Cần chuẩn bị tốt khi đăng ký sản phẩm chứng nhận OCOP
Cập nhật lúc: 23/11/2021
Cập nhật lúc: 23/11/2021
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ đề ra với mục tiêu là nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đạt chứng nhận OCOP sẽ góp phần mang lại thêm lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Được biết, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Đắk Lắk đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, Voso… và vẫn ổn định được đầu ra ngay cả trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, cần phải chuẩn bị như thế nào để đăng ký sản phẩm tham gia chứng nhận OCOP?
Qua chia sẻ của một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tại TP. Buôn Ma Thuột đã có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP năm 2020 được biết, để đáp ứng các tiêu chí trong phân hạng, đánh giá, lựa chọn sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cần chuẩn bị một “nền tảng” về chất lượng bền vững của sản phẩm cần chứng nhận trong nhiều năm trước đó.
Ảnh: Anh Vương Thành Công bên sản phẩm Cà phê được đánh giá OCOP 4 sao
Anh Trần Ðình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ công bằng Ea Tu, đơn vị đã có sản phẩm cà phê bột đạt chứng nhận OCOP “3 sao” năm 2020 cho biết, đầu tiên các đơn vị tham gia đăng ký phải đáp ứng 3 “tiêu chí lớn”: Sản phẩm đăng ký phải gắn với sức mạnh cộng đồng, trong đó đảm bảo được các yếu tố đem lại lợi ích chung cho những người có liên quan trong quá trình tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm (nội dung này chiếm 35% giá trị thành công của sản phẩm); khả năng tiếp thị của sản phẩm, có cả những “câu chuyện” về sản phẩm mà trong quá trình sản xuất đã được hình thành, có ý nghĩa sâu sắc góp phần phát triển sản phẩm trong thời gian trước khi đánh giá (nội dung này chiếm 25% giá trị thành công sản phẩm). Cuối cùng là chất lượng sản phẩm, gồm yêu cầu mẫu mã sản phẩm hợp lý, đáp ứng cảm quan người tiêu dùng; dinh dưỡng sản phẩm đủ và đúng bản chất vốn có của nó; sản phẩm có tính độc đáo, đặc trưng; có tính khả thi trong phân phối trong nước và thị trường quốc tế.
Theo đó, để đáp ứng được 3 tiêu chí lớn nói trên thì trong đó chứa đựng nhiều tiêu chí nhỏ cần làm rõ. Đó là ý tưởng ra đời của sản phẩm, cùng giá trị mục tiêu của sản phẩm đem lại cho cộng đồng; về tính “mới” của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại đang cạnh tranh trên thị trường. Cơ cấu tổ chức của đơn vị doanh nghiệp, HTX, cá nhân… phù hợp để vận hành quá trình phát triển sản phẩm bền vững. Những thông tin cần đánh giá được thông qua bộ “Hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP”, đính kèm nhiều nội dung liên quan như: phương án, kế hoạch kinh doanh sản phẩm; có sản phẩm mẫu… cùng một số “tài liệu minh chứng bổ sung” theo quy định “tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm”.
Trên cơ sở hồ sơ đăng ký và thực tế sản xuất, phát triển của sản phẩm, Hội đồng khoa học tiến hành đánh giá và “phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo bộ tiêu chí”. Nếu đáp ứng tất cả các tiêu chí trên thì tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm đạt 100 điểm. Nếu thiếu một số chỉ tiêu nhỏ trong 3 chỉ tiêu lớn, thì căn cứ vào số điểm đã đạt để phân hạng sản phẩm đạt cấp độ nào. Các sản phẩm được phân thành 5 hạng khác nhau. Hạng 5 sao với tổng điểm trung bình đạt từ 90 - 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu; hạng 4 sao với tổng điểm trung bình đạt từ 70 - 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao, sau quá trình tiếp tục phát triển đáp ứng các tiêu chí đề ra.
Tương tự, hạng 3 sao với tổng điểm trung bình đạt từ 50 - 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao; hạng 2 sao với tổng điểm trung bình đạt từ 30 - 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao; hạng 1 sao với tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao sau quá trình tiếp tục phát triển nâng hạng.
Ảnh: Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020
Sản phẩm “Cà phê bột Vương Thành Công” của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) đã đạt chứng nhận OCOP năm 2020 với hạng 4 sao. Anh Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty chia sẻ, để số điểm đạt được 4 sao, ngoài các tiêu chí cơ bản, sản phẩm cần phải đạt thêm một số tiêu chí nhỏ, đặc biệt sản phẩm phải được chứng nhận ISO 22000 - 2018 để xây dựng niềm tin và thương hiệu sản phẩm an toàn, tạo lợi thế cạnh tranh, là yêu cầu của thị trường hiện nay. Theo anh Vương, sau khi sản phẩm cà phê bột Vương Thành Công đạt chứng nhận OCOP, đầu ra sản phẩm tốt hơn rất nhiều. Nhiều cửa hàng OCOP trên các tỉnh thành đã liên kết đặt hàng sản phẩm cà phê của anh.
Cẩm Lai– Trạm KN TP. BMT