“CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÂY NGUYÊN BỀN VỮNG”
Cập nhật lúc: 11/11/2019
Cập nhật lúc: 11/11/2019
“Chương trình phát triển Tây Nguyên bền vững” gọi tắt là ISLA. Chương trình ISLA được xây dựng nhằm kết nối khối công và tư cùng thiết kế và đầu tư thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, nước, rừng đảm bảo phát triển bền vững.
Từ năm 2018 - 2019 Tổ chức sáng kiến Thương mại Bền vững Ha Lan (IDH) đã triển khai “Chương trình phát triển Tây Nguyên bền vững” tại Tây Nguyên. Kết quả thực hiện của Chương trình ISLA tại Đắk Lắk từ năm 2018 đến nay đã triển khai được 04 chương trình như:
Chương trình: “Tăng cường cơ chế quản trị hợp tác công tư trong xây dựng cảnh quan bền vững”
Với mục tiêu là các thể chế được xây dựng và triển khai hiệu quả ở địa phương và quốc gia, nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, tìm kiếm cơ hội đồng đầu tư và phối hợp nhân rộng các thực hành tốt, các mô hình thành công. Kết quả thực hiện Chương trình đến nay đã có các hoạt động như: Kế hoạch phối hợp giữa dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững VnSAT và Chương trình ISLA được thống nhất sau chuyến thăm thực địa tới các vùng dự án của các công ty OLAM và SIMEXCO tại Đắk Lắk từ ngày 25 đến 30/10/2018. Theo đó, các bên đã thống nhất tập trung hỗ trợ các Tổ hợp tác/HTX tiếp cận nguồn tín dụng của dự án VnSAT hướng tới sản xuất bền vững. Dự án VnSAT hỗ trợ vật tư, giống, thiết bị tưới trên 02 mô hình mà IDH và các công ty đã đầu tư cơ sở hạ tầng; VnSAT hỗ trợ vật tư làm 02 mô hình đường đồng mức và hệ thống tưới và IDH sẽ hỗ trợ các nội dung còn lại; Hợp tác trong việc thúc đẩy chuỗi cung cấp bền vững và hạn chế mất rừng trong ngành cà phê và các mặt hàng khác ở Việt Nam; Phối hợp cùng chương trình REDD+ và Diễn đàn Cà phê Toàn cầu để điều phối việc thực hiện.
Chương trình: “Quản lý nước bền vững”
Với mục tiêu đề xuất các chính sách quản lý nước bền vững và cải thiện hệ thống thông tin trong quá trình ra quyết định quản lý nguồn nước ở tỉnh. Chương trình đến nay đã có các hoạt động chính và kết quả nổi bật như: Lắp đặt, vận hành, theo dõi và phân tích các mô hình thí điểm hệ thống tưới nước tiết kiệm, bao gồm 36 hệ thống phun mưa tại gốc; 03 hệ thống tưới tự động trên hệ thống tưới micro-drip; 06 hệ thống tưới béc và 06 hệ thống tưới dí; Tổ chức được 15 lớp tập huấn nhằm hỗ trợ nông dân tự thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tại gốc cho 715 nông dân; Lắp đặt, hỗ trợ vận hành, theo dõi và phân tích các vườn sử dụng 63 đồng hồ đo nước để tăng cường nhận thức của nông dân sử dụng hiệu quả nguồn nước. Kết quả theo dõi cho thấy lượng nước sử dụng đã giảm 25% so với năm 2016.
Chương trình: “Quản lý hóa chất nông nghiệp”
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh và sử dụng hóa chất nông nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk. Chương trình đến nay đã có các hoạt động chính và kết quả đạt được như: Ứng dụng tra cứu thuốc BVTV trên điện thoại được xây dựng dưới sự phối hợp của Cục Bảo vệ thực vật và tổ chức IDH. Ứng dụng cho phép tra cứu người dùng tên thuốc, tên hoạt chất, bệnh trên cây trồng và các quy trình canh tác bền vững. Hiện tại, đã có trên 900 tài khoản đăng kí sử dụng phần mềm, với trung bình 100 lượt truy cập mỗi ngày. Ứng dụng đã được giới thiệu và thảo luận với nông dân nông dân trồng cà phê tại xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar; Hỗ trợ, theo dõi và phân tích 05 mô hình bón phân theo khuyến nghị từ phân tích cân bằng dinh dưỡng đất. Theo đó, nông dân có thể tiết kiệm từ 10 - 25% chi phí bón phân.
Chương trình: “Các tiểu dự án cảnh quan cà phê”
Hợp phần này được thực hiện với các đối tác bao gồm Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Công Ty TNHH Olam Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên 2 - 9 Đắk Lắk, Công ty ACOM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội phụ nữ, Hội nông dân.
|
|
Hình ảnh mô hình cà phê cảnh quan
Mục tiêu chung của các tiểu dự án cảnh quan cà phê bao gồm: Quản lý canh tác và các đầu vào sản xuất đảm bảo thu nhập và sản xuất cà phê bền vững trong điều kiến biến đổi khí hậu; Giảm thiểu tác động của sản xuất và chế biến cà phê tới các môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, đất; Tăng cường các dịch vụ khuyến nông, đào tạo nông dân về thích ứng với biến đổi khí hậu và về các khả năng giảm sử dụng lượng nước tưới; Nâng cao tính cạnh tranh cho ngành sản xuất cà phê tại tỉnh Đắk Lắk.
Kết quả của chương trình này đã có các hoạt động chính và kết quả nổi bật như: Cung cấp 11593 cây giống, phát 15.435 kg phân bón; Hỗ trợ và giám sát hoạt động tái canh cà phê của 750 hộ; Triển khai và giám sát cụm cảnh quan 70 ha ở xã EaTar, huyện Cư M’gar; Bộ tiêu chí giám sát đánh giá tiểu cảnh quan cà phê đang trong quá trình soạn thảo và hoàn thiện. Mục tiêu của Bộ tiêu chí này là thống nhất khái niệm, tiêu chí đánh giá và định hướng xây dựng các mô hình cảnh quan cà phê bền vững trên địa bàn Tây Nguyên, tiến tới áp dụng ở trên các cây trồng khác. Bộ tiêu chí đang được chia sẻ với các đối tác và VnSAT để thu thập góp ý và hoàn thiện; Thực hiện cụm cảnh quan mới 100 ha tại HTX nông nghiệp bền vững Ea Toh, huyện Krông Năng; Tổ chức khóa đào tạo ToF và ToT về tưới tiêu tiết kiệm nước, vai trò của quản lý phân bón hợp lý, hệ thống xen canh và tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê cho các hộ nông dân, hội phụ nữ, hội nông dân của dự án.
Các khóa đào tạo ToT, ToF đã giúp cải thiện kiến thức và kỹ năng của các hộ nông dân về tưới tiêu tiết kiệm và tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê bền vững. Hầu hết các thành viên tham gia đều phản hồi rằng sau khóa đào tạo, họ đã hiểu về các tác động và cách thức giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trong sản xuất cà phê bền vững. Các khóa đào tạo đã nâng cao nhận thức của người dân tham gia dự án về các tác động của biến đổi khí hậu;
Khóa đào tạo về hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước và hệ thống tưới phun mưa đã giúp người dân nâng cao nhận thức về việc sử dụng nước hợp lý. Ít nhất đã có gần 200 hộ nông dân ngoài vùng dự án đến thăm các mô hình thí điểm để học hỏi về hệ thống và mong muốn được áp dung cho vườn của mình;
Với một số kết quả bước đầu triển khai thực hiện của Tổ chức IDH, thông qua “Chương trình phát triển Tây Nguyên bền vững” như đã nêu trên, cho thấy các hoạt động của Tổ chức IDH đã mang đến cho người sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk những kiến thức để tổ chức sản xuất, kỹ thuật canh tác… nhằm hướng đến thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, nước, rừng đảm bảo phát triển bền vững.
Nguyễn Hoài – CC TTBVTV