay là quá trình nỗ lực hết mình của bản thân và sự ủng hộ nhiệt tình của vợ tôi. Ngày ngày, 2 vợ chồng tôi thay nhau chăm sóc đàn tôm; cho ăn, đo các yếu tố môi trường (nhiệt độ, Oxy, pH), theo dõi hoạt động của đàn tôm để có những biện pháp xử lý kịp thời. Những kết quả đạt được mới là những bước khởi sắc ban đầu, chúng tôi sẽ còn phải cố gắng nổ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới”.
Đam mê và quyết tâm đã đem lại thành công cho anh Cải Minh Thành về mô hình ương giống tôm càng xanh trên mảnh đất thủ phủ về cà phê. Mô hình thành công sẽ mở ra những hướng phát triển mới cho ngành thủy sản của tỉnh nhà. Anh là một tấm gương điển hình góp vào phát triển nông nghiệp, nông thôn cần được biểu dương và nhân rộng./.
Hồng Duyên - Chi cục Thủy sản