CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP)
Cập nhật lúc: 04/11/2019
Cập nhật lúc: 04/11/2019
OCOP được viết tắt từ tiếng Anh “One Commune One Product” được dịch ra là “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Chương trình OCOP với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn.
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 và Quyết Quyết định số 1048/QĐ-TTg, ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Ngày 07/5/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1040/QĐ-UBND về Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực thực hiện chương trình OCOP, tham mưu đề xuất các cơ sở, chính sách và điều phối các hoạt động của Chương trình; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh theo giai đoạn và hàng năm.
Để triển khai thực hiện tốt chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Từ ngày 21 đến 23 tháng 10 năm 2019, tại Khách sạn Tuấn Vũ, T.p Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với Công ty cổ phần đào tạo Nhất Tâm tổ chức lớp tập huấn dành cho cán bộ quản lý Nhà nước các cấp về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2019. Tham gia lớp tập huấn có chuyên viên các Chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo, chuyên viên các phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố; Chuyên viên Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa – thể thao và du lịch, Sở Công thương, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng,…
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Quang cảnh tại Lớp tập huấn
Dưới sự truyền đạt kiến thức, chia sẻ thông tin và phương pháp thực hiện, đánh giá sản phẩm OCOP của chuyên gia về Kinh tế và Phát triển nông thôn GVC. Đặng Tuấn Anh đã trang bị cho các lãnh đạo, chuyên viên thực hiện công tác quản lý Nhà nước những kiến thức phương pháp đánh giá, chấm điểm các sản phẩm OCOP của địa phương. Từ đó sẽ giúp cho các học viên sau khóa học có thể tham mưu tốt cho lãnh đạo các địa phương, các đơn vị quản lý chuyên ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chương trình OCOP tại địa phương.
Học viên thực hành chấm điểm sản phẩm OCOP
Ban tổ chức cũng đã tổ chức cho học viên thực hành chấm điểm một số sản phẩm OCOP của các địa phương như: Trà thảo dược Xuân Sang, bánh gạo tím thảo dược Xuân Sang (xã Ea Ô, huyện Ea Kar); Trà Mãng Cầu Nguyễn Văn (huyện Krông Pắc); Cà phê bột Thủy tiên (xã Ea Puk, huyện Krông Năng), Bột ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana),… Trong chương trình tập huấn giảng viên đã chia sẻ thêm kinh nghiệm làm OCOP của một số nước trên thế giới và trong khu vực.
Như vậy, để chương trình OCOP được thực hiện thành công thì chính quyền địa phương các cấp cần hiểu đúng, hiểu rõ về OCOP. Mỗi năm chỉ nên có 2 – 3 sản phẩm/huyện thật độc đáo, chất lượng, mang bản sắc riêng của địa phương tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Quy trình tổ chức phải thật nghiêm túc, công bằng để tạo động lực cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất lỗ lực xây dựng và phát triển sản phẩm, không nên để trở thành phong trào OCOP sẽ làm mất đi ý nghĩa, giá trị của thương hiệu OCOP.
Nguyễn Hoài – Chi cục TTBVTV